Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sắp leo thang?
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối của năm 2018
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch áp mức thuế 25% thay vì 10% như dự kiến ban đầu lên 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh. Thông tin này khiến thị trường chứng khoán và giá trị đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sụt giảm hôm 1-8.
Trang Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết Washington tính đến bước đi này nhằm tăng sức ép buộc Bắc Kinh trở lại bàn đàm phán. Một nguồn tin khác nói các đại diện của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có những cuộc thảo luận kín bàn về chuyện nối lại đàm phán thương mại.
Hiện Mỹ đã đánh thuế 25% đối với 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm nhiều mặt hàng như máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao. Bắc Kinh lập tức đáp trả với mức thuế tương đương vào hàng hóa Mỹ. Vòng áp thuế thứ hai vào hàng Trung Quốc trị giá 16 tỉ USD có thể sớm có hiệu lực trong tuần này sau khi giai đoạn rà soát hoàn thiện vào ngày 1-8.
Hồi đầu tháng 7, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã đẩy căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên cao khi công bố danh sách hàng ngàn mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD có thể bị đánh thuế vào tháng 9.
Phản ứng với diễn biến này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 1-8 tuyên bố Bắc Kinh sẽ trả đũa tương xứng nếu Mỹ tăng thuế. Một ngày trước đó, Bộ Chính trị nước này đã nhóm họp và ra tuyên bố đánh giá nền kinh tế đang đối mặt những vấn đề và thách thức mới trong lúc môi trường bên ngoài đang thay đổi rõ rệt. Tuyên bố không đề cập cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ mà chỉ cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2018. Ngoài ra, chiến dịch giảm nợ vẫn tiếp tục nhưng sẽ được thực hiện với nhịp độ thận trọng.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Fraser Howie trên báo The South China Morning Post (Hồng Kông), các động thái bơm tiền vào hệ thống tài chính gần đây của Trung Quốc là cách phản ứng thường thấy mỗi khi họ đối mặt rắc rối về kinh tế. Vị chuyên gia nhận định đối với một số người, biện pháp nới lỏng cả tài chính và tiền tệ nhanh chóng của Bắc Kinh có vẻ tốt, nhằm ngăn chặn điều tồi tệ nhất có thể xảy ra một khi Mỹ chính thức tung "cú đấm thuế" trị giá 200 tỉ USD nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, "đây là dấu hiệu của sự hỗn loạn thực sự" giữa lúc những dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế số 2 thế giới đang bắt đầu "thấm đòn" thuế quan của Mỹ.
Theo đài CNBC, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) - do Caixin/Markit tính toán và là thước đo "sức khỏe" nền kinh tế Trung Quốc - trong tháng 7 đã tụt xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua, chịu tác động bởi sự sụt giảm mạnh của các đơn hàng xuất khẩu mới. Chỉ số PMI chính thức được Trung Quốc đưa ra hôm 31-7 cũng cho thấy xu hướng tương tự, theo đó các hoạt động sản xuất trong tháng 7 tăng trưởng chậm hơn so với tháng 6. Chỉ số PMI chính thức tập trung vào các công ty lớn và doanh nghiệp nhà nước trong khi chỉ số PMI của Caixin/Markit chú trọng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard thuộc hãng Capital Economics (Anh) đánh giá những dữ liệu trên chỉ ra một số tác động tiêu cực từ vòng thuế quan đầu tiên của Mỹ, có hiệu lực vào tháng rồi. Chuyên gia này dự đoán tình trạng có thể xấu hơn: "Chúng tôi nhận thấy lĩnh vực sản xuất (của Trung Quốc) có thể gặp thêm khó khăn từ sự sụt giảm gần đây trong tăng trưởng tín dụng. Thuế quan của Mỹ cũng đè nặng lên đầu tư và nhu cầu nước ngoài".
THU HẰNG
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường