Không thể giải được bài toán giao thông khi không thay đổi cơ chế

Thứ ba, 13/03/2018, 15:41 PM

Nếu đặt câu hỏi là ngành giao thông có trách nhiệm gì trước thực trạng ùn tắc giao thông đô thị hiện nay, mà do việc cấp phép cao tầng làm tăng dân số cục bộ (còn các trường hợp khác chưa xét tới), thì sẽ khó có câu trả lời thỏa đáng.

Giao thông tắc, ngành giao thông... bó tay

Vì đây là lĩnh vực liên ngành. Bởi  nhìn vào cơ chế phân quyền của sở Giao thông thì sẽ thấy họ  chỉ có quyền hạn và trách nhiệm trong tình trạng  phân mảnh trong quản lý, họ chỉ tham gia một góc vấn đề giao thông đô thị.

KTS. Nguyễn Xuân Anh.

KTS. Nguyễn Xuân Anh.

Xin dẫn ra vài  thí dụ : Phạm vi của họ là lòng đường, mà cũng không phải của tất cả mạng lưới, một số lại  thuộc  quyền quản lý của các quận. Vỉa hè không phải việc của họ, các đường ống kỹ thuật nằm dưới lòng đường hay vỉa hè lại càng không. Còn với  đường cấp quốc gia  thì thuộc Bộ Giao thông, khi xác định hướng tuyến đường, đầu tư xây dựng, đang thiếu sự phối hợp nhịp nhàng với quy hoạch, kế hoạch của thành phố sở tại.

Lưu ý rằng, việc sử dụng  quỹ đất hai bên đường cho hợp loại đường phố rất cần được quan tâm giải quyết đúng lúc, để lợi nhuận có thể quay về bù đắp cho ngân sách. Nhiều dự án lớn phát triển nhờ vốn ODA, được xử lý theo tiến độ giải ngân, thay vì có cái nhìn toàn cục. 

Đó là chưa nói tỷ lệ đất dành cho giao thông của  Hà Nội, TP.HCM thuộc loại rất thấp so với khu vực và thế giới, cho nên tắc đường là đương nhiên. Số lượng nhà cao tầng ở hai thành phố này tuy vẫn khiêm tốn, nhưng trên nền tảng hạ tầng vốn dĩ quá thấp thì sự quá tải đã diễn ra từ lâu rồi. Bây giờ càng nhức nhối  bởi dân cả hai thành phố đã  bước sang thời kỳ dùng ô tô, tức là mức độ tắc nghẽn có thể ước đoán sẽ còn trầm trọng hơn nhiều trong các năm tới.

Dòng người chen chúc qua cầu Bình Triệu 2 (TP.HCM). Ảnh TL: VGP

Dòng người chen chúc qua cầu Bình Triệu 2 (TP.HCM). Ảnh TL: VGP

Đô thị: Thiếu đủ thứ

Sự thiếu đầu tư và tầm nhìn xa cho hạ tầng đô thị đã bắt đầu từ hàng chục năm nay. Cho đến nay  tuy tỉ lệ đất giao thông có hơi khởi sắc tại các khu vực phát triển mới, nhưng về tổng thể, còn xa mới đạt mức bình thường của một thành phố  hiện đại.

Như: Đáng lẽ việc tính toán mạng giao thông ngầm phải được làm từ khi thành phố mới đạt  3 triệu dân, đáng lẽ đô thị phải được cấu trúc với một vài lõi trung tâm (trong đó chủ yếu là công trình văn phòng, thương mại chứ không phải nhà ở thấp tầng) liên kết chặt chẽ với nhau nhờ mạng lưới giao thông công cộng, không để dân cư chia vụn ra. Đáng lẽ cần vận hành quỹ bất động sản công của đô thị, như một cơ chế linh hoạt để hỗ trợ quỹ đất phát triển hạ tầng. Đó là tình trạng chính quyền đô thị không hoàn toàn được tự quyết nhiều điều trong phạm vi địa giới. Đó là những thành phố to lớn nhưng  đất đai đã bị chiếm trước bởi các đại diện của nền kinh tế tiểu thương siêu nhỏ, vụn nát với các hạt cơ bản là nhà ống. Đó là hai thành phố 8 – 10 triệu dân nhưng hầu hết việc đi lại vẫn dựa trên phương tiện giao thông cá nhân.

Cách chúng ta dùng các thành phố có gì đó vẫn theo cách thô sơ của làng. Những gì thuộc về công ích, công lợi bị xem nhẹ, bị thu hẹp tối đa. Đại đa số  dân chúng  chịu đựng chen chúc, chấp nhận chia sẻ tài nguyên chung tối thiểu; nhưng không hề có tinh thần xây dựng  giá trị chung. Bởi đang phải tiếp nối một hiện trạng như vậy, bài toán giao thông đô thị là nan giải, đòi hỏi cần bắt đầu từ cơ chế.

Hình ảnh kẹt xe kinh hoàng ở Hà Nội. Ảnh TL: Báo Thanh Niên

Hình ảnh kẹt xe kinh hoàng ở Hà Nội. Ảnh TL: Báo Thanh Niên

Nhiều thuận lợi cho các tòa cao ốc vươn lên trong nội đô

Việc có thêm nhiều nhà đầu tư muốn xây dựng cao ốc trong lòng Hà Nội và TP.HCM là không thể đảo ngược.

Thời điểm này họ còn lợi thế vì có thể tránh né được nhiều nghĩa vụ đô thị, khi hệ thống pháp luật còn nhiều khe hở. Công tác quản lý đô thị hiện nay nhìn nhận chưa hết về các trách nhiệm đô thị của một dự án cao tầng, hoặc công trình có vị trí trọng điểm.

Hiện các công trình như vậy chỉ được kiểm soát bởi một vài thông số hay thước đo về tác động hạ tầng, thay vì toàn bộ hậu quả, hiệu quả kinh tế xã hội của nó. Tôi cho rằng, các đô thị nên dùng các tiêu chí thiết kế đô thị khi xét duyệt dự án. Nghĩa là tại các công trình trọng điểm, cùng với đề xuất đầu tư phải lập hồ sơ thiết kế đô thị để xem xét toàn bộ ảnh hưởng của công trình đến đô thị xung quanh.

Sau đó, chính quyền đô thị tổ chứ phiên điều trần công khai, đánh giá đề xuất này trên cơ sở so sánh với quy hoạch và thiết kế đô thị của khu vực, xem xem dự án ấy đêm lại giá trị gì, đặt thêm gánh nặng gì, và thành phố có khả năng dung chứa gánh nặng mới hay không.

Quy trình đó sẽ cho chúng ta lời giải mà mọi người sẽ được tham gia để đi đến thỏa thuận trong việc có nên hay không cho phép các công trình cao tầng mọc lên trong nội đô.

KTS. Nguyễn Xuân Anh

Theo nguoidothi

largeer