Khách sạn Hoàng Cung: Món nợ khó đòi?

Thứ tư, 04/04/2018, 07:14 AM

Gần một tháng, sau khi tiếp nhận khoản nợ xấu hơn 400 tỷ đồng từ ba ngân hàng: Ngoại Thương, Công Thương Việt Nam và Nôn nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, người trúng đấu giá là bà Nguyễn Thị Định, sau nhiều lần tiếp đàm phán với “con nợ” - Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung (chủ khách sạn Imperial – số 8 đường Hùng Vương, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) – nhưng vẫn chưa thể “chốt” được thời điểm để kiểm kê tài sản đảm bảo cho khoản vay (khách sạn Imperial), chứ chưa nói đến việc thu hồi khoản nợ này, khi phía con nợ nại ra nhiều lý do có dấu hiệu “câu giờ” trong việc chủ nợ thực hiện quyền về tài sản đảm bảo của mình.

Mặt tiền khách sạn Hoàng Cung ở TP Huế

Mặt tiền khách sạn Hoàng Cung ở TP Huế

Theo hồ sơ PV Báo PLVN điện tử có được, Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung (gọi tắt là khách sạn Hoàng Cung) từ nhiều năm nay đã là khách hàng “chây ì” được xếp vào khoản nợ xấu của ba ngân hàng trên, khi nợ gốc và nợ lãi lên đến hơn 400 tỷ nhưng chưa thanh toán.

Để xử lý món nợ này, ba ngân hàng trên đồng thuận phương án tổ chức bán đấu giá để thu hồi tài sản, bà Nguyễn Thị Định trúng đấu giá với số tiền mua lại khoản nợ trên là 205 tỷ đồng. Sau khi trở thành chủ nợ của khách sạn Hoàng Cung, bà Định cùng các cộng sự tiến hành làm việc với phía ông Đức (đại diện theo pháp luật của khách sạn Hoàng Cung) để tiến hành kiểm kê tài sản thế chấp được quy định tại các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản và các phụ lục hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Khách sạn Hoàng Cung

Khách sạn Hoàng Cung

Theo bà Định, bà là người trực tiếp hoặc người ủy quyền và các cộng sự rất nhiều lần ra vào TP.Huế để làm việc với ông Nguyễn Xuân Đức (người đại diện theo pháp luật của khách sạn Hoàng Cung) hoặc những người được ông Đức ủy quyền, tuy nhiên việc kiểm kê tài sản vẫn chưa được hai bên “chốt” được thời gian cụ thể.

Gần đây nhất, theo biên bản làm việc ngày 23/3, bên nợ sẽ đưa ra thời hạn sớm nhất về việc trả nợ cũng như để bên bà Định tổ chứ kiểm tra, kiểm soát tài sản thế chấp. Theo lịch hẹn, buổi làm việc tiếp theo vào ngày 30/3, phía khách sạn Hoàng Cung tiến hành thông báo cụ thể về thời điểm trả nợ và kiểm tra kiểm soát tài sản thế chấp; tuy nhiên trong buổi làm việc này, đại diện phía khách sạn Hoàng Cung lại nại ra lý do: “việc kiểm tra phải theo sự hướng dẫn của các tổ chức và cơ quan nhà nước (!?)”.

Theo luật sư đại diện cho bà Định: “Đây là điều hết sức vô lý, có dấu hiệu con nợ chây ì, “câu giờ” trong việc bà Định thực hiện các quyền kiểm tra, kiểm soát tài sản đảm bảo được quy định rất rõ trong hợp đồng tín thế chấp tài sản với ngân hàng. Theo điều 7 về quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tại hợp đồng thế chấp tài sản, quy định: bên nhận thế chấp có quyền kiểm tra tài sản định kỳ hoặc đốt xuất; bên nhận thế chấp có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả phải ngừng khai thác tài sản thế chấp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu hồi khoản nợ xấu này đã từng  khiến các ngân hàng nhiều năm “nhức đầu”, buộc các ngân hàng tiến hành khởi kiện “con nợ”. Sau gần ba năm theo đuổi vụ kiện tại tòa án, thì việc thu hồi nợ lại xảy ra tình huống oái oăm khi khách sạn Hoàng Cung nội bộ cổ đông lại kiện nhau về người đại diện và giao dịch cổ phần. Vụ việc tiếp tục kéo dài thêm vài năm nữa, khi tòa án yêu cầu chờ kết quả giải quyết tranh chấp nội bộ cổ đông. Điều đáng nói, trong thời gian này, việc trả nợ, trã lãi không được tiến hành, trong khi giới chủ vẫn kinh doanh khách sạn bình thường (!). Nói như bà Trần Châu Hạnh, trưởng phòng công nợ của ngân hàng Ngoại thương Việt Nam “Khi ký hợp đồng vay thì hai bên tay bắt mặt mừng, nhưng đến kỳ trả nợ thì vô cùng khó khăn, thậm chí có cả nước mắt”.

Điều đáng nói công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung là điển hình về nợ xấu, tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại TP. Huế ông Nguyễn Xuân Đức còn là người đại diện theo pháp luật công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế - chủ đầu tư dự án bệnh viện quốc tế với quy mô 260 giường bệnh, dự kiến đầu quý I/2019 đưa vào hoạt động. Trụ sở của công ty cổ phần bệnh viện quốc tế này cũng được đặt ở chính khách sạn Hoàng Cung, số 8 đường Hùng Vương.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án Bệnh viện quốc tế này, tiền thân là dự án siêu thị và cao ốc văn phòng, tọa lạc trên khu đất vàng của TP.Huế (số 2 Nguyễn Tri Phương, P.Phú Hội, TP.Huế). Sau khi dự án này bị bỏ hoang, UBND tình Thừa Thiên Huế, đã cho phép công ty Thành Đạt (chủ đầu tự dự án siêu thị và cao cố văn phòng, số 2 Nguyễn Tri Phương) chuyển nhượng dự án cho công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế.

Dự án Bệnh viện quốc tế

Dự án Bệnh viện quốc tế

Điều này càng được khẳng định thêm, khi tại buổi làm việc ngày 23/3, đại diện công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cùng lấy lý do phía khách sạn Hoàng Cung bận việc liên quan đến dự án bệnh viện quốc tế, nên chưa sắp xếp được thời gian để phía chủ nợ thực hiện việc kiểm kê tài sản và phương án trả nợ. Xâu chuỗi lại những chứng cứ này, phía chủ nợ cho rằng khách sạn Hoàng Cung không có thiện chí trả nợ khoản đã vay và có dấu hiệu chây ì, kéo dài thời gian, trong khi con nợ vẫn kinh doanh và thu lợi từ chính tài sản đảm bảo khoản vay.

Theo các chuyên gia tài chính, xử lý nợ xấu chính là đòi tiền của người dân gửi tiết kiệm vào ngân hàng, nợ xấu đang là “cục máu đông” chưa được đánh tan của nền kinh tế. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia đấu giá thành công các món nợ xấu này, để kế thừa các quyền lợi và nghĩa vụ của các ngân hàng đối với con nợ. Để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ” trong vấn đề nợ xấu, các cơ quan chức  năng cần tao điều kiện tối đa cho chủ nợ trong các vấn đề xử lý tài sản đảm bảo, để tránh tình trạng các con nợ “chây ì”  biến nợ xấu thành nợ không thể đòi.

Báo PLVN điện tử sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

PV

Theo PLO

largeer