Hàng không giá rẻ Đông Nam Á chật vật vượt qua mùa dịch
Các hãng hàng không giá rẻ của khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với những khó khăn về tài chính do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm mạnh.
Các hãng hàng không giá rẻ của khu vực Đông Nam Á, động lực tăng trưởng quan trọng cho các nhà sản xuất máy bay và các công ty cho thuê máy bay trong một thập kỷ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, đang phải đối mặt với những khó khăn về tài chính do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm mạnh. Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu họ có nhu cầu thay mới hoặc mở rộng đội bay của họ hay không.
Các kiểm toán viên của hãng hàng không AirAsia (Malaysia) và Công ty cổ phần hàng không VietJet Aviation của Việt Nam đang lo ngại về vốn và các dòng tiền, trong khi hãng hàng không Lion Air của Indonesia đã lên kế hoạch kiềm chế “mua sắm”.
Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các chủ ngân hàng và các công ty cho thuê máy bay đã lo lắng về khả năng xu hướng đặt hàng máy bay của các hãng hàng không Đông Nam Á, vốn vô cùng sôi động trong suốt một thập kỷ qua, sẽ chững lại.
Các hãng này, với chi nhánh ở nhiều quốc gia, đang có tổng cộng 938 máy bay theo đơn đặt hàng và cho thuê để bổ sung vào đội bay lên tới 476 máy bay hiện có.
Bởi vậy, các hãng hàng không giá rẻ với hoạt động mạnh ở trong nước chắc chắn sẽ phục hồi tốt sau đại dịch, mặc dù được hỗ trợ tài chính ít hơn so với các đối thủ là các hãng hàng không quốc gia.
Mô hình chi phí thấp của họ giúp giảm bớt những tổn thương do thiếu hụt tiền mặt và cho họ sự linh hoạt để hưởng lợi trước bất kỳ sự phục hồi nào.
Dù vậy, khi biên giới nhiều quốc gia còn phải đóng cửa và tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị kìm hãm, việc phải chi trả các phí tổn để vận hành và duy trì tất cả các máy bay hiện có đối với họ vẫn là một gánh nặng, và đây cũng là dấu hiệu đáng lo ngại cho các nhà sản xuất và cho thuê máy bay.
Tại Triển lãm hàng không Singapore Airshow vào tháng 2/2020, trước khi đại dịch COVID-19 lan rộng ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc hãng chế tạo máy bay Boeing dự đoán rằng các hãng hàng không của khu vực Đông Nam Á sẽ cần 4.500 máy bay trong 20 năm tới, với Việt Nam sẽ đứng đầu danh sách xếp hạng tăng trưởng này.
Cùng với đó là những dự đoán về việc làm cho 182.000 người trong lĩnh vực hàng không thương mại, bao gồm phi công, phi hành đoàn trong cabin hoặc kỹ thuật viên.
Tuy nhiên, trừ các hãng hàng không vẫn đang duy trì được tình hình tài chính như trước khủng hoảng, đại dịch COVID-19 đã khiến hàng nghìn nhân viên ngành hàng không bị sa thải và hàng loạt máy bay không được bàn giao, khiến các nhà sản xuất và công ty cho thuê máy bay chịu thua lỗ nặng nề.
Công ty tư vấn IBA ước tính sẽ xảy ra tình trạng dư thừa tới 2.500 máy bay trên toàn cầu trong 20 tháng tới.
Các nhà cho thuê máy bay đang đề xuất cho khách hàng được thanh toán chậm đối với những chiếc máy bay đang không được hoạt động.
Dù vậy, một cuộc khủng hoảng tiền mặt có thể xuất hiện khi thời hạn hoãn thanh toán kết thúc.
Minh Trang
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường