Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Hối hận vì nghỉ hưu tuổi 34, triệu phú đưa ra 6 lời khuyên thiết thực

Thứ ba, 06/05/2025 09:04 (GMT+7)

Triệu phú Sam Dogen nghỉ hưu sớm ở tuổi 34 hiện đã phải quay lại công việc sau 13 năm, chia sẻ 6 nguyên tắc quản lý tài chính "thời bão giá".


Sam Dogen, một triệu phú người Mỹ từng có 13 năm làm việc trong ngành tài chính tại các ngân hàng danh tiếng như Goldman Sachs và Credit Suisse, đã quyết định "nghỉ hưu non" ở tuổi 34 với khối tài sản 3 triệu USD.

Sau 13 năm, anh đã phải đi làm lại vì nghỉ hưu quá sớm trong khi chi phí cho gia đình, nuôi con ngày một tăng cao. Sam Dogen khẳng định: "Suy thoái sẽ không kéo dài mãi mãi", anh cho biết suy thoái kinh tế thường kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm với thời gian trung bình khoảng 10 tháng kể từ Thế chiến II.

Sau khi thành lập trang web quản lý tài chính Financial Samurai, anh đang tích cực đưa ra những cảnh báo và lời khuyên hữu ích cho mọi người trong bối cảnh kinh tế Mỹ có những dấu hiệu bất ổn.

Mặc dù Mỹ chưa chính thức bước vào giai đoạn suy thoái hay lạm phát đình trệ, Dogen cho rằng những rủi ro đã bắt đầu hiển hiện. Để giúp mọi người chuẩn bị tốt nhất cho tương lai đầy thách thức, anh đã chia sẻ 6 quy tắc vàng trong quản lý tài chính khi kinh tế suy thoái.

Sam Dogen nghỉ hưu ở tuổi 34, hiện đã quay trở lại làm việc. Ảnh: Fortune

1. Ưu tiên sửa chữa và bảo dưỡng

Trước khi lạm phát có thể đẩy giá lên cao hơn, Dogen khuyên mọi người nên nhanh chóng xử lý các công việc bảo trì và sửa chữa cần thiết cho các vật dụng và tài sản. Đối với xe ô tô, hãy kiểm tra và bảo dưỡng phanh, lốp, ắc quy... trước khi hết hạn bảo hành để tránh chi phí bất ngờ. Với nhà cửa, cân nhắc thay thế mái nhà, cửa sổ hoặc thiết bị điện tử nếu chúng đang có dấu hiệu xuống cấp và giá cả còn phải chăng. Đặc biệt, đừng quên sức khỏe. Hãy chủ động đặt lịch khám sức khỏe hoặc phẫu thuật sớm để tránh việc mức chi trả bảo hiểm có thể tăng trong tương lai.

2. Xây dựng quỹ khẩn cấp vững chắc

Có tiền mặt trong tay trong thời kỳ kinh tế khó khăn sẽ mang lại sự an tâm đáng kể. Dogen khuyến nghị mỗi cá nhân nên dự trữ một khoản tiền đủ để trang trải chi phí sinh hoạt từ 6 đến 12 tháng. Khoản tiền này nên được đầu tư vào các kênh an toàn và có khả năng sinh lời tương đối như quỹ thị trường tiền tệ có lợi suất cao hoặc trái phiếu chính phủ, với lợi suất khoảng 4%. Điều này giúp bạn có một tấm đệm tài chính vững chắc, tránh phải bán tháo các tài sản đầu tư khác với giá rẻ trong trường hợp bị cắt giảm biên chế hoặc có nhu cầu chi tiêu đột xuất.

3. Xác định rõ mục tiêu đầu tư và phân bổ tài sản

Để tránh những quyết định sai lầm trong thị trường biến động, việc xác định rõ mục tiêu đầu tư và thời gian đầu tư là rất quan trọng. Nếu bạn cần tiền trong vòng 2 năm tới cho những mục tiêu cụ thể như mua nhà, học phí hoặc khởi nghiệp, hãy lựa chọn các tài sản ít rủi ro hơn như trái phiếu chính phủ ngắn hạn hoặc quỹ thị trường tiền tệ. Hiểu rõ mục tiêu giúp bạn duy trì kỷ luật và không bị cuốn theo cảm xúc khi thị trường thăng trầm.

4. Tích cực phát triển sự nghiệp và mạng lưới quan hệ

Khi thị trường lao động còn tương đối ổn định là thời điểm lý tưởng để củng cố mối quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp và các đối tác trong ngành. Hãy dành thời gian để nhận diện điểm mạnh của bản thân và tìm hiểu về các lĩnh vực có thể chuyển đổi nếu cần thiết. Chủ động tìm kiếm các ngành nghề được xem là ổn định hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nếu không may đối mặt với việc bị sa thải, đừng ngần ngại thương lượng để nhận được khoản trợ cấp thôi việc xứng đáng. Luôn thể hiện sự thiện chí và hợp tác sẽ giúp bạn tạo ra nhiều cơ hội trong tương lai.

5. Đa dạng hóa nguồn thu nhập

Việc chỉ dựa vào một nguồn lương duy nhất tiềm ẩn rủi ro lớn. Hãy cân nhắc phát triển các nguồn thu nhập bổ sung để phân tán rủi ro, chẳng hạn như thu nhập từ cho thuê tài sản, cổ tức từ đầu tư chứng khoán, làm việc tự do, giảng dạy hoặc phát triển các dự án kinh doanh phụ. Mặc dù các ngành như y tế, giáo dục và dịch vụ công cộng thường được xem là ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái, nhưng trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn có xu hướng cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu. Do đó, cần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.

6. Nắm bắt cơ hội đầu tư khi thị trường xuống dốc

Thị trường suy thoái có thể là cơ hội vàng để đầu tư. Đây là thời điểm lý tưởng để tăng cường đóng góp vào các quỹ như quỹ hưu trí, quỹ giáo dục cho con cái hoặc các quỹ đầu tư ủy thác. Việc kiên trì đầu tư trong giai đoạn thị trường thấp điểm có thể mang lại lợi nhuận đáng kể trong 10 năm tới. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải đảm bảo có ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt dự trữ trước khi bắt đầu đầu tư.

Lê Nguyên
Nguồn: sohuutritue.net.vn