Bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất trong trận chiến hàng giả toàn cầu
Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất mà các tập đoàn làm hàng giả luôn nhắm đến. Trà, cà phê và nước mắm Việt Nam cũng bị làm giả và đưa sang tiêu thụ tại đây. Bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất là nội dung chính của hội thảo châu Á về phòng chống buôn bán thực phẩm, thức uống, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng nhanh giả mạo diễn ra tại TP.HCM từ ngày 2-5/4.
Hội thảo do Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Văn phòng bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ... đồng tổ chức.
Công xưởng hàng giả
Thị trường hàng giả, hàng nhái trên thế giới có giá trị lên đến 1.500 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ, Pháp và Ý là ba thị trường lớn nhất. Hằng năm, chi phí và mức độ tổn thất do nạn hàng giả gây ra với người tiêu dùng, nhà sản xuất và cơ quan thực thi pháp luật lên đến 600 tỷ USD.
Được xem là công xưởng của thế giới nhưng Trung Quốc cũng là cái nôi của hàng giả. Ông Peter Fowler, cố vấn cao cấp của USPTO nói với Báo Người Tiêu Dùng rằng Trung Quốc chiếm đến 80-85% số vụ hàng gian hàng giả bị phát hiện tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ 1%. “Có thể qua con đường hàng lậu hay bắt tay đối tác địa phương ở Việt Nam, hàng giả từ Trung Quốc sẽ được đóng gói, xuất xưởng và đưa sang Hoa Kỳ. Chúng tôi đã phát hiện trà, cà phê và nước mắm của Việt Nam do Trung Quốc làm giả trên thị trường nội địa Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có hồ tiêu của Campuchia và gạo hương lài của Thái Lan cũng bị Trung Quốc làm giả. Họ nhắm vào các mặt hàng nông sản nổi tiếng của các nước” - ông Fowler nói.
Các kiện hàng từ cảng biển của Trung Quốc và Hongkong sẽ bị cơ quan hải quan và biên phòng kiểm tra ngặt nghèo. Vì thế, các tập đoàn tội phạm thường nhái nhãn mác và đưa đi vòng vèo qua các cảng biển trên thế giới. Có thể họ đưa đến Singapore, Thái Lan hay Trung Đông. Có trường hợp hàng cập cảng Brazil, rồi đi đường bộ đến một cảng biển khác ở nước này mới xuất sang Hoa Kỳ. Tất cả đều nhằm xóa dấu vết, không thể truy xuất xứ hàng hóa.
Cuộc chiến không đơn giản
Hàng hóa của các thương hiệu lớn, các mặt hàng được người tiêu dùng biết đến càng nhiều càng có nguy cơ bị làm giả. Các tập đoàn tội phạm xuyên quốc gia luôn tìm cách để đưa hàng qua hơn 300 cảng biển vào thị trường nội địa Hoa Kỳ. Khi phát hiện là hàng giả, hàng nhái hay USPTO, FBI, FDA và các cơ quan chức năng khác tuyên bố là hàng giả thì lô hàng đó lập tức bị tiêu hủy. “Chúng tôi sẽ thông báo đến chủ thể hợp pháp của sản phẩm bị giả tên. Họ sử dụng các thông tin được cung cấp để tự điều tra, truy tìm xuất xứ, kiểm chứng sản phẩm. Họ phải biết tự bảo vệ mình” - ông Fowler cho biết.
Ông Evan Williams từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói, bộ này mở sáu văn phòng liên lạc trên thế giới nhằm phối hợp với các nước trong cuộc chiến chống hàng giả, gồm Hongkong (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Bucharest (Romania), Sao Paolo (Brazil) và Abuja (Nigeria). Hoa Kỳ cũng lập ra 24 cơ quan liên bang và văn phòng thực thi pháp luật quốc tế để chống hàng giả.
Nhưng hàng lậu nhập đường biển dường như đã lỗi thời trong thời đại công nghệ thông tin. Các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba, Taobao, Amazon và eBay trở thành sân chơi mới của các tập đoàn tội phạm. Với phương thức thanh toán và giao nhận tiện lợi, có khi chỉ qua đêm, các nền tảng hiện đang được sử dụng triệt để. Việc chống hàng giả vì thế càng khó khăn hơn.
“Người tiêu dùng thông minh” có đơn độc?
Người tiêu dùng được khuyên phải thông minh hơn khi mua sắm. Họ phải tự đọc mã vạch sản phẩm. Các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam sẽ mang mã vạch 893, hàng từ Trung Quốc sẽ mang các mã 690, 691, 692, 693, 694 và 695... Mã QR cũng được in trên nhiều sản phẩm. Người tiêu dùng thông minh có thể tải các app đọc các mã QR về điện thoại của mình để truy tìm xuất xứ sản phẩm, nhà sản xuất, quá trình sản xuất và phân phối...
Kỹ thuật in nổi 3D có thể tạo ra các bao bì chất lượng cao, giành được tin tưởng của khách hàng. Việc giả mạo xuất xứ ngày càng tinh vi và không dễ phát hiện. Liệu người tiêu dùng thông minh có đơn độc trong cuộc bủa vây và tấn công của hàng giả?
“Không, họ không hề đơn độc. Sự tiến triển của công nghệ sẽ tìm ra giải pháp” - ông Fowler cười. Ông nói công nghệ tiền ảo blockchain sẽ khiến việc thay đổi thông tin về xuất xứ khó hơn và trong một số trường hợp không thể thay đổi được. Kỹ thuật đóng gói mới sẽ khiến việc thay bao bì khó hơn và tốn kém hơn cho bọn tội phạm. Đó là chưa kể đến hợp tác quốc tế ngày càng mạnh hơn trong cuộc chiến chống hàng giả. Ngay cả chính phủ và ngành hải quan Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác và nỗ lực chống hàng giả. Hàng không thể xuất khỏi Trung Quốc thì khó nhập vào các nước khác.
Theo đại diện của Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam, cà phê Trung Nguyên, trà Thái Nguyên, thuốc lá
Vinataba, và nước mắm bị Trung Quốc làm giả và bán trên thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, là việc Thái Lan cầm nhầm chỉ dẫn địa lý “nước mắm Phú Quốc” trong nhiều năm qua.
Tỷ lệ hàng giả 1% có xuất xứ từ Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ là “tự hào và danh tiếng” cho hàng hóa Việt Nam - ông Fowler nhận định. Ông nói đó cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất gia tăng sản xuất hàng có chất lượng và xuất sang Hoa Kỳ. “Nếu các bạn tăng cường sản xuất hàng chất lượng cao và kiểm soát chặt hàng giả, hàng nhái trên thị trường Việt Nam thì uy tín và danh tiếng đó càng nâng cao”.
Ricky Hồ
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm