Hơn 1/3 dân số Việt Nam tham gia thị trường mua sắm điện tử
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hiện nay có khoảng 40 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, dung lượng thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang đứng thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.
Năm 2018, trung bình người tiêu dùng Việt Nam chi 210 USD/năm cho hoạt động mua sắm trực tuyến và có mức tăng nhanh nhất ASEAN. Đến nay thị phần TMĐT Việt Nam đã thu hút khoảng 40 triệu người tham gia, đưa miếng bánh thị trường này lên con số hơn 8 tỷ USD.
Theo báo cáo của VECOM, năm 2019 tốc độ tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam khoảng 30%, phần lớn hoạt động TMĐT diễn ra ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng phát triển TMĐT như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Ước tính, hiện nay Hà Nội và TP.HCM chiếm tới 70% giao dịch TMĐT. Quy mô TMĐT ở các địa phương khác, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất nhỏ trong khi đó, khoảng 70% dân số lại sống ở nông thôn. Vì vậy, VECOM cho rằng, khu vực nông thôn có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến. Các doanh nghiệp và dịch vụ cần xây dựng chiến lược hướng đến nguồn tiềm năng dồi dào này trong thời gian tới.
Người tiêu dùng ngày càng nhanh nhạy nắm bắt tiện ích của TMĐT, tìm kiếm thông tin sản phẩm, so sánh giá cả. Đồng thời, nhu cầu cũng trở nên tinh tế, khắt khe hơn. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ phải tìm các phương thức tiếp thị mới để tiếp cận thị trường.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh doanh trực tuyến nước ngoài nhận định thị trường TMĐT Việt Nam có hai điểm hấp dẫn lớn so với các thị trường khác trong ASEAN là, tỷ lệ người dùng truy cập vào trang TMĐT sau đó mua hàng rất cao và mức chi tiêu cho TMĐT đang tăng rất nhanh.
Tuy nhiên cần nhìn nhận Việt Nam còn rất nhiều yếu tố cần cải thiện để tăng quy mô của thị trường TMĐT. Trong đó phải kể đến việc hệ sinh thái chưa được đồng bộ, thanh toán điện tử chưa phổ biến và cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến trình này. Hệ thống logistics của Việt Nam cũng đang tốn chi phí lớn và chưa được đánh giá cao.
Đáng lưu ý hơn là đi đôi với sự phát triển bùng nổ là các hệ lụy từ việc kinh doanh mua bán vi phạm, lừa đảo gây mất lòng tin người dùng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua đơn vị này đã nhận rất nhiều đơn khiếu nại của người tiêu dùng thông tin phản ánh thắc mắc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng về hình thức mua bán trực tuyến.
Ngoài chất lượng dịch vụ, vấn nạn lớn nhất của TMĐT Việt Nam hiện nay là hàng gian, hàng giả. Trong năm 2018, ước tính đã có 36.000 sản phẩm được gỡ bỏ ra khỏi các sàn TMĐT, khoảng 3.100 gian hàng trên sàn bị khóa. Đây mới chỉ là con số thống kê được trên vài sàn lớn, nếu mở rộng ra nhiều hơn thì con số này sẽ còn cao hơn nữa.
Theo thống kê của Google và Temasek, tính đến năm 2018 Việt Nam có 64 triệu người kết nối internet, chiếm 66% dân số, trung bình mỗi người Việt Nam đang sở hữu 1,4 thiết bị kết nối internet. Số liệu thống kê cũng cho thấy trong số này, có đến 62 triệu người Việt sử dụng internet có mạng xã hội.
Nếu thống kê trong lĩnh vực chuyển phát cho thương mại điện tử, con số tăng trưởng còn cao hơn. Theo VECOM, 2018-2020, tốc độ tăng trưởng của chuyển phát cho TMĐT là 60%, những doanh nghiệp có tốc độ phát triển thấp nhất là 30% và những đơn vị cao hơn có thể đạt 70%.
Kim Ngọc
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm