Lào Cai: Ai “nâng barie” cho hàng trăm con trâu qua đường “tiểu ngạch” sang Trung Quốc mỗi ngày?

Thứ hai, 21/05/2018, 20:52 PM

Mỗi ngày, có hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao ở huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương (tỉnh Lào Cai), huyện Sín Mần (tỉnh Hà Giang), thậm chí trâu trong Thanh Hóa cũng được chuyển ra để tụ họp, buôn bán tại chợ trâu Cán Cấu (xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai)....

Mỗi ngày, có hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao ở huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương (tỉnh Lào Cai), huyện Sín Mần (tỉnh Hà Giang), thậm chí trâu trong Thanh Hóa cũng được chuyển ra để tụ họp, buôn bán tại chợ trâu Cán Cấu (xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai). Sau phiên chợ, hàng trăm con trâu này được “nâng Barie” để “vượt biên” trái phép qua đường tiểu ngạch Lù Dì Sán (xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai) sang Trung Quốc tiêu thụ. 

Những con trâu được thương lái Trung Quốc thuê đồng bào dắt qua biên giới.

Những con trâu được thương lái Trung Quốc thuê đồng bào dắt qua biên giới.

Mặc dù việc buôn bán, “vượt biên” trái phép này đã diễn ra từ rất nhiều năm nay, tuy nhiên không hề thấy “bóng dáng” của lực lượng chức năng kiểm dịch, kiểm tra, xử lý khiến dư luận nghi vấn về việc “bảo kê” buôn lậu “vượt biên” và lo ngại về tình hình an ninh biên giới, hàng hóa, gia súc “chui” không kiểm soát được dịch bệnh…

Khám phá chợ trâu lớn nhất Tây Bắc

Chợ gia súc Cán Cấu (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) đã nổi tiếng từ lâu với những nét độc đáo và vẻ hoang sơ của nó. Hàng ngày, có tới hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương (tỉnh Lào Cai), huyện Sín Mần (tỉnh Hà Giang), thậm chí trâu trong Thanh Hóa cũng chuyển ra để tụ hội, giao dịch, mua bán.

Phiên chợ trâu Cán Cấu.

Phiên chợ trâu Cán Cấu.

Từng là hướng dẫn viên du lịch và có nhiều dịp lên Si Ma Cai làm ăn nên Q. - một người bạn của tôi đã nhiều lần kể cho tôi nghe về những nét văn hóa độc đáo của phiên chợ trâu Cán Cấu. Bên cạnh đó, Q. cũng kể về những thủ đoạn vận chuyển, “vượt biên” trái phép mỗi ngày hàng trăm con trâu của cánh thương lái Trung Quốc qua đường tiểu ngạch Lù Dì Sán để sang Trung Quốc tiêu thụ mà không vấp phải sự trở ngại nào của lực lượng chức năng nơi đây.

Một ngày giữa tháng 5 gần đây, chúng tôi đã chuẩn bị hành trang để bắt đầu hành trình cùng Q. từ Hà Nội đi Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) để khám phá, trải nghiệm về phiên chợ trâu lớn nhất Tây Bắc này và tìm hiểu về vấn nạn buôn lậu gia súc trái phép qua biên giới.

Đường lên Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai).

Đường lên Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phiên chợ trâu Cán Cấu họp vào thứ năm hàng tuần ở lưng chừng con dốc Cán Chư Sử, thuộc xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Khu chợ này bán cả bò, dê, ngựa nhưng nhiều nhất ở đây là trâu, do đó chợ Cán Cấu được gọi là chợ trâu.

Người và trâu nườm nượp tạo nên khung cảnh ồn ào, náo nhiệt.

Người và trâu nườm nượp tạo nên khung cảnh ồn ào, náo nhiệt.

Điều đặc biệt là ở chợ Cán Cấu, ngoài những đồng bào người Mông, Giáy, Dao thì cũng có nhiều du khách dưới xuôi, thương lái người Trung Quốc, người Việt Nam tham gia buôn bán. Không chỉ riêng người lớn xuất hiện tại khu chợ mà cả trẻ em và người già địa phương nơi đây cũng đến phiên chợ này khiến cả khu chợ đông như trẩy hội. 

Vượt cả trăm km đường rừng núi để có mặt tại khu chợ Cán Cấu giữa trưa nắng gắt bỏng rát da thịt, chúng tôi quan sát thấy có hàng chục chiếc xe tải lớn, nhỏ, xe máy đỗ dọc đường vào khu chợ, một vài quán nước, hàng cơm được mọc lên bên cạnh đường. Bên sườn quả đồi của khu chợ là hàng trăm con trâu được “tập kết” tại đây, tiếng xe tải “đổ” trâu, tiếng ồn ào, kỳ kèo mặc cả, lời qua tiếng lại giữa các chủ buôn trâu và người bán khiến khu chợ càng thêm sôi động. 

Các xe tải vận chuyển trâu xếp hàng dài ngay trước khu chợ Cán Cấu.

Các xe tải vận chuyển trâu xếp hàng dài ngay trước khu chợ Cán Cấu.

Một vài bàn Bi-a được đặt ở trong quán nước để phục vụ nhu cầu giải trí, cờ bạc cho cánh lái xe tải và đám trẻ, thanh niên thôn, bản địa phương. Tất cả những thứ đó tạo nên một khung cảnh ồn ào, náo nhiệt.

Một vài hàng quán cộng thêm vài bàn Bi-a để phục vụ nhu cầu của cánh lái xe và thanh niên bản

Một vài hàng quán cộng thêm vài bàn Bi-a để phục vụ nhu cầu của cánh lái xe và thanh niên bản

Đang quan sát một vài thương lái người Trung Quốc mặc cả trâu với một số chủ trâu người đồng bào, chợt Q. nói nhỏ với tôi: “Nhiều khách du lịch khi lên đây nghĩ rằng chợ trâu này là của đồng bào trên này mang đến bán cho các chủ trâu dưới xuôi hoặc các chủ trâu dưới xuôi mang trâu lên bán cho đồng bào để mua trâu cày. Nhưng thực tế, trâu đồng bào có ít thôi, đa phần số trâu ở chợ này được vận chuyển khắp nơi về đây rồi sau đó bán cho thương lái Trung Quốc để tiêu thụ. Thậm chí, có lúc bán trâu gầy sang Trung Quốc nhưng một thời gian sau bên Trung Quốc họ chăm sóc kiểu gì mà trâu lại béo múp rồi lại bán sang Việt Nam. Trên này, trẻ con ở thôn, bản còn có nghề dắt trâu qua biên giới, công dắt mỗi con trung bình từ 50 – 70 nghìn đồng”.

Một thương lái Trung Quốc đang thanh toán tiền trâu cho chủ trâu.

Một thương lái Trung Quốc đang thanh toán tiền trâu cho chủ trâu.

Tại chợ Cán Cấu, chúng tôi được ông T. một chủ trâu người huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, chợ trâu ở đây ngày nào cũng mở, trâu ở đây đa phần là trâu Thanh Hóa chuyển lên để bán cho thương lái Trung Quốc. Trước khi mua, thương lái Trung Quốc thường xem xét rất kỹ càng, tỉ mỉ từng con trâu đem bán. Những con trâu được chọn thường chân to, khỏe, sống lưng chắc, đôi sừng mở rộng và bụng thon. Giá mỗi con trâu ở chợ Cán Cấu dao động từ 7 đến 25 triệu đồng, tùy thuộc vào trâu đen hay trâu trắng, đực hay cái, đẹp mã hay không và mua về để cày hay lấy thịt.

Hàng trăm con trâu “vượt biên” trái phép mỗi ngày

Theo một người dân địa phương nơi đây tham gia phiên chợ trâu cho biết, mỗi phiên chợ kết thúc, những thương lái Trung Quốc thu mua được hàng trăm con trâu để chuyển về Trung Quốc. Số lượng trâu sau khi được thương lái Trung Quốc mua sẽ đánh dấu ở mông trâu một chữ cái với mỗi màu khác nhau rồi tập kết để chuyển lên xe tải chở ra con đường tiểu ngạch ở Lù Dì Sán và “vượt biên” sang Trung Quốc tiêu thụ. 

Những con trâu chuẩn bị được cho lên xe tải để

Những con trâu chuẩn bị được cho lên xe tải để "vượt biên" sang Trung Quốc.

Việc vận chuyển, kiểm dịch này đều được các thương lái Trung Quốc “làm luật” đầy đủ với lực lượng chức năng nơi đây nên quá trình vận chuyển trái phép, “vượt biên” qua biên giới không vấp phải trở ngại nào. Hàng ngày, các chuyến trâu vẫn được “vượt biên” trót lọt như cơm bữa.

Đúng như những người này nói, tại thời điểm chúng tôi có mặt tại chợ Cán Cấu để ghi nhận tình trạng buôn bán trâu, chúng tôi cũng không hề thấy có “bóng dáng” của lực lượng chức năng, kiểm dịch xuất hiện tại chợ.

Phiên chợ trâu sôi động như vậy nhưng lại không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng kiểm dịch?

Phiên chợ trâu sôi động như vậy nhưng lại không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng kiểm dịch?

Sau khi ghi nhận việc buôn bán trâu tại chợ, chúng tôi bám theo những xe tải chở Trâu vào Lù Dì Sán để ghi nhận việc đưa trâu “vượt biên” sang Trung Quốc tiêu thụ trái phép của cánh thương lái Trung Quốc. Bám theo những xe tải chở trâu để chạy vào Lù Dì Sán, con đường núi tiếp giáp với huyện Sín Mần (tỉnh Hà Giang) heo hút, vòng vèo và bụi mù. Từ Cán Cấu vào Lù Dì Sán đi chưa đến chục km nhưng chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ mới có thể vào được vành đai biên giới này.

Đường vào Lù Dì Sán nhiều đoạn quanh co, nguy hiểm.

Đường vào Lù Dì Sán nhiều đoạn quanh co, nguy hiểm.

Có mặt tại Lù Dì Sán vào khoảng 16h chiều, chúng tôi dừng chân trên sườn dốc của một ngọn núi do xe tải và các xe khác không thể đi thêm xuống khu vực con sông Chảy – nơi giao cắt biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Vành đai biên giới Việt Nam - Trung Quốc qua đường tiểu ngạch Lù Dì Sán.

Vành đai biên giới Việt Nam - Trung Quốc qua đường tiểu ngạch Lù Dì Sán.

Giữa sườn dốc, chúng tôi thấy khoảng vài chục người đồng bào và một vài thương lái Trung Quốc đang đứng thương lượng, mặc cả ồn ào với nhau để dắt trâu sang bên kia biên giới. Bên cạnh những sườn núi, hàng trăm con trâu được đánh dấu xanh, đỏ ở mông nằm la liệt chờ những người đồng bào được thuê dắt qua đường tiểu ngạch để vượt biên.

Thương lái Trung Quốc đang thuê người đồng bào dắt trâu

Thương lái Trung Quốc đang thuê người đồng bào dắt trâu "vượt biên" trái phép sang kia biên giới.

Theo một người đồng bào nơi đây cho biết, việc dắt trâu sang bên kia biên giới đối với người dân sống sát vùng biên nơi đây là công việc thường ngày. Sau khi “đổ” trâu xuống giữa con dốc, do xe không thể đi xuống được khu vực sông Chảy cách đó chừng 500 mét, thương lái Trung Quốc sẽ thuê người bản địa dắt trâu sang bên kia sông Chảy và qua một quả đồi để sang kia biên giới.

Chỉ cần dắt qua con sông Chảy ở Lù Dì Sán là trâu được

Chỉ cần dắt qua con sông Chảy ở Lù Dì Sán là trâu được "vượt biên" sang bên kia Trung Quốc.

Mỗi con trâu được thương lái Trung Quốc thuê dắt với giá 50 – 70 nghìn đồng/con. Một ngày, nếu dắt chăm, một người có thể dắt từ 6 – 7 chuyến, mang lại thu nhập kha khá nên kể cả trẻ con nơi đây cũng tham gia dắt trâu thuê.

Mỗi con trâu được thuê từ 50 - 70 nghìn đồng để dắt

Mỗi con trâu được thuê từ 50 - 70 nghìn đồng để dắt "vượt biên".

Một điều rất lạ, tại thời điểm chúng tôi có mặt nơi vành đai biên giới này, trâu và người tấp nập “vượt biên” trái phép qua sông Chảy, qua biên giới, trong khi trụ sở của tổ công tác biên phòng Lù Dì Sán chỉ cách đó vài trăm mét nhưng không hề có bóng dáng chiến sĩ biên phòng nào xuất hiện nơi đây để kiểm tra, rà soát.

Tổ công tác biên phòng Lù Dì Sán cách đó chừng vài trăm mét nhưng không thấy chiến sĩ nào xuất hiện kiểm tra việc

Tổ công tác biên phòng Lù Dì Sán cách đó chừng vài trăm mét nhưng không thấy chiến sĩ nào xuất hiện kiểm tra việc "vượt biên" trái phép.

Bộ đội biên phòng “nâng Barie” cho trâu "vượt biên" vì lợi ích?

Ngay sau khi ghi nhận, thu thập tư liệu về việc vận chuyển trái phép này, chúng tôi đã liên hệ và làm việc với Đồn biên phòng Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) để làm rõ những thực trạng trên. 

Đồn biên phòng Si Ma Cai.

Đồn biên phòng Si Ma Cai.

Sau khi được chúng tôi trao đổi và cho xem những ghi nhận về việc buôn bán, vận chuyển trái phép trâu qua biên giới bằng đường “tiểu ngạch”, và nghi vấn có sự “bảo kê”, “làm luật”, Thượng Tá Nguyễn Khánh Tùng – Đồn trưởng Đồn biên phòng Si Ma Cai thừa nhận đúng là có thực tế thương lái, bà con dân tộc dắt trâu qua biên giới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau mà lực lượng biên phòng chưa thể xử lý triệt để. 

Chia tay những ngọn núi hùng vĩ, những cung đường đẹp như dải lụa ở Si Ma Cai vào đúng mùa mận chín, chúng tôi trở về Hà Nội. Tôi nghĩ mãi về vấn nạn đưa trâu “vượt biên” trái phép và những chia sẻ của vị đồn trưởng Đồn biên phòng Si Ma Cai. Rồi vấn đề an ninh biên giới sẽ ra sao? 

Thiết nghĩ, Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai, Bộ đội biên phòng huyện Si Ma Cai, cùng các cơ quan chức năng cần có những phương án xử lý cụ thể cho việc này để đảm bảo vấn đề an ninh biên giới, việc buôn bán, kiểm soát hàng hóa, gia súc, kiểm soát bệnh dịch được đảm bảo.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin, phản ánh.

Tố Vân - Kế Nguyễn

Theo Báo PLVN

largeer