Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến
Ngày nay nhờ vào thương mại điện tử, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có thể xuất khẩu đi bất cứ nước nào trên thế giới với ít bước làm việc và chi phí tiết kiệm hơn trước.
Sau một tháng rưỡi liên lạc qua trang thương mại điện tử Alibaba, Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu Rau Quả 1 (Vegetexco 1) đã xuất khẩu thông qua thương mại điện tử được lô hàng dưa leo ngâm giấm cho một khách hàng đến từ Estonia - đất nước vùng Baltic. Kể từ khi trở thành thành viên Gold Supplier trên Alibaba, mỗi ngày doanh nghiệp này đều nhận được email hỏi về sản phẩm từ các khách hàng tiềm năng, tăng rõ rệt so với trước đây.
Ông Lê Văn Ánh - Giám đốc Vegetexco 1 tỏ ra hài lòng với kết quả đó dù phải mất chi phí để nâng cao thứ hạng trong kết quả tìm kiếm của khách hàng trên trang thương mại điện tử lớn hàng đầu thế giới.
Nhiều sản phẩm Việt có cơ hội lớn trên toàn cầu
Từ khoảng năm 2010 trở về trước, để có thể xuất khẩu được hàng hóa ra thế giới, doanh nghiệp phải trải qua 19 bước khác nhau và tốn kém nhiều kinh phí, vì vậy hoạt động xuất khẩu thường chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn. Ngày nay nhờ vào thương mại điện tử, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có thể xuất khẩu đi bất cứ nước nào trên thế giới với ít bước làm việc và chi phí tiết kiệm hơn hẳn.
Theo thống kê của Bộ Công thương, đến cuối năm 2017, có khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam tham gia giới thiệu bán hàng trên trang thương mại điện tử Amazon. Trên Alibaba.com hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp Việt chấp nhận trả khoản phí từ hơn 30 triệu đồng đến 135 triệu đồng mỗi năm để có vị trí thành viên Gold Supplier. Nhằm khai thác tốt thị trường Việt Nam, Amazon và Alibaba đều đã tăng cường thiết lập các đại lý kinh doanh ủy quyền.
Chia sẻ tại buổi họp mặt hội viên Câu lạc bộ sản phẩm đặc trưng Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong SP Club) vào ngày 6/7 vừa qua tại tỉnh An Giang, ông Phạm Năng Duy - Giám đốc Công ty Onbrand (đối tác của Amazon tại Việt Nam) cho biết, nhiều sản phẩm thủ công làng nghề của Việt Nam như rổ đựng quần áo đan bằng cỏ biển, chén và muỗng dừa, kẹo dừa Bến Tre và nhiều mặt hàng thực phẩm truyền thống khác chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện trên Amazon đã gây được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh số bán hàng các mặt hàng này liên tục tăng.
Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam sở hữu nhiều sản phẩm có cơ hội kinh doanh toàn cầu, nhưng do hoạt động quảng bá và xúc tiến bán hàng còn hạn chế nên chưa được nhiều khách hàng biết đến. Vì vậy việc kết nối bán hàng qua Amazon là giải pháp quảng bá và đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới phù hợp với lợi nhuận cao hơn. Công ty Onbrand tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tạo tài khoản, đăng sản phẩm cùng hình ảnh, gởi hàng qua kho hàng Amazon và thủ tục thanh toán an toàn cho các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề bán được hàng qua trang thương mại điện tử Amazon.
Tương tự, EDX Group – đại diện nhập khẩu của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam cũng công bố đang hợp tác với Hiệp hội làng nghề Việt Nam để đưa ra các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ gia đình làng nghề Việt Nam hướng đến sản xuất phục vụ cho xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường khác.
Bà Phạm Phương Lan – Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Dệt sợi Đam San chia sẻ: “Sau khi tham gia Alibaba gần một tháng, dù chưa thực sự quen thuộc với các tính năng và công cụ gian hàng nhưng chúng tôi cũng bắt đầu thấy tín hiệu khả quan, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Có khách hàng lúc đầu mua 100 tấn sợi thanh toán trả chậm 60 ngày, hai tuần sau khi sang công ty xem hàng trực tiếp, khách hàng này đã mạnh dạn mua tiếp 100 tấn khác trả ngay với giá khá cao. Sau gần một năm tham gia, chúng tôi đã có được thêm khách hàng ở Đức, Mỹ, Pháp. Trung bình một tháng, Đam San nhận được không dưới 80 thư hỏi về sản phẩm. Do tính chất mặt hàng nên công ty chỉ lựa chọn 5 bạn hàng trên Alibaba làm đối tác chiến lược, nhưng 5 bạn hàng này chiếm tới 65% doanh thu của công ty”.
Doanh nghiệp buộc phải nỗ lực hơn
Bà Hiền Dương - đại diện Công ty Mỹ nghệ Asia Crafts chia sẻ một kinh nghiệm đáng nhớ kể từ khi tham gia hoạt động trên Alibaba.com: Một nhà nhập khẩu nước ngoài sang làm việc với 5 nhà cung cấp mặt hàng sơn mài ở Việt Nam và Asia Crafts được nhà nhập khẩu này tới tham quan nhà xưởng đầu tiên.
Ban đầu, họ tỏ ra chưa hài lòng lắm nhưng sau cùng, vẫn chọn làm việc với Asia Crafts. Lý do là vì 4 công ty sau chỉ làm về thương mại chứ không trực tiếp sản xuất nên chỉ có thể dẫn khách hàng tới làng nghề sơn mài, điều đó làm khách hàng không an tâm. Được chọn làm đối tác, Asia Crafts mất gần một năm trời với 5 lần làm rồi sửa hàng mẫu cho khách, đổi lại, khách hàng tỏ ra hài lòng và đặt hàng dài hạn với giá trị hợp đồng khá lớn. Hiện nay, đến 50% tổng doanh thu của Asia Crafts có được là từ Alibaba.
Cũng sản xuất hàng mỹ nghệ, Công ty Hoa Lư cho biết một nửa lượng khách hàng hiện nay của doanh nghiệp này đến từ Alibaba, trong hơn 100 email hỏi về sản phẩm mỗi tháng công ty nhận được thì khoảng 5% trở thành đơn hàng thực sự. Khách hàng của Hoa Lư chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Anh.
Để tận dụng tất cả những lợi ích của một thành viên Gold Supplier, đại diện công ty cho biết doanh nghiệp phải cập nhật hồ sơ công ty đầy đủ, ấn tượng và cập nhật sản phẩm trưng bày thường xuyên, trả lời thư hỏi hàng một cách nhanh nhất, chọn từ khóa đúng cho sản phẩm; dành nhiều thời gian để trả lời chi tiết cho những đơn hàng… Ngoài ra, đội ngũ chăm sóc khách hàng của Alibaba cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng một hồ sơ công ty chuyên nghiệp và trưng bày sản phẩm bắt mắt, doanh nghiệp nên tận dụng tối đa điều này.
Theo ý kiến của một số người trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù đã bỏ chi phí để tham gia nhưng vẫn không tìm hiểu hết nền tảng hoạt động của Alibaba.com hay Amazon.com. Việc chưa nắm rõ cơ chế hoạt động của các trang web này khiến doanh nghiệp không khai thác hết được lợi ích mà website thương mại điện tử mang lại.
Điểm yếu của đa số doanh nghiệp Việt là nội dung đăng tải trên website chưa hấp dẫn, mô tả sản phẩm thiếu sót, trùng lặp; hình ảnh sản phẩm không bắt mắt, chi tiết, sản phẩm không được cập nhật liên tục. Hạn chế thứ hai là không có nhân sự để quản lý, điều hành và kiểm soát dữ liệu trên Alibaba hoặc Amazon.
Ngoài ra, các trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới cũng thường có hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu thị trường. Tuy nhiên đa số các doanh nghiệp Việt chưa biết tận dụng yếu tố này để lên kế hoạch bán hàng hiệu quả.
CẨM TÚ
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường