Lãi suất tiền gửi: Tăng giảm đan xen

Thứ ba, 02/10/2018, 13:42 PM

Lãi suất tiền gửi chỉ giảm ở một số ngân hàng, khó tạo thành làn sóng khi mà nhu cầu vốn của thị trường đang tăng

Thông thường, những tháng cuối năm, các ngân hàng (NH) thương mại có xu hướng tăng lãi suất đầu vào để đẩy mạnh huy động vốn phục vụ nhu cầu vay tăng cao. Tuy nhiên, gần đây một số NH lại đang chủ động giảm lãi suất tiền gửi. Điều này khiến không ít người cảm thấy lạ.

Chỉ giảm kỳ hạn ngắn

Tuần trước, chị Ngọc Quyên (ngụ quận 9, TP.HCM) cầm 400 triệu đồng đến NH mở sổ tiết kiệm kỳ hạn 2 tháng mới biết lãi suất hiện chỉ còn 5,2%/năm, tức giảm 0,2 điểm % so với 1 tháng trước.

Theo ghi nhận của phóng viên, động thái giảm lãi suất huy động đã được một số NH áp dụng từ giữa tháng 9 đến nay nhưng chỉ diễn ra ở một vài kỳ hạn nhất định. Chẳng hạn, NH TMCP Phương Đông (OCB) hạ lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống 5,3%/năm, tức giảm 0,1 điểm % so với lần công bố trước; kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 6,8%/năm… NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh giảm lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 2 tháng còn 5,2%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng 5,3%/năm, tức hạ 0,2 điểm % so với lần niêm yết trước; một số kỳ hạn dài cũng giảm từ 0,1-0,2 điểm %.

Một số ngân hàng thương mại đang chủ động hạ lãi suất tiền ở gửi ở một số kỳ hạn. Ảnh: Tấn Thạnh

Một số ngân hàng thương mại đang chủ động hạ lãi suất tiền ở gửi ở một số kỳ hạn. Ảnh: Tấn Thạnh

Tại VPBank, khách hàng gửi kỳ hạn 6-11 tháng chỉ được hưởng lãi cuối kỳ là 6,6% thay vì mức 6,7% như trước đó. Các kỳ hạn dài 18-36 tháng, VPBank cũng giảm 0,2 điểm % xuống 7,2%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất của NH này.

Một lãnh đạo Sacombank cho biết động thái giảm lãi suất nhằm phù hợp với diễn biến thị trường và nhu cầu vốn của NH. Bởi trước đó, mức lãi suất huy động của NH đã khá cao so với nhiều NH cổ phần khác, nên việc giảm nhằm tiết giảm chi phí huy động.

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM cũng thừa nhận việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi là để giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh tín dụng đã tăng gần "đụng trần" và dư địa cho vay những tháng cuối năm không còn nhiều.

Một chuyên gia tài chính cho rằng động thái giảm lãi suất huy động ở một số NH thương mại gần đây chỉ mang tính chất cục bộ, do nhu cầu về vốn, thanh khoản của từng NH chứ chưa tạo thành xu hướng chung của thị trường. Một số NH gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng nên phải tính toán lại chi phí huy động vốn đầu vào. Điều này sẽ không tác động quá lớn đến thị trường.

Xu hướng tăng vẫn chủ yếu

Thực tế cho thấy biểu lãi suất mới ở hầu hết các NH thương mại vẫn tiếp tục tăng nhằm huy động nhiều vốn hơn phục vụ nhu cầu cho vay cuối năm. Cụ thể, NH TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng từ 4,1%/năm lên mức 4,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 5,1%/năm lên 5,3%/năm; các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên cũng nhích thêm 0,1-0,2 điểm % lên 6,6%/năm.

NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn thêm từ 0,1-0,3 điểm % so với biểu lãi suất trước. Hiện Techcombank đang huy động lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng 4,6%/năm, kỳ hạn từ 3-5 tháng lên 4,7%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng lên 5,8%/năm; các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên cũng tăng lên 6,5%/năm.

Một số NH khác điều chỉnh lãi suất thông qua các chương trình khuyến mại, với mức chiết khấu khá mạnh. Như NH TMCP Quốc tế (VIB) vừa triển khai chương trình ưu đãi nhân đôi lãi suất tháng đầu tiên cho những khách hàng mở mới sổ tiết kiệm từ 100 triệu đồng, kỳ hạn từ 6 tháng. Theo đó, sau khi được nhân đôi, lãi suất tiền gửi từ 6-8 tháng của VIB sẽ lên mức 7,2-7,3%/năm, kỳ hạn cao nhất 36 tháng lên 7,7%/năm, cao hơn khá nhiều so với các NH khác…

Đại diện VIB cho biết NH đã khảo sát và nhận thấy khách hàng thường chọn NH có mức lãi suất cao để tối đa hóa lợi ích khoản tiền gửi. Việc tăng lãi suất tiền gửi dịp cuối năm cũng giúp người dân có thêm kênh đầu tư an toàn với mức lợi nhuận tốt, ổn định. Tuy nhiên, dù chương trình khuyến mại có khiến lãi suất huy động tăng cao nhưng vẫn ở mức chấp nhận được và không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay.

Trong khi đó, theo lãnh đạo một số NH khác, việc lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay những tháng cuối năm sẽ tăng đối với các lĩnh vực không được khuyến khích như cho vay trung dài hạn, bất động sản nhưng có thể giảm với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, có dự án tốt, tài chính lành mạnh… "Đến thời điểm này, NH nào còn dư địa cho vay sẽ tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, đáp ứng nhu cầu vốn những tháng cuối năm. Ngược lại, NH nào hết chỉ tiêu tăng tín dụng sẽ phải cân đối giảm lãi suất đầu vào để giảm chi phí huy động vốn, cũng tạo cơ hội giảm lãi vay" - lãnh đạo một NH cổ phần phân tích.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết việc điều chỉnh tăng lãi suất chủ yếu diễn ra ở kỳ hạn dài, khi NH thương mại cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng quy định về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm về 40% từ đầu năm 2019. Riêng với lãi suất cho vay, xu hướng sẽ không tăng vì NH Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm hoặc giữ ổn định. 

Thanh khoản dồi dào

Theo thống kê của NH Nhà nước đến ngày 27-9, lãi suất bình quân liên NH qua đêm 2,46%/năm, kỳ hạn 1 tuần 2,64%/năm, 2 tuần là 2,92%/năm… Các mức lãi suất này giảm rất mạnh so với khoảng 2 tháng trước. Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, NH Nhà nước, cho biết lãi suất liên NH phụ thuộc vào cung cầu vốn ngắn hạn trên thị trường này. Việc tăng giảm là bình thường và lãi suất đang ở mức thấp cho thấy thanh khoản của các NH thương mại đang tốt.

Thái Phương

Theo NLĐ