Kiên Giang "dẹp loạn" việc nuôi chim yến

Thứ sáu, 28/09/2018, 16:09 PM

Nhà nuôi chim yến phải có khoảng cách với ranh giới đất của các cơ sở y tế, giáo dục, tôn giáo, cơ quan, chợ, trung tâm thương mại, sân bay hoặc khu quân sự tối thiểu là 200 m.

Ngày 28/9, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết UBND tỉnh này vừa ban hành quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn theo hướng đảm bảo về điều kiện xây dựng, môi trường, vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh, an toàn trong khai thác và chế biến tổ yến.

Nhà nuôi chim yến khá hoành tráng ven quốc lộ 80 thuộc địa bàn thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

Nhà nuôi chim yến khá hoành tráng ven quốc lộ 80 thuộc địa bàn thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

Theo đó, vùng cấm xây dựng mới được xác định thuộc các phường An Hòa, An Bình, Vĩnh Lạc, Vĩnh Bảo, Vĩnh Thanh Vân và Vĩnh Thanh (TP Rạch Giá) và một số khu hành chính, khu dân cư, khu du lịch tại các xã, phường trên địa bàn thị xã Hà Tiên. Vùng cấm này cũng được áp dụng đối với tất cả các khu vực trung tâm xã, thị trấn của các huyện còn lại trong tỉnh. Quy định tạm thời còn cấm sử dụng công sở, cơ sở y tế, trường học, tôn giáo để nuôi chim yến. Riêng đối với các tổ chức, cá nhân cũng không được cơi nới, mở rộng hay tự ý nâng tầng nhà ở để nuôi chim yến khi chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo quy định này, các nhà nuôi yến có diện tích sử dụng từ 50 m2 đến dưới 500 m2 phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi xây dựng và gửi UBND cấp huyện để được xem xét, xác nhận. Đối với diện tích nuôi trên 500 m2 thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án theo quy định. Tất cả các nhà nuôi yến phải đảm bảo khoảng cách với ranh giới đất của các cơ sở y tế, giáo dục, tôn giáo, cơ quan, chợ, trung tâm thương mại, sân bay hoặc khu quân sự tối thiểu là 200 m. Các tổ chức, cá nhân nuôi chim yến ở khu trung tâm xã, phường, thị trấn chỉ có thể sử dụng sóng siêu âm chứ không được phép dùng âm thanh dẫn dụ chim yến để tránh tiếng ồn gây khó chịu cho người dân địa phương. Đối với các nhà nuôi yến ngoài các khu vực này thì chỉ được phép phát âm thanh dẫn dụ trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 11 giờ và từ 14 giờ đến 20 giờ cùng ngày với cường độ không vượt quá 70 dDA.

Quy định cũng bắt buộc các cơ sở nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng nhưng không làm ảnh hưởng chất lượng tổ yến theo định kỳ ít nhất 1 lần/tuần. Các loại chất thải từ việc nuôi yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các phương pháp như ủ, đốt, chôn lấp… nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường. Việc khai thác và sơ chế tổ yến cũng phải đảm bảo an toàn cho người lao động và an toàn về dịch bệnh. Ngoài ra, phải có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả động vật khác xâm nhập vào khu vực sơ chế và bảo quản tổ yến để đảm bảo chất lượng cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

"Quy định tạm thời này sẽ giúp cho địa phương quy hoạch lại vùng nuôi chim yến theo hướng bền vững và kiên quyết xử lý đối với việc phát sinh mới trong khu đô thị, khu dân cư để đảm bảo về vệ sinh môi trường và sức khỏe người dân", ông Tâm nói.

Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh, hiện nay trên toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 700 nhà nuôi chim yến. Hầu hết những nhà nuôi này đều được cải tạo, cơi nới từ nhà ở, khách sạn nên không đúng với công năng theo giấy phép được cấp của ngành chức năng. Nguyên nhân được xác định là do Kiên Giang có điều kiện tự nhiên và môi trường thuận lợi nên việc nuôi chim yến đang phát triển khá nhanh ở hầu hết các huyện, thị xã và thành phố. Bên cạnh những lợi ích kinh tế của khai thác các sản phẩm từ chim yến thì việc phát triển ồ ạt nghề nuôi này cũng đã phát sinh nhiều vần đề cần được xem xét, cân nhắc như tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, môi trường, quản lý dịch bệnh, cảnh quan đô thị…

T.Nốt

Theo NLĐ