“Kén rể - chọn dâu” trên truyền hình - liệu có phù hợp với khán giả Việt?
Các gameshow hẹn hò hiện đang thu hút khá nhiều sự quan tâm, yêu thích của khán giả. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng những lời hoa mỹ hay các tài lẻ để “chinh phục” đối phương là khá “lố bịch” và làm mất đi những giá trị chân chính của tình yêu. Mới đây nhất, đã có thêm một số chương trình mang cả người thân của thí sinh lên truyền hình để kén rể hay chọn người yêu cho con của họ. Điều này, khiến cho rất nhiều người bức xúc.
Đại chiến kén rể
Ngay khi tập đầu tiên được lên sóng, có rất nhiều khán giả đã bất ngờ với format của chương trình là một thí sinh nam sẽ đối đáp cùng gia đình của 5 bạn nữ. Sau đó, nếu bạn nam được 3 trong số 5 gia đình chọn vào vòng trong sẽ có quyền quyết định ngược lại là chọn bạn nữ của 1 trong 3 gia đình để tiến đến việc hẹn hò. Tuy nhiên, có một chi tiết khá quan trọng, chỉ có các bạn nữ nhìn thấy bạn nam. Như vậy, việc lựa chọn bạn nữ để hẹn hò ở phút cuối của bạn nam là một quyết định hết sức cảm tính.
Trong một cuộc xem mắt truyền thống chỉ có một bên đàng trai và một bên đàng gái nhưng trong chương trình này lại có đến 5 gia đình đàng gái, màn đối đáp giữa chàng trai và các gia đình chính là yếu tố thu hút khán giả. Chương trình này được thực hiện với mục đích mô phỏng lại hình thức xem mắt truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại và tôn trọng quyền tự do thì việc tạo ra “Đại chiến kén rể” có thật sự phù hợp?
Nhân vật nam Trần Lê Đức sau khi lên sóng đã được cư dân mạng phong tặng danh hiệu “chàng rể quốc dân” bởi những gì anh thể hiện trong chương trình thật khiến người ta ngưỡng mộ. Trả lời với người bố của gia đình số 1 về việc hút thuốc, Lê Đức đã trả lời: “Con không biết hút thuốc”. Nhưng chỉ sau đó một vài ngày, dân mạng lại xôn xao và vô cùng thất vọng khi thấy hình ảnh anh chàng này từng hút thuốc trước đây. Bên cạnh đó, Lê Đức chia sẻ hiện tại anh đang làm hai công việc là cử nhân điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai và quản lý một cửa hàng trà sữa. Tuy vậy, theo nhiều nguồn tin Lê Đức chỉ đang học việc tại Bệnh viện Bạch Mai và anh là quản ca không phải quản lý tại cửa hàng trà sữa nhưng cũng đã nghỉ việc cách đây vài tháng. Khi những thông tin này được lan truyền rộng rãi trên mạng đã có khá nhiều khán giả mất lòng tin vào những gì mà họ đã được xem trên sóng truyền hình.
Cho phép được yêu
Cũng tương tự như “Đại chiến kén rể”, chương trình “Cho phép được yêu” có format chính là để người thân tìm “gấu” cho con của mình. Hội đồng người thân của nhân vật sẽ ra quyết định lựa chọn ai sẽ trở thành người yêu của con mình qua 3 vòng thi: Gặp mặt, Hẹn hò và Cuộc gặp gỡ quyết định.
Ở vòng Gặp mặt, 3 ứng viên được tiếp xúc với dàn người thân của nhân vật để đối thoại và thực hiện thử thách, 2 trong số 3 ứng viên sẽ được lựa chọn để đi tiếp vòng tiếp theo. Ở vòng Hẹn hò, từng ứng viên tham gia vào cuộc hẹn với nhân vật và trong quá trình hẹn hò phải thực hiện những yêu cầu của người thân. Chính người thân sẽ bí mật chọn ra người cuối cùng xuất hiện trong vòng Cuộc gặp gỡ quyết định - là người được phép hẹn hò cùng nhân vật chính.
Mặc dù “Cho phép được yêu” chưa dính phải những lùm xùm về đời tư của các nhân vật nhưng cũng như “Đại chiến kén rể” nhưng chương trình này gặp phải số lượng lớn những ý kiến không đồng tình về việc phụ huynh lên truyền hình để kén rể hay tìm “gấu” cho con. Bởi vì, theo khán giả những việc này làm giảm đi những giá trị của bản thân và cả gia đình.
Có phù hợp với khán giả Việt?
Thật ra, ở những nước phát triển và có nền văn hóa cởi mở những chương trình hẹn hò hay tìm người yêu cho con trên sóng truyền hình đã được thực hiện từ lâu và mang đến nhiều giá trị thực tế. Dạng chương trình này chỉ vừa mới du nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây và sự lan tỏa một cách ồ ạt khiến cho khán giả cảm thấy “ngột ngạt” và “sốc” văn hóa.
Tuy đã có suy nghĩ thoáng hơn nhưng trong vấn đề tình cảm đối với với nhiều người Việt Nam vẫn là vấn đề tế nhị, cần được giải quyết trong phạm vi gia đình nên việc lên sóng truyền hình tỏ tình, tìm người yêu hay kén rể là một điều khó chấp nhận. Ngoài ra, đối với nhiều người, tình yêu là một điều hết sức thiêng liêng nên việc chấp nhận yêu một ai đó qua một vài câu hỏi, một vài lời hát hay một vài lời hứa là một điều hết sức “dễ dãi”, khó chấp nhận.
Về những chương trình hẹn hò ở một phương diện nào đó vẫn rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại, tạo cho người trẻ lẫn phụ huynh có một không gian thoáng hơn trong việc giao lưu và trao đổi các vấn đề về tình yêu, hôn nhân. Các nhà sản xuất không sai khi đưa các chương trình này về Việt Nam, nhưng có nên sản xuất quá nhiều trong cùng một lúc, chương trình này chưa hết chương trình khác đã xuất hiện. Tiếp theo, về việc xây dựng nội dung, họ đã vẽ nên nhiều câu chuyện quá ngọt ngào, lãng mạn trên sóng truyền hình nhưng người xem thì lại cảm thấy những điều đó quá mơ hồ và thiếu thực tế. Điều quan trọng nhất, cần phải khắc phục đó chính là thông tin cá nhân của những người tham gia để tránh những trường hợp như “Đại chiến kén rể” gây mất lòng tin từ khán giả.
Đức Tiến
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch