Khách Amazon chuộng đồ nội thất, quà tặng, sản phẩm sức khoẻ từ Việt Nam

Thứ sáu, 25/11/2022, 10:22 AM

Những mặt hàng từ Việt Nam như trang trí nội thất, quà tặng, chăm sóc sức khoẻ đang được bán chạy trên amazon.com.

Amazon cho biết, có khoảng 10 triệu sản phẩm Made in Vietnam đã được bán toàn cầu trên các cửa hàng trực tuyến của nền tảng này. Trong đó, ông lớn bán lẻ đưa ra một số mặt hàng tiềm năng của doanh nghiệp Việt có thể thu hút khách hàng thế giới.

Cụ thể, top 5 ngành hàng từ các nhà bán hàng Việt Nam bán chạy nhất trên Amazon trong năm 2022 gồm: Dụng cụ nhà bếp; đồ gia dụng; may mặc; sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân; tiện ích gia đình.

Danh mục sản phẩm đã có thay đổi so với năm ngoái. Trả lời VietNamNet cuối năm 2021, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho hay doanh nghiệp Việt có thế mạnh về hàng thủ công, nội thất, đồ nhà bếp, đồ gốm, mây tre đan… và những sản phẩm này đã gây dấu ấn trên Amazon.

Những thay đổi danh mục bán chạy năm 2022 là do trong giai đoạn đại dịch, có sự thay đổi rõ nét về hành vi mua sắm của người dùng, dẫn đến sự chuyển dịch về nhóm ngành hàng được chọn mua nhiều nhất trên các gian hàng của Amazon toàn cầu. 

d3fc9ebe-420c-4b3b-a8a7-8fc82f8768d1-fotor-212

Ông Gijae Seong cho biết, các doanh nghiệp Việt có lợi thế về hàng nội thất khi bán trên Amazon. (Ảnh: Hải Đăng)

Về xu hướng năm nay, trả lời VietNamNet, ông Gijae Seong cho biết, nhóm hàng trang trí nhà cửa vẫn tiếp tục bán chạy, song một số ngành hàng khác đang được mở rộng.

Cụ thể, với nhóm sản phẩm liên quan nội thất, doanh nghiệp Việt hiện bán ra những món không chỉ phục vụ mục đích làm đẹp mà còn nâng cao tính tiện ích. Chẳng hạn, bên cạnh các món trang trí trên tường nhà, trên bàn làm việc, đồ lưu niệm, thì nay đã có thêm các món như ghế ngoài trời, những sản phẩm nội thất gia đình. Điều này phản ánh đúng xu hướng Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ rất lớn sang Mỹ.

Nhóm hàng quà tặng cũng bán chạy. Sau đại dịch, nhu cầu về tinh thần của người dùng tăng lên. Các món của nhà bán Việt như ly sứ, áo thun, bình giữ nhiệt… đang tăng trưởng mạnh.

Các sản phẩm chăm sóc cá nhân và hỗ trợ sức khoẻ cũng đang được ưa chuộng và mở rộng danh mục. Ví dụ nhóm thực phẩm dinh dưỡng, các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao đang có nhiều khách mua hàng từ Việt Nam. Một số nhóm làm đẹp như colagen, hay lông mi giả cũng đang được mua nhiều.

Tiếp đó, hoạt động du lịch, dã ngoại trong thời kỳ bình thường mới không còn bị giới hạn, kéo theo nhu cầu về quần áo, phụ kiện tăng cao. Quần áo đi biển, thời trang dạo phố và áo quần ở nhà là các mặt hàng thời trang được kỳ vọng tạo tăng trưởng đột phá đối với các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon.

Ngoài ra, xu hướng mua sắm online đang mở rộng sang các nhóm hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống hằng ngày, cũng như các sản phẩm cải thiện sức khỏe, phục vụ hoạt động dã ngoại. Ý thức về lối sống lành mạnh, tiện lợi tăng cao đã tạo cơ hội cho hàng hoá tiêu dùng chuyển dịch lên kênh trực tuyến.

Theo ông Gijae Seong, dù gặp khó khăn sau Covid-19 và kinh tế chưa hồi phục hẳn, song vẫn có 80% nhà bán hàng trên Amazon tăng trưởng so với cùng kỳ. 

Doanh nghiệp Việt có một số lợi thế khi kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới. Thứ nhất, chiến lược của Chính phủ ưu tiên phát triển kinh doanh trực tuyến. Tiếp đến, doanh nghiệp Việt sở hữu năng lực sản xuất và nhiều năm kinh nghiệm ngoại thương. Ngoài ra, cộng đồng người bán trực tuyến của Việt Nam cũng lớn và hoạt động tích cực.

Theo các báo cáo, Việt Nam nằm trong top 5 các nước tăng trưởng mạnh về bán lẻ trực tuyến trên toàn cầu. Từ năm 2020 đến năm 2026, tăng trưởng thương mại điện tử trong nước luôn ở mức 20% trở lên.

Mới đây nhất, báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, tăng trưởng của thương mại điện tử (26%/năm) chính là động lực cho nền kinh tế số nói chung.

Hải Đăng

Theo ictnews.vietnamnet.vn