Hợp tác với Alibaba, Starbucks muốn triệt để khai thác thị trường Trung Quốc giàu tiềm năng
Quý II năm 2018, doanh số của Starbucks tại thị trường Trung Quốc bị sụt giảm đáng kể vì vậy hãng cà phê nổi tiếng của Mỹ đã quyết định hợp tác với tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của nước này để lấy lại vị thế ban đầu.
Tuần trước, Starbucks đã đưa ra báo cáo doanh số bán hàng trong 13 tháng qua của công ty. Đáng chú ý, kể từ quý thứ III trở lại đây, doanh số đã giảm 2% và Starbucks buộc phải hành động. Công ty sản xuất cà phê có trụ sở ở Seattle muốn thông qua Alibaba để đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng Trung Quốc tốt hơn thông qua các phương tiện kỹ thuật số, công nghệ hiện đại và thậm chí cả phương thức giao hàng mới.
Theo đánh giá của Starbucks, hiện nay, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang phát triển và là đối tượng khách hàng quan trọng của công ty. Chính tầng lớp này thường xuyên sử dụng hệ thống thương mại điện tử Alibaba trong các giao dịch và Starbucks hy vọng, thông qua Alibaba, khách hàng sẽ mua sản phẩm của mình nhiều hơn. Ngày 1/8/2018, Starbucks và Alibaba công bố rất nhiều sáng kiến chung trong việc thúc đẩy tăng trưởng sản phẩm của Starbucks ở Trung Quốc. Động thái này diễn ra 1 năm sau khi Starbucks đồng ý mua một đối tác liên doanh trị giá 1,3 tỷ USD để kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh doanh của hãng tại Trung Quốc.
Trong việc kết hợp với Alibaba, đáng chú ý là Starbucks đã sử dụng dịch vụ giao hàng Ele.me mới được Alibaba mua lại trước đó. Qua Ele.me, Starbucks sẽ bắt đầu giao sản phẩm của mình theo yêu cầu tại 150 cửa hàng ở Bắc Kinh và Thượng Hải bắt đầu từ tháng 9/2018. Và có khoảng 2.000 cửa hàng Starbucks tại 30 thành phố của Trung Quốc dự kiến sẽ thực hiện phương thức giao hàng này vào cuối năm nay.
Cũng trong tháng 9 tới, chuỗi siêu thị của Hema của Alibaba sẽ tổ chức chương trình “Nhà bếp giao hàng Starbucks” để tăng cường khả năng giao hàng từ các cửa hàng Starbucks đến khách hàng. Ngoài ra, Hema đồng thời cho phép nhân viên cửa hàng tập trung ưu tiên phục vụ đối tượng “trữ kho”, tức là những khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm của Starbucks với số lượng lớn.
Song song với đó, Starbucks và Alibaba đang cùng nhau phát triển một “cửa hàng ảo” để khách hàng có thể đặt hàng bằng công nghệ kỹ thuật số, được tặng quà trên ứng dụng di động của chính Starbucks và các sản phẩm của Alibaba gồm: Taobao Marketplace, một điểm mua sắm trực tuyến khổng lồ, dịch vụ thanh toán Alipay, hiện có 520 triệu người sử dụng, và nhà phân phối Tmall.
Ông Howard Schultz, cựu giám đốc điều hành Starbucks nhận xét: “Starbucks đã thâm nhập thị trường Trung Quốc từ năm 1999. Starbucks đã phá vỡ được thói quen uống trà của người dân sở tại và giờ đây, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Starbucks”. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ở Trung Quốc, số lượng cửa hàng của Starbucks tăng gấp 4 lần từ 800 lên 3.200 trong 5 năm qua, trong đó có một trong những cửa hàng Roastery hàng đầu được khai trương tại Thượng Hải vào tháng 12/2017. Theo kế hoạch của Starbucks, tính đến cuối năm tài chính 2022, Starbucks sẽ phát triển hơn 6.000 cửa hàng tại Trung Quốc.
Bà Belinda Wong, Giám đốc điều hành Starbucks ởTrung Quốc nhận định: “Hiện tại, mỗi năm, trung bình người Trung Quốc chỉ uống nửa ly cà phê, trong khi ở Hoa Kỳ, mỗi người dân uống trung bình 300 ly/năm. Starbucks sẽ tiếp tục thay đổi thói quen uống trà thành uống cà phê của người Trung Quốc trong thời gian tới. Và từ nay cho đến năm 2022, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc sẽ cán mốc 600 triệu người. Rất nhiều cơ hội để Starbucks phát triển ở quốc gia đông dân nhất thế giới này trong tương lai”.
Thế Anh
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường