Học sinh chật vật học online vì phần mềm trục trặc
TP HCM: Hơn 1.500 học sinh trường THPT Thanh Đa sẽ học trực tuyến trên Google Meet trong tuần này bởi liên tục bị "văng" khỏi hệ thống K12Online.
Thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Đa, cho biết trong ngày đầu tiên học chương trình mới 6/9, hệ thống K12Online của trường "xoay chóng chóng", liên tục báo lỗi, bận, đường link đang tìm kiếm không có, học sinh không thể đăng nhập.
Một tuần trước đó, thầy cô được tập huấn, chạy thử phần mềm K12Online rất suôn sẻ. Nhưng tiết học đầu tiên, hơn nửa tiếng loay hoay, tìm đủ cách không thể vào được, thầy trò 36 lớp phải chuyển sang dùng Google Meet học trực tuyến.
K12Online là một trong 8 phần mềm được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM thẩm định, có kết nối hệ thống dữ liệu với ngành giáo dục. "Có thể do phần mềm này có nhiều tiện ích, dễ dùng nên được nhiều trường chọn sử dụng, khi học sinh thành phố cùng lúc vào thì trở nên quá tải. Chúng tôi đã báo với đơn vị cung cấp dịch vụ để họ khắc phục", thầy Hân nói.
Tương tự, tại trường THCS Nguyễn Du (quận 1), học sinh 12 lớp khối 6 và 9 trong buổi sáng liên tục bị "out" khỏi lớp học ảo K12Online. Đến chiều, dù được khắc phục, 13 lớp khối 7 và 8 vẫn rơi vào tình trạng chập chờn khi sử dụng phần mềm. Sau gần một giờ không vào được lớp online, hàng loạt giáo viên chuyển sang dùng MS Teams để dạy học.
Hiệu phó Nguyễn Công Phúc Khánh cho biết năm ngoái giáo viên sử dụng song song K12Online và MS Teams để dạy học, do đó việc chuyển đổi khi phần mềm bị lỗi cũng dễ dàng. "Học trực tuyến không có nghĩa chỉ là giảng bài qua một ứng dụng mà còn là hệ thống dữ liệu bài học, bài kiểm tra, sổ ghi nhận quá trình học tập. Do đó, thầy trò mong hệ thống được khắc phục sớm để học lại bình thường", thầy Khánh nói.
Hơn 600 học sinh trường THCS - THPT Đào Duy Anh đã "mướt mồ hôi" khi K12Online bị đơ giữa ngay tiết đầu năm học. Sửa mãi không được, thầy trò chuyển qua Zoom sinh hoạt lớp. Sau buổi học, thầy cô gửi tài liệu, video bài giảng qua các nhóm chat của lớp.
Tình trạng phần mềm, hệ đống bị "đơ" trong ngày học đầu tiên diễn ra ở hàng loạt trường THPT khác như Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Trưng Vương, Lương Thế Vinh. Trên các nhóm chat của hiệu trưởng các trường theo khu vực, thầy cô chia sẻ cách khắc phục.
Không chỉ K12Online, nhiều phần mềm, hệ thống học trực tuyến khác được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM thẩm định, giới thiệu cũng trục trặc. Nguyên nhân được cho là số người truy cập quá lớn cùng một lúc khiến phần mềm bị quá tải.
"Em vào đường link đăng nhập K12Online do cô giáo gửi thì hệ thống liên tục báo đang bận. Đến khi vào được thì 2-3 phút là bị văng ra. Một lúc sau thì cô thông báo học trên Zoom", Kim Yến, học sinh THCS quận 1 cho biết.
Học sinh mệt mỏi, phụ huynh cũng không khỏi lo lắng, sợ tình trạng này diễn ra suốt học kỳ sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của con em. "Sở đã xác định dạy online cả học kỳ I thì phải đảm bảo chất lượng hệ thống. Học online không bằng trực tiếp rồi mà còn chập chờn thế này, các con chán học thì nguy hại lắm", một phụ huynh cho biết.
Về hướng khắc phục, trước mắt các trường chuyển sang dạy online trên Zoom, Google Meet hoặc MS Teams, sau đó gửi bài tập hoặc video bài giảng trên các nhóm lớp, web trường. Tuy nhiên, thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho rằng đây chỉ là các cách làm tạm thời vì học trực tuyến phải có phần mềm cố định bởi còn liên quan đến kiểm tra, đánh giá định kỳ.
Về lâu dài, giờ dạy online phải thiết kế ngắn gọn, trọng tâm để giảm tải cho các hệ thống. "Trường cũng không sắp xếp thời khóa biểu học trực tuyến giống như học trực tiếp vì sẽ gây quá tải cho học sinh, không có hiệu quả. Tiết dạy nên dừng ở khả năng hiểu, nhận biết cho học sinh, mỗi tiết cách nhau 10 phút, thời gian học linh động", thầy Đảo nói.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết đã nắm sự cố tại một số phần mềm học trực tuyến trong ngày 6/9. Sở làm việc với Công viên phần mềm Quang Trung để nâng cấp dữ liệu đường truyền lên 50%, hỗ trợ nhu cầu truy cập khi học online.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất Sở Thông tin Truyền thông bổ sung và nâng cấp hạ tầng máy chủ hệ thống thông tin ngành giáo dục thành phố. Cụ thể, ngành giáo dục đề nghị có thêm 2 server với cấu hình mạnh, điều chỉnh và nâng cấp một server trước ngày 15/9.
Gần 700.000 học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên TP HCM đã tập trung lớp theo hình thức trực tuyến từ ngày 1 đến 4/9, bắt đầu học chương trình mới ngày 6/9. Ghi nhận ở nhiều trường trung học, tỷ lệ học sinh tham gia trong ngày học đầu tiên trên 90%.
Cùng ngày 6/9, khoảng 2 triệu học sinh Hà Nội học trực tuyến do thành phố giãn cách, trường học đóng cửa. Hầu hết nhà trường sử dụng Zoom dạy học. Ghi nhận từ một số trường, buổi học đầu tiên nhiều học sinh bị thoát khỏi lớp. Thầy cô khắc phục bằng cách gửi tài liệu, đề nghị phụ huynh nâng cấp gói mạng.
Mạnh Tùng
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội