Khuyến mãi, giảm giá hứa rồi bội ước, khách hàng quay lưng
Các công ty lữ hành, địa phương đang ngóng đợt kích cầu du lịch lần hai trong bối cảnh mới. Song, nhiều ý kiến cho rằng đã tham gia kích cầu, các bên không nên bội ước khiến du khách quay lưng, còn lữ hành thấy bị coi thường.
Ngóng đợt kích cầu du lịch lần hai
Những ngày này, công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) vẫn duy trì lượng nhân viên nhất định, hàng ngày gọi điện, email, quảng bá giới thiệu tour du lịch đến các khách hàng thân thiết và tìm kiếm khách hàng mới, tổ chức thu gom khách. Song, Giám đốc Trần Thế Dũng cho hay, thay vì đặt cọc hàng không mua vé máy bay từ rất sớm, nay công ty chỉ báo trước một tuần rồi bỏ tiền mua vé luôn.
“Đây sự khác biệt so với trước, cách tiếp cận theo kiểu sống chung với dịch bệnh”, ông Dũng nhận xét. Khi được hỏi, nhiều doanh nghiệp du lịch nhìn nhận chương trình du lịch kích cầu lần hai, nếu có, cần đặt trong bối cảnh mới như vậy.
Chưa kể, liệu kích cầu có hiệu quả khi du lịch đang trong mùa thấp điểm, người dân thắt chặt chi tiêu còn các đơn vị lữ hành thì “ốm yếu”?.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty du lịch AZA, cho rằng, nhu cầu đi du lịch của người dân là quanh năm, không chỉ mùa hè, nên lúc nào cũng cần kích cầu. Tất nhiên, lần kích cầu này sẽ không thuận lợi như đợt cao điểm hè vừa qua mà cần tập trung vào 3 yếu tố: an toàn, giá cả và chất lượng.
“Nhu cầu của phần lớn du khách là phổ thông nên nếu giá tốt, phòng chống dịch đảm bảo, người dân thấy yên tâm sẽ đi du lịch bình thường”, ông Đạt nói. Đối tượng kích cầu, thay vì các gia đình có con nhỏ, có thể là ông bà già về hưu, các nhóm nhỏ nghỉ được thêm 2 ngày dịp cuối tuần là đã có chuyến đi xa, chưa kể cuối năm các công ty có xu hướng du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị,...
Ông Hồ Xuân Phúc, Tổng Giám đốc công ty du lịch Hanoitours, chia sẻ với PV. VietNamNet, các công ty lữ hành đang rất cần một thông điệp từ cơ quan quản lý nhà nước rằng người dân có thể yên tâm đi du lịch sau khi Covid-19 được kiểm soát, rằng tới đây sẽ có một chương trình kích cầu mới để họ chuẩn bị.
“Thông điệp của đợt kích cầu du lịch lần hai, tôi nghĩ yếu tố giá vẫn là đầu tiên. Không có giá tốt thì không thể kéo người dân đi du lịch. Tâm lý khách hàng là muốn mua giá rẻ”, ông Phúc góp ý.
Theo ông Trần Thế Dũng, du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên, các điểm đến vắng vẻ,... đang được nhiều du khách lựa chọn. Các tour Đông Bắc, Tây Bắc vào mùa thu - đông với đặc trưng ruộng bậc thang, mùa lúa chín; Bình Liêu, Cô Tô (Quảng Ninh), hay du thuyền tại Cát Bà, Hạ Long,... hoặc các điểm nghỉ dưỡng biển phía Nam như Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt,... sẽ là những điểm đến hút khách cuối năm.
Điều quan trọng là các khách sạn, điểm đến, công ty lữ hành gia tăng trải nghiệm cho khách. Ông Hồ Xuân Phúc nhìn nhận, với cơ sở lưu trú 3 sao trở xuống thì khó, nhưng các khách sạn 4-5 sao trở lên cần đầu tư, sáng tạo thêm sản phẩm mới, thêm giá trị gia tăng như miễn phí dịch vụ mát xa, xem phim, các hoạt động ngoài trời, bể bơi nước nóng,...
“Có thể giảm giá không cần quá sâu, nhưng du khách cần được nhiều trải nghiệm hơn mà trước đây họ chưa có cơ hội, điều này đòi hỏi khách sạn phải nâng cao chất lượng, dịch vụ theo chiều sâu”, ông nói.
Tham gia kích cầu, đừng bội ước
Tại Việt Nam, du lịch nội địa đóng góp từ 40-45% doanh thu ngành du lịch, khá cân đối so với doanh thu từ du lịch quốc tế. Theo Tổng cục Du lịch, tổng thu từ khách du lịch nội địa năm năm 2018 là 254 nghìn tỷ đồng (chiếm 39,9%), năm 2019 là 334 nghìn tỷ đồng (chiếm 44,2%).
Các chuyên gia du lịch đánh giá du lịch nội địa là dễ hồi phục nhất. Như thời điểm tháng 6-7/2020, tại một số điểm nóng, khách du lịch bùng nổ như thời kỳ chưa có dịch. Dễ nhưng cũng là khó, bởi đối tượng khách này mong manh, dễ vỡ trận nhất nếu dịch bệnh bùng phát, điển hình như tại Đà Nẵng vừa qua.
Trong khi, cơ hội đón khách quốc tế năm nay hầu như không có. Việc rục rịch mở đường bay quốc tế là tín hiệu khả quan, song, khách Tây thường có kế hoạch đi du lịch từ 6 tháng đến cả năm, chưa kể còn phụ thuộc tình hình dịch bệnh tại các nước nên không kỳ vọng nhiều.
Do vậy, một gói kích cầu du lịch lần hai vẫn rất cần thiết để giúp phục hồi ngành du lịch. Tuy nhiên, đợt kích cầu lần 1 bộc lộ nhiều hạn chế khiến các doanh nghiệp rất bức xúc, nếu không nói là “rơi vào trạng thái bẽ bàng”.
Ông Trần Thế Dũng, Giám đốc công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, chỉ ra rằng, khi đông khách, các cơ sở dịch vụ như khách sạn, hãng hàng không liền bẻ ghi. Nhiều đơn vị tham gia cho có phong trào, với lập luận đông khách vậy lấy đâu phòng, đâu vé máy bay rẻ mà bán giá kích cầu.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng dẫn chứng, một số điểm du lịch như Cát Bà (Hải Phòng), Cô Tô, Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Lạt,... khi khách rào rào đến, các khách sạn phá luôn cả hợp đồng hay cam kết với công ty du lịch.
Còn ông Hồ Xuân Phúc thẳng thắn nói, hè qua, khi khách du lịch tăng quá nhanh, tập trung tại một số điểm đến đông khách đã xảy ra hiện tượng trục lợi như tăng giá, sẵn sàng bỏ cọc, hủy kèo với đối tác,... khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào chương trình kích cầu.
Chính vì thế, ông Trần Thế Dũng nhấn mạnh, đợt kích cầu du lịch lần hai phải làm nghiêm túc, chặt chẽ ngay từ đầu. Các bên tham gia, từ hàng không, vận chuyển, khách sạn phải có cam kết công khai, cụ thể về: mức giảm (bao nhiêu phần trăm), giảm như thế nào (trước chỉ giảm giá công bố chứ không giảm giá hợp đồng), giảm trong thời gian bao lâu (thời gian).
Chẳng hạn, với hàng không, các hãng cam kết rõ sẽ ưu đãi bao nhiêu vé trên 1 chuyến bay, đăng ký theo series booking hay theo nhu cầu, tránh tình trạng hàng không có vẻ rẻ thì cho, không có thì thôi, khiến lữ hành như đi xin.
“Đã có tình trạng hàng không, dịch vụ du lịch khi đông khách thì giở quẻ, bội ước khiến du khách quay lưng với chương trình kích cầu, lữ hành thì bị coi thường”, ông Dũng nói.
Thực tế, một số địa phương đã làm rất tốt, như Sa Pa vừa qua phối hợp với tập đoàn Sungroup kiến nghị Sở Du lịch Lào Cai đứng ra tổ chức họp với tất cả các khách sạn, nhà hàng,... yêu cầu cam kết công khai mức giảm giá, dưới sự giám sát của Hiệp hội du lịch địa phương, nếu phá vỡ sẽ không được tham gia nữa, ông Đạt cho hay.
Ngọc Hà
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch