Hàng không giá rẻ kiếm lời từ… phụ phí

Thứ bảy, 29/09/2018, 12:15 PM

Dịch vụ phụ trợ được các hãng hàng không áp dụng đang ngày càng đa dạng. Các phí phụ trợ cơ bản bao gồm: phí hành lý và hành lý quá cước, chỗ ngồi, phí hủy và thay đổi chuyến bay, và các dịch vụ trên máy bay.

Trong báo cáo vừa mới phát hành, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, các hãng hàng không giá rẻ cung cấp giá vé rẻ và kỳ vọng thu về doanh thu từ phí hành lý.

Tuy nhiên, việc xây dựng được chính sách hành lý để tối đa hóa doanh thu mà vẫn làm hài lòng khách hàng và đáp ứng hiệu quả hoạt động là một bài toán không đơn giản.

Thống kê của VDSC cho thấy, doanh thu từ phí hành lý chiếm phân nửa tổng doanh thu phụ trợ của các hãng hàng không giá rẻ trong năm 2017. Cụ thể, doanh thu từ phí hành lý chiếm 47% doanh thu phụ trợ của EasyJet, 67% doanh thu phụ trợ của Hongkong Express; tại Spirit là 40% và tại WOW Air là 66%.

Trong khi đó, dịch vụ chọn chỗ ngồi đang ngày càng trở thành một nguồn đóng góp doanh thu chính. Các dịch vụ bao gồm chọn chỗ ngồi ở khu vực thoát hiểm, chỗ ngồi phía trước, hoặc chỗ có không gian rộng. Điều này cho thấy hành khách sẵn sàng chi nhiều hơn để đổi lại sự thoải mái và tiện nghi.

Khoản này đóng góp khoảng 7% doanh thu phụ trợ của Easy Jet trong năm 2017, đóng góp cho Hongkong Express tới 12%, cho Spirit là 11% và đóng góp cho WOW Air 8%.

h4

Theo đánh giá của VDSC, các hãng hàng không của Mỹ có doanh thu phụ trợ/đầu người cao nhất, tiếp đó là các hãng hàng không châu Âu.

Có 3 yếu tố tác động đến độ lớn doanh thu phụ trợ của các hãng hàng không, đó là chi phí dịch vụ; phí phụ trợ và số lượng hành khách sử dụng dịch vụ. Trong đó, phí phụ trợ của các hãng ở các quốc gia phát triển thường cao hơn do mức sống cao hơn.

Đơn cử, các hãng Spirit và Frontier tính phí đối với tất cả hành lý xách tay và ký gửi. Trong khi đó, thông thường các hãng hàng không sẽ miễn cước cho kiện hành lý xách tay. Điều này lý giải tại sao 2 hãng này lại có doanh thu phụ trợ/đầu người cao như vậy.

h5

Ngoài ra, các hãng hàng không của Mỹ và Châu Âu còn thực hiện chương trình khách hàng thường xuyên để khuyến khích hành khách sử dụng dịch vụ của mình. Hành khách có thể tích lũy dặm bay bằng cách sử dụng thẻ tín dụng khi đặt vé. Với mỗi dặm mà hành khách tích lũy, hãng hàng không sẽ nhận được thu nhập từ ngân hàng hoặc tổ chức phát hành thẻ.

FFP của hãng Air Asia có chút khác biệt khi khách hàng sẽ được ghi nhận điểm dựa trên số tiền mà họ bỏ ra cho hãng hàng không. Càng có nhiều điểm, hành khách sẽ càng nhận được nhiều lợi ích.

Nhìn chung, dịch vụ phụ trợ được các hãng hàng không áp dụng đang ngày càng đa dạng. Các phí phụ trợ cơ bản bao gồm: phí hành lý và hành lý quá cước, chỗ ngồi, phí hủy và thay đổi chuyến bay, và các dịch vụ trên máy bay.

Dựa vào văn hóa và chiến lược khác nhau, các hãng hàng không sẽ mở rộng các dịch vụ khác như vận chuyển trẻ em đi một mình hay thú nuôi... Spirit và Frontier thậm chí còn tính phí in vé tại sân bay dao động từ 2 USD đến 10 USD, trong khi dịch vụ này được cung cấp miễn phí đối với các hãng hàng không khác.

Mai Chi

Dân Trí