Giáo viên bỏ tiền túi sắm thiết bị dạy học trực tuyến

Thứ năm, 09/09/2021, 18:08 PM

HÀ NỘI: Lần thứ tư phải dạy học trực tuyến, cô Lê Thị Oanh, giáo viên tiếng Anh trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức, tự tin hơn về chất lượng bài giảng.

Không chỉ nhờ cập nhật công nghệ thông tin, phần mềm, một phần lớn nhờ cô đầu tư trang thiết bị. Cô Oanh kể, những ngày đầu dạy học trực tuyến, khó khăn bủa vây giáo viên và học sinh. Từ dạy trên Zoom với hàng loạt lỗi như bị thoát ra, lớp học bị người ngoài vào phá rối, trường THCS Đông La đã đăng ký Office 365 để chuyển từ Zoom sang MS Teams. Nhiều ứng dụng khác trong bộ Office 365 được thầy cô sử dụng như MS Sway, Skype, OneNote Class Notebook.

Cô Oanh cùng đồng nghiệp phải tải thêm rất nhiều ứng dụng khác để việc dạy trực tuyến hiệu quả hơn như Azota để giao bài và thi trực tuyến, Wordwall hay Quizizz để tạo trò chơi. "Những ứng dụng này hỗ trợ rất tốt cho việc dạy và học, giúp bài giảng của thầy cô sinh động, lôi cuốn hơn và học trò nhờ đó cũng hứng thú hơn. Thế nhưng nó khiến những thiết bị cũ của tôi quá tải hoặc lỗi thời do không tương thích", cô Oanh nói. Chưa kể, việc phải tải bài làm của học sinh bằng video, slide về máy quá nhiều cũng khiến thiết bị của cô Oanh liên tục đơ.

Không thể giảm chất lượng các buổi học chỉ vì thiết bị, cô giáo tiếng Anh quyết định mua điện thoại và máy tính mới để dạy học với cấu hình, dung lượng cao hơn và tương thích với nhau. Thiết bị mới cũng giúp cô Oanh sáng tạo hơn trong cách dạy khi sử dụng được nhiều phần mềm. Việc làm video, ghi âm bài giảng, lưu trữ tài liệu cũng tốt hơn.

Để hướng dẫn học sinh phản chiếu điện thoại lên TV cho đỡ hại mắt, cô cùng đồng nghiệp mua thêm dây kết nối điện thoại và TV để thử làm rồi hướng dẫn học sinh làm theo. Các thầy cô, đặc biệt giáo viên dạy Toán, phải mua thêm bảng viết điện tử để dễ dàng ghi công thức, giúp học sinh cảm thấy như đang ngồi trước tấm bảng đen ở lớp. Ban giám hiệu nhà trường phải mua camera, máy móc, tạo phòng dạy học trực tuyến tại trường để giáo viên sử dụng.

"Những gì có thể làm để đảm bảo chất lượng giờ học, chúng tôi đều cố gắng hết sức", cô Oanh nói.

Một giáo viên trường THCS Đông La đang dạy học với bảng viết điện tử. Nhiều giáo viên của ngôi trường này đầu tư bảng điện tử để dạy trực tuyến thuận tiện hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một giáo viên trường THCS Đông La đang dạy học với bảng viết điện tử. Nhiều giáo viên của ngôi trường này đầu tư bảng điện tử để dạy trực tuyến thuận tiện hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vẫn dạy qua Zoom và thỉnh thoảng bị "văng" ra ngoài phòng học, cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên tiếng Anh một trường tư thục ở quận Hà Đông, cảm thấy có lỗi với học sinh. Có lần cố gắng vào phòng Zoom nhưng liên tục bị thoát ra hoặc máy đơ, cô đành phải dời buổi học sang hôm khác.

"Chồng cũng là giáo viên, con trai phải học trực tuyến. Nhà ba cái máy cùng hoạt động khiến mạng chậm. Nhiều hôm, vợ chồng tôi cãi nhau vì mạng nghẽn", cô Thanh kể. Không muốn việc dạy học bị gián đoạn, cô nâng cấp đường truyền, chuyển đổi từ gói mạng 175.000 đồng lên 275.000 đồng một tháng.

Nâng cấp được gói mạng nhưng gia đình cô lại vấp phải vấn đề khác. Nhà có bốn người lại chỉ có ba máy tính, có hôm lịch học của các con và bố mẹ trùng nhau buộc cô Thanh hoặc chồng phải đổi. Dịch bệnh nên gia đình cô về tá túc ở nhà ông bà nội tại Thanh Oai đã vài tháng qua. Việc di chuyển khó khăn khiến cô đặt mua máy tính cả tháng trời mà vẫn không nhận được.

Cô Thanh sau đó mượn được của người họ hàng ở quê máy tính bàn đã cũ để dùng tạm. Tuy nhiên, máy không có camera và mic. "Tôi phải nhờ người mua giúp camera và loa rồi đợi đến đêm mới dám ra chốt lấy. Cũng may camera tích hợp chức năng mic nên tôi cắm loa, bật camera lên là tương tác được với học sinh", cô Thanh cho hay.

Không chỉ cô, nhiều đồng nghiệp ở trường cũng phải bỏ tiền túi đầu tư thiết bị dạy học như máy tính, điện thoại, tai nghe và camera để buổi học online hiệu quả. Ngoài ra, các thầy cô cũng phải nâng cấp đường truyền Internet để đảm bảo không bị thoát khỏi phòng Zoom lúc đang dạy.

Cô Thanh cũng phải bỏ tiền ra mua thêm phần mềm đọc sách để phục vụ việc dạy, khai thác phần mềm miễn phí Azota để nộp và chấm bài, Classdojo hoặc Seesaw để khen thưởng, trò chơi Lucky Number, Quizizz.

Tại trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ, giáo viên Âm nhạc được thống nhất không dạy trực tuyến như các môn Toán, Tiếng Việt. Nguyên nhân là tương tác giữa giáo viên và học sinh không tốt, đường truyền, thiết bị của học sinh không đủ, không bảo đảm âm thanh hay khó quản lý học sinh.

Để giải quyết bài toán này, thầy Nguyễn Duy Nhất, giáo viên Âm nhạc của trường, chọn phương án gửi video dạy học để đảm bảo nội dung cũng như tính sinh động và học sinh có thể chủ động xem, học bất cứ lúc nào.

Thầy Nguyễn Duy Nhất tạo studio tại nhà để làm video bài giảng trực tuyến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Nguyễn Duy Nhất tạo studio tại nhà để làm video bài giảng trực tuyến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là người chỉn chu, thầy Nhất dành hẳn căn phòng nhỏ trong nhà làm studio thu nhỏ. Để đảm bảo một video dạy học sinh động và có tính sáng tạo, thầy giáo cần có một điện thoại iPhone, một phần mềm tốt và dễ dùng trên máy tính (thầy đang dùng phần mềm làm video Fimora 9). Về âm thanh, thầy sử dụng mic thu âm để đảm bảo tiếng nói được thu dễ nghe và gần gũi nhất.

Ban đầu chưa có những thiết bị đó, hình ảnh video khá tối và thiếu sức sống, chất lượng bài học vẫn đảm bảo nhưng thầy Nhất chưa hài lòng. Vì vậy, thầy đã sắm thêm nhiều thiết bị như đèn để tăng độ sáng, giảm nhiễu; nâng cấp phông xanh tách chủ thể rộng hơn để lấy được nhiều không gian; mua đạo cụ và trang phục để thay đổi theo nội dung bài học; nâng cấp máy tính mạnh hơn.

"Tất cả đều khá tốn kém nhưng tôi nghĩ cần đầu tư vì dịch bệnh có lẽ còn kéo dài, và quan trọng hơn là vì học sinh của tôi cần những bài học hay, đáng yêu để được học như một hình thức giải trí nhẹ nhàng", thầy Nhất chia sẻ.

Bài giảng sẽ được thầy Nhất gửi tới học sinh. Mỗi tuần thầy sẽ chỉ định 10 bạn mỗi lớp gửi video trả bài như hát, làm ký hiệu âm nhạc, vỗ tay theo phách, nhịp... Sau mỗi chủ đề âm nhạc, thầy mở lớp Zoom một lần để tương tác và đánh giá học sinh.

Nhận được phản hồi tích cực của học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp, thầy Nhất càng thêm động lực sáng tạo, yêu nghề và mong muốn cống hiến. Thầy giáo cho rằng ngoài đầu tư trang thiết bị, thầy cô phải chuẩn bị tốt về tâm lý.

"Tất cả sự chuẩn bị này sẽ không đạt hiệu quả cao nếu giáo viên không thực sự cố gắng phát huy sự sáng tạo, duyên dáng và hài hước. Chỉ có đổi mới phương pháp tiếp cận và dạy học, học sinh mới cảm thấy học mà như được giải trí, giảm áp lực phải học trực tuyến quá nhiều", thầy Nhất cho hay.

Hơn 2,1 triệu học sinh Hà Nội cùng hàng triệu học sinh ở nhiều tỉnh, thành khác đang phải học trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19, trong đó nhiều giáo viên, học sinh gặp khó khăn do thiếu thiết bị, đường truyền Internet không ổn định.

Dương Tâm - Bình Minh

Theo Vnexpress.net