Khách chê du lịch ĐBSCL quá “nhạt”?

Thứ bảy, 07/07/2018, 14:43 PM

Ngành du lịch ĐBSCL được đánh giá là đang khởi sắc, lượng khách đến tham quan ngày càng gia tăng nhưng điều đáng buồn và quan ngại là lượng khách trở lại ĐBSCL còn hạn chế và nhiều du khách cho rằng du lịch ĐBSCL quá “nhạt”.

Rừng Tràm Trà Sư (An Giang)

Rừng Tràm Trà Sư (An Giang)

Lượng khách đến ĐBSCL tăng vượt trội

ĐBSCL có nhiều lợi thế và dồi dào tiềm lực phát triển du lịch. Với đặc thù vị trí địa hình nhiều sông ngòi, kênh gạch, cồn nổi do phù sa bồi đắp, cây trái sum suê cùng các di tích mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa... đã tạo động lực cho ĐBSCL phát triển du lịch với nhiều loại hình đa dạng, phong phú: Du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, văn hóa tâm linh, cộng đồng, biển đảo, nghỉ dưỡng...

Với những lợi thế này, lượng khách bình quân hàng năm đến với ĐBSCL luôn tăng khoảng 10%. Theo số liệu thống kê, năm 2016, ĐBSCL đón trên 26 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước đó. Khách quốc tế đến đạt 2,5 triệu lượt khách, tăng gấp 5 lần so với năm 2008. Năm 2017, có khoảng 33 triệu lượt khách đến ĐBSCL.

Theo đánh giá của ngành du lịch các địa phương khu vực ĐBSCL, từ đầu năm 2018 đến nay nơi đây đã đón một lượng du khách khá lớn. Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2018, ước tính có khoảng 4,4 triệu lượt du khách đến Cần Thơ, trong đó có hơn 1,3 triệu lượt khách lưu trú. Doanh thu du lịch Cần Thơ 6 tháng đầu năm ước đạt 1.800 tỉ đồng. 

Tại An Giang, trong 6 tháng đầu năm đã đón khoảng 3,6 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 5,4% so với cùng kỳ, trong đó có khoảng 24.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu đạt gần 8.800 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ năm trước.

Được biết, Thủ tướng  Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Điều này sẽ tiếp tục tạo động lực và thế mạnh cho An Giang trong việc thu hút du lịch. Từ đầu năm đến nay, Đồng Tháp thu hút hơn 1,8 triệu lượt khách đến tham quan, tăng gần 5% so với cùng kỳ; trong đó có 40.000 khách quốc tế; doanh thu từ du lịch hơn 380 tỷ đồng, tăng gần 29%.

Với đặc trưng du lịch biển đảo với các điểm đến hấp dẫn như: Cáp treo Hòn Thơm, khu vui chơi Vinpearl Phú Quốc, biển Mũi Nai (Hà Tiên); khu lấn biển TP Rạch Giá...trong 6 tháng đầu năm Kiên Giang đã đón hơn 3,9 triệu lượt khách, tăng 21% so với cùng kỳ, đạt 54% kế hoạch năm.

Phát triển chưa xứng tới tiềm lực

Như vậy nhìn chung, du lịch các tỉnh ĐBSCL có bước tăng trưởng vượt trội, doanh thu từ du lịch năm sau cao hơn năm trước và không ngừng phát triển. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là phát triển du lịch ĐBSCL chưa xứng với tiềm lực vốn có của nó. Du khách đến nơi đây vẫn chưa thực sự hài lòng vì sự dàn trải và kém hấp dẫn của du lịch các địa phương. 

Tại Hội thảo khoa học “Quản lý và phát triển du lịch ĐBSCL” diễn ra tại TP Cần Thơ do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức vừa qua đã phân tích đánh giá về thực trạng, tiềm năng, đưa ra các giải pháp phát huy hiệu quả trong quản lý, định hướng phát triển du lịch vùng.

Theo các chuyên gia, từ thực tế khảo sát thì lượng khách trở lại ĐBSCL rất thấp, không quá 20%. Khách lưu trú cũng còn hạn chế. Các nguồn lực vốn có về tài nguyên du lịch khai thác chưa hiệu quả, chưa phát huy giá trị thực tế của tiềm lực.

Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, lý do quan trọng tạo nên sự hạn chế của du lịch ĐBSCL là cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ đi kèm yếu kém. Các điểm tham quan, vui chơi giải trí còn thiếu, số khách sạn, nhà hàng đạt chuẩn không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách... Nguồn nhân lực du lịch còn yếu, mỏng, công tác quản lý du lịch còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng. 

Để giải quyết vấn đề trên, các chuyên gia yêu cầu, ngành du lịch phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch gắn với bản sắc văn hóa bản địa, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, trách nhiệm và bền vững. Bên cạnh đó, cũng không ngừng hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường liên kết hợp tác du lịch giữa các địa phương, giữa ĐBSCL với các tỉnh, thành trên cả nước và quốc tế. Theo đánh giá của nhiều du khách, du lịch ĐBSCL mang yếu tố đặc trưng sông nước, du lịch sinh thái đến với nơi đây rất mát mẻ và thoải mái nhưng ít điểm đến và các điểm đến chưa mang được nét đặc trưng của địa phương.

Miếu bà Chúa xứ núi Sam luôn là điểm đến tâm linh hấp dẫn của du khách gần xa nhưng đến viếng bà rồi du khách phải đi về trong ngày vì chẳng còn gì khác hấp dẫn.

Miếu bà Chúa xứ núi Sam luôn là điểm đến tâm linh hấp dẫn của du khách gần xa nhưng đến viếng bà rồi du khách phải đi về trong ngày vì chẳng còn gì khác hấp dẫn.

Là hướng dẫn viên thường xuyên dẫn tour đi từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ, anh Huỳnh Văn Thảo cho biết, ĐBSCL rất đẹp và có rất nhiều tiềm lực phát triển du lịch nhưng hiện nay nhiều nơi làm chưa đồng bộ, chưa phát huy hết các thế mạnh của địa phương.

“ĐBSCL mặc dù đa phần đều phát triển du lịch sinh thái nhưng giữa các tỉnh đều có những nét riêng. Để phát triển du lịch địa phương cần phải nhấn mạnh khai thác nét riêng đó. Đừng để du lịch các tỉnh ĐBSCL đều hao hao giống nhau”, anh Thảo nói. 

Như chúng ta đã biết, An Giang là địa phương phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Thu hút rất nhiều du khách gần xa đến hành hương vãn cảnh. Tuy nhiên, nơi đây lại không “níu chân” du khách ở lại qua đêm. Các loại hình vui chơi, giải trí mang tính đặc thù địa phương quá ít, không đáp ứng được nhu cầu của du khách, nên nguồn thu từ du lịch của địa phương cũng hạn chế. Nhiều du khách đến An Giang rồi về trong ngày hoặc đến tỉnh khác để lưu trú lại qua đêm.

Ông Lê Văn Vũ (du khách đến từ Sóc Trăng) cho biết, “Nghe nói Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (An Giang) rất linh thiêng và có nhiều người đến tham quan, cúng bái. Năm nào gia đình tôi cũng lên cúng Bà nhưng thường thì cúng bà xong chúng tôi về ngay chứ không có ở qua đêm. Vì thực sự qua đêm ở Châu Đốc cũng không có thêm những dịch vụ giải trí để đi chơi".

Từ thực tế trên, các ngành các cấp cần có biện pháp phát triển tương xứng với tiềm lực, lợi thế sẵn có. Việc quy hoạch du lịch cần phải có hệ thống liên kết chặt chẽ và tạo điểm nhấn để du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ, bền vững.  

Đình Thương

Theo PLVN