Kinh doanh tôm hùm đất sẽ bị phạt nặng
Thời gian gần đây, trên thị trường Việt Nam xuất hiện lượng lớn tôm hùm đất (crawfish) Trung Quốc. Loài sinh vật này được rao bán với giá thấp nhất từ vài trăm đến nửa triệu đồng/kg. Đây đang là món ăn ngon và “hot” tuy nhiên loài động vật này lại nằm trong danh sách cấm kinh doanh tại Việt Nam.
Nỗi lo con ốc bươu vàng thứ 2
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, tôm hùm đất hay còn gọi tôm hùm đỏ (tên khoa học Cherax quadricarinatus) từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012. Sau đó xác định đây là loài ngoại lai nguy hại, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển.
Loài tôm này di chuyển nhanh dưới đáy ao hồ, sông suối, ưa đào hang, có khả năng sinh sản nhanh chóng và chống chịu trước biến động môi trường. Với đôi càng màu đỏ to khỏe, chúng có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ.
Hiện Trung Quốc vất vả đối phó với nạn tôm hùm đất phát triển dọc sông Trường Giang cũng bởi những đặc tính phá hoại này. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết, nếu loài này phát tán ra đồng ruộng Việt Nam sẽ nguy hại hơn cả ốc bươu vàng, làm lây lan mầm bệnh nấm tôm, vi rút gây bệnh đốm trắng, gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm.
Không chỉ tại Việt Nam, con tôm hùm đất cũng từng khiến Mỹ, Tây Ban Nha và nhiều nước châu Phi phải “lo sốt vó” vì các tác hại mà tôm hùm đất gây cho hệ sinh thái. Những năm 1960, Tây Ban Nha từng thử nhân giống tôm hùm đất có xuất xứ từ Louisiana, Mỹ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, tôm hùm đất này phát triển nhanh trong môi trường tự nhiên, phá hủy những cánh đồng lúa ở Tây Ban Nha. Còn ở Mỹ, chính quyền bang Michigan áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng tôm hùm đất. Bởi lẽ, chỉ trong thời gian rất ngắn, số lượng tôm hùm đất đã tăng chóng mặt và phá hủy thiên nhiên nặng nề. Các quốc gia như Kenya, Rwanda, Uganda, Egypt, Zambia, Nam Phi phải chịu thiệt hại rất nặng do sinh vật này. Tôm hùm đất đi đến đâu, chúng quét sạch các sinh vật và cây trồng ở vùng ẩm ướt đến đó, gây ra mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
Ngày 21/5, Tổng cục Trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) đã gửi công văn hỏa tốc tới các Cục Quản lý Thị trường địa phương đề nghị tăng cường kiểm soát đối với tôm hùm đất, vì đây là loài ngoại lai xâm hại; việc kinh doanh, tiêu thụ chúng vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.
Món ngon hút khách
Tôm hùm đất nhập từ Trung Quốc, đang được bán nhiều tại Việt Nam, giá bán lẻ chưa chế biến 250.000-500.000 đồng/kg, tùy kích cỡ.
Tôm hùm đất được chế biến thành nhiều món và rao bán với cái tên “sang chảnh” là crawfish. Từ quán bình dân, nhà hàng các món crawfish xốt chua cay, crawfish xốt bơ tỏi... rất hút khách.
Chị Hoàng Vân Anh (nhân viên văn phòng tại TP.HCM) chia sẻ: “Tôi mới cập nhật thông tin gần đây về sự nguy hiểm của loài tôm này, nhưng trước nay ăn món này vẫn thấy ngon và bổ dưỡng”.
Không chỉ có chị Vân Anh, giới trẻ thời gian gần đây cũng “đứng ngồi không yên” với các món ăn chế biến từ loài hải sản này và xem nó như một món ăn thú vị, hợp túi tiền.
Anh Phan Ngọc Nhớ (Thủ Đức, TP.HCM) cho hay: “Mấy ngày qua có đọc báo về thông tin tôm hùm đất bị cấm vì gây hại cho môi trường nhưng trước nay nó vẫn là món ngon. Nếu có cách không ngăn nó ra môi trường thì tôi nghĩ đây vẫn là loại thực phẩm tốt”.
Một chủ quán kinh doanh hải sản bình dân tại Thủ Đức cho biết, từ đầu năm đến nay quán này bắt đầu kinh doanh món crawfish các loại và rất hút hàng. “Hàng cháy không chỉ tại quán mà còn qua online. Nghe tên tôm hùm thấy sang nhưng chỉ vài trăm ngàn đồng/kg nên dễ bán và cũng chế biến được nhiều món ngon” - chủ quán chia sẻ.
Sẽ phạt nặng
Tuy nhiên với việc ồ ạt xuất hiện trên thị trường Việt Nam như hiện nay, và khi các đơn vị quản lý Nhà nước cấp cao như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát đi công văn khẩn về mức độ nguy hại của loài động vật này kèm theo các lệnh cấm kinh doanh. Tương lai loài vật này sẽ bị “xóa sổ” tại thị trường Việt Nam.
Loài tôm càng đỏ này không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại. Vì vậy việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật.
Theo Điều 246 Bộ luật Hình sự 2015, người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến một tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Kim Ngọc Ảnh: Minh họa
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường