Hòa thượng Thích Gia Quang: Phật giáo không có tục đốt vàng mã

Thứ bảy, 24/02/2018, 14:48 PM

Tục đốt vàng mã trong Phật giáo không có. Hành vi này là du nhập từ đạo lão của Trung Quốc. Quan điểm của Giáo hội Phật giáo chúng tôi không có tục đốt vàng mã.

Phật giáo không có tục đốt vàng mã

Phật giáo không có tục đốt vàng mã

Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị tăng ni hướng dẫn phật tử và người dân loại bỏ mê tín dị đoan, trong đó có hoạt động đốt vàng mã - một trong những hiện tượng gây phản cảm tại nhiều di tích trong các mùa lễ hội nhiều năm gần đây. 

Trao đổi với báo chí, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định Phật giáo Việt Nam cũng không có tục lệ này.

- PHÓNG VIÊN: Hiện tượng đốt vàng mã đã xuất hiện trong đời sống của người dân khá lâu và trong thời gian gần đây đang có xu hướng ngày càng phát triển mạnh. Tuy nhiên, không nhiều người trong số đó hiểu rõ ý nghĩa của việc này và làm theo thói quen, làm theo tâm lý đám đông. Hành vi này không chỉ gây tốn kém, lãng phí tiền của mà nhiều tai nạn, hỏa hoạn nghiêm trọng cũng đã xảy ra từ việc hóa vàng mã. Hòa thượng có thể nói rõ hơn về hiện tượng này?

>> Hòa thượng THÍCH GIA QUANG: Tục đốt vàng mã trong Phật giáo không có. Hành vi này là du nhập từ đạo lão của Trung Quốc. Quan điểm của Giáo hội Phật giáo chúng tôi không có tục đốt vàng mã, vì thế văn bản chỉ làm rõ hơn, khẳng định một lần nữa quan điểm này, đồng thời mang tính chất nhắc nhở, thầy trụ trì các chùa phổ biến cho người dân hiểu rõ hơn, tường tận hơn để hạn chế và dần dần đi đến từ bỏ tục đốt vàng mã. Không đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng thờ Phật đó cũng là chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Theo Hòa thượng, văn bản này đưa ra liệu có thể cấm triệt để hành vi đốt vàng mã tại các chùa, thiền viện…?

Đấy là yêu cầu của giáo hội, còn thực hiện tất nhiên trong giai đoạn đầu có thể chưa triệt để ngay, nhưng sẽ dần dần. Hy vọng là như vậy. Các sư thực hiện, tùy theo các vị hiểu Phật giáo kỹ tới mức nào, các vị còn hơi ngại về truyền thống văn hóa lâu ngày của bà con thì chắc sẽ dần dần sẽ tiến triển tốt.

- Việc đốt vàng mã theo đã trở thành thói quen và ăn sâu vào trong ý thức của người dân. Đồ lễ cúng dâng trong chùa, đình, đền và ngay ở mỗi gia đình đều có kèm theo vàng mã. Sau văn bản này mà các cơ sở thờ tự vẫn còn hiện tượng đốt vàng mã thì giáo hội có biện pháp xử lý mạnh không?

Nhà chùa không có biện pháp xử lý gì, chỉ có cái tuyên truyền, đem giáo lý nhà Phật ra để mà giải thích cho bà con hiểu dần dần. Nhưng khi nói phải đem dẫn chứng, phải nói làm sao để mọi người nghe, vừa tin vừa phục. Mình nói cấm không thì rất khó. Đấy là cái tùy theo lý lẽ của các vị sư đã đủ thuyết phục các phật tử và người dân chưa. Còn đối với nhân dân đến lễ, các thầy dần từng bước tuyên truyền, thuyết phục.

Còn với các thầy, sẽ không có chuyện không thực hiện mà chỉ là việc thuyết phục, tuyên truyền của các thầy ảnh hưởng đến đâu thôi. Trị sự nhắc nhở làm sao khuyên mang tính chất khuyến nghị để các vị hiểu rõ hơn, làm tốt hơn chứ không cứ theo phong tục, nấn ná thì không nên. Phật giáo thực ra chẳng xử phạt được cái gì cả. Phật giáo không có giáo quyền như các bên, không có việc bắt thôi trụ trì, hay không cho đi hạ… không làm cái đó được.

- Văn bản đã bày tỏ rõ quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Song để lời nhắc nhở, khuyến cáo này thực sự phát huy giá trị, lan tỏa trong đời sống, dần dần góp phần giảm thiểu và tiến tới loại bỏ tục đốt vàng mã theo hòa thượng cần phải có giải pháp gì?

Văn bản của giáo hội mang tính chất nhắc nhở, khuyến nghị, song để hạn chế việc đốt vàng mã như hiện này cần có sự chung tay của chính quyền, của cơ quan văn hóa…

- Cảm ơn Hòa thượng!

MAI AN

Theo SGGP

largeer