Làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Hiệu quả chưa như kỳ vọng
Làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh thực sự bắt đầu từ đầu năm 2018 với yêu cầu đặt ra từ Chính phủ là phải đạt được mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% tổng số các điều kiện kinh doanh đặt ra. Sau những con số, chất lượng và hiệu quả thực sự của “cuộc tấn công” vào điều kiện kinh doanh ấy ra sao?
“Tấn công” trực diện
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã lần đầu tiên chủ động thực hiện một báo cáo có tên: “Điểm lại pháp luật kinh doanh sáu tháng”. Sáu tháng là một quãng thời gian rất ngắn đối với quá trình thực thi chính sách pháp luật, song đây lại là thời điểm rất nhạy cảm cho việc cải cách môi trường pháp lý phục vụ cho hoạt động kinh doanh, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh như trọng tâm cải cách trong nhiệm kỳ này của Chính phủ.
Trung bình mỗi năm các cơ quan nhà nước trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, có từ 10 đến 20 luật, khoảng 200 nghị định và quyết định của Thủ tướng, còn lại là những thông tư của các bộ và cơ quan ngang bộ. Mỗi văn bản đó lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. Như vậy, chỉ trong vòng sáu tháng, chính quyền trung ương có thể đưa ra hàng ngàn quy định có tác động đến các doanh nghiệp.
Hồi tháng 6-2016, đồng loạt các bộ gấp rút xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh để ban hành kịp thời điểm 1-7-2016. Theo đó, gần 3.000 điều kiện kinh doanh đang ở cấp thông tư sẽ hết hiệu lực sau thời gian này. Chính vì thế các bộ chạy đua với thời gian để ban hành kịp thời các nghị định về điều kiện kinh doanh, tức là “nâng cấp” điều kiện kinh doanh lên một mức cao hơn vì không bộ nào muốn bỏ quyền của mình vì luật này.
Nhưng đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh của năm 2018 lại là trọng tâm của Chính phủ với mục tiêu cụ thể được nêu ra ở trên. Nên muốn hay không, sự quyết liệt đó của Chính phủ và các cuộc kiểm tra thường xuyên của tổ công tác của Thủ tướng “đẩy” các bộ vào thế phải làm việc. Nghị quyết 01 của Chính phủ ra đời vì mục tiêu đó và Bộ Công Thương là cơ quan đi đầu lên phương án cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh, chiếm hơn 55% số điều kiện toàn ngành. “Làn sóng cải cách” này lan ra các bộ khác, ở mức độ khác nhau. Đến tháng 6-2018 khoảng 11 bộ đã đưa ra được kết quả dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa trên 50% tổng số điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, muốn đánh giá chất lượng và hiệu quả của nó phải có thước đo.
VCCI công bố: “Đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2018, với khá nhiều văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là ở cấp nghị định”. Biểu hiện cụ thể là “tấn công” trực diện vào những rào cản đối với các hoạt động của doanh nghiệp (điều kiện kinh doanh); đối với các sản phẩm cụ thể mà các doanh nghiệp làm ra (các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa) hay đối với hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp (quyền tự chủ, tự do kinh doanh).
Bên cạnh đó là những hành động hướng tới việc giảm bớt gánh nặng quản lý hành chính Nhà nước dưới hình thức cải cách thủ tục hành chính hay cải cách quy trình, quy hoạch ngành, vùng, địa bàn nhằm thúc đẩy cạnh tranh bình đằng.
Ví dụ như bãi bỏ điều kiện kinh doanh khí, xuất khẩu gạo; hay tạo ra một cuộc “cách mạng” về kiểm soát an toàn thực phẩm khi bãi bỏ thủ tục chứng nhận và công bố sự phù hợp; phân biệt rạch ròi việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa bằng việc tách biệt, lập danh mục hàng hóa buộc tuân thủ các thủ tục kiểm tra chặt chẽ (nghị định quy định chi tiết Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa). Nhiều dự thảo nghị định bất hợp lý trong thời gian này như Nghị định phát triển và quản lý ngành phân phối, các quy hoạch vô lý cũng bị bãi bỏ…
Đôi khi chỉ là những con số
Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2018 đã có rất nhiều điều kiện chung chung, thiếu minh bạch mang tính “cài cắm” trong điều kiện kinh doanh đã được các bộ sửa đổi hoặc bãi bỏ nhằm hướng tới việc đảm bảo các trật tự công như tinh thần của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, nhiều khi kết quả đạt được lại chỉ nằm ở con số.
Theo Nghị quyết của Chính phủ, tỷ lệ 50% được tính chung cho các điều kiện kinh doanh bị cắt giảm (bãi bỏ) và đơn giản hóa (sửa đổi). Tuy nhiên, điều kiện sửa đổi nhiều khi lại được đơn giản hóa như đề xuất sửa đổi một vài câu chữ trong khi bản chất không đổi hoặc tính chất đơn giản hóa không đáng kể. Có những sửa đổi theo hướng hạ thấp điều kiện... cũng được tính như là bãi bỏ điều kiện kinh doanh.
Ví dụ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm (Nghị định 88/2014) của Chính phủ quy định doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh bao gồm các nội dung cơ bản: kế hoạch kinh doanh, dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động, kế hoạch nhân sự, dự kiến các nguồn dữ liệu sử dụng. Nay chỉ đề xuất sửa đổi, bỏ “dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động” - như vậy, thực chất không bỏ được bao nhiêu, vẫn là can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của doanh nghiệp, vừa không khả thi vừa ít ý nghĩa thực tiễn.
Không thể phủ nhận những thành công bước đầu về rà soát điều kiện kinh doanh chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2018. Nếu các cuộc rà soát, sửa đổi được tiến hành công khai, minh bạch và chịu sự giám sát của doanh nghiệp và bên thứ ba (như VCCI) thì mục tiêu cải cách thể chế, môi trường kinh doanh của Chính phủ trong nhiệm kỳ này sẽ thực sự thành điểm sáng.
Ngọc Lan
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường