Góc nhìn về tự truyện 'Phút 89': Cái tôi của Công Vinh
"Phút 89" cuốn tự truyện của Công Vinh nêu nhiều thứ "tạo nên" một Công Vinh hoàn hảo. Nếu như có những góc khuất đàn ông hơn, "phần con" của một cầu thủ thì dễ đọc hơn.
Người đồng đội cũ Tấn Tài phản ứng và quyết định xem Công Vinh là người xa lạ. HLV Lê Thụy Hải thì giãy nảy lên rồi thôi. Đàn anh Lê Huỳnh Đức thì không nói gì cả… Đọc toàn bộ cuốn tự truyện “Phút 89” của Công Vinh thấy rằng “cái tôi” của Công Vinh là rất lớn.
Tất cả để những câu chuyện đều để “tôn vinh mình lên”, thằng “đàn ông trong người mình”. Và có cả những lời bào chữa cho chính mình, hầu như không thấy cái sai của Công Vinh. Chính đó là điều làm cho cuốn tự truyện mất đi tính tự nhiên và “chiều ngược” của nó.
Cuốn tự truyện của Công Vinh nhìn dưới góc độ phát hành và thông tin thì có vẻ cuốn sách đang thành công, bởi nó đã có những tương tác trở lại với ê kíp làm nên cuốn sách gồm người chắp bút là nhà báo Trần Minh, Công ty phát hành sách Phương Nam và bản thân Công Vinh.
Đọc toàn bộ cuốn sách, thấy những đoạn vẫn có những giá trị và thông tin mới mẻ của nó. Đó là đoạn đối thoại giữa Công Vinh và HLV Lê Thụy Hải những ngày đầu và chuỗi ngày sau đó mối quan hệ “sóng cuộn âm ỉ” giữa Công Vinh và HLV Lê Thụy Hải.
Thời điểm đó thì báo chí đã biết rồi nhưng câu chuyện ngóc ngách thì không ai biết hết, nhất là chủ tịch CLB B.Bình Dương đi đưa túi tiền cho Công Vinh để “dấm dúi” HLV Lê Thụy Hải…
Rồi câu chuyện những ngày tháng khó khăn Công Vinh sang Leixoax, Bồ Đào Nha chơi bóng bốn tháng trong cô đơn, câu chuyện với người bạn khiếm thính, có tên thường gọi là “Điếc” hồi tuổi thơ của Công Vinh… Câu chuyện Công Vinh bẻ kèo với bầu Hiển vì lãnh đạo CLB Hà Nội T&T không cho Vinh đến với Thủy Tiên…
Ngoài ra Công Vinh cũng mô tả mối quan hệ với đàn anh Lê Huỳnh Đức khi Vinh mới lên tuyển là kém vui. Vinh đã thất vọng về thần tượng của mình và cho rằng đàn anh Huỳnh Đức… nhìn vậy mà không phải vậy.
Tất cả đó chỉ là những cảm nhận từ một phía, tức từ Công Vinh, chẳng hạn như Tấn Tài cho biết mình hay chuyền bóng cho Công Vinh nhưng Công Vinh thì bảo không chuyền. Công Vinh thì có ý muốn nói rằng HLV Lê Thụy Hải đã “đì” Công Vinh khi Công Vinh không quà cáp cho HLV Lê Thụy Hải mà chủ tịch CLB Bình Dương Nguyễn Minh Sơn đã chuẩn bị sẵn… Vì Vinh nghĩ mình có tài, không cần phải kiếm suất đá bằng dấm dúi, tiền bạc…
Trong một đội bóng, lại là đội tuyển quốc gia trên cái thế giới này đó đều là như thế cả. Ở tuyển Việt Nam còn không có chuyện đàn em vào sau phải chùi giày, giặt áo cho đàn anh là đỡ rồi, khá lắm rồi.
Trong môi trường đội tuyển quốc gia nó có luật bất thành văn như thế chứ chả cần phải la làng gì cả vì nó cạnh tranh, âm mưu nhiều lắm. Cầu thủ đá hay, đàn anh đá giỏi lâu năm trong tuyển thì đàn em phải chấp nhận, tìm cách hòa nhập mà vươn lên. Đàn anh Huỳnh Đức có những cư xử, lời ăn tiếng nói khiến Công Vinh sốc thì đó cũng là chuyện bình thường. Trong môi trường tuyển, đó là điều chấp nhận và coi như động lực vươn lên mà thôi.
Công Vinh cũng đề cập chuyện người bạn cùng thời Phan Thanh Bình được HLV Riedl ưu ái cho đá chính cùng Văn Quyến (SEA Games 2005 tại Philippines). Công Vinh như muốn nói rằng đó là sự ưu ái từ ông thầy người Áo với Thanh Bình mà lúc đó Thanh Bình còn có “biệt danh” “con trai Riedl”. Thực tế thì lúc đó Thanh Bình chơi rất hay, theo cảm nhận của người viết thì Bình chơi hay hơn Vinh.
Khi tham dự SEA Games 2005 thì U-23 Việt Nam có đá giải Agribank tại Hà Nội, Thanh Bình ghi những bàn thắng cực sắc nét, phong độ cực cao… rồi Thanh Bình ghi bàn vào lưới Barcelona B… Lúc đó Thanh Bình đá cặp cùng Văn Quyến là điều hiển nhiên và dư luận cũng không thể phản đối.
Nhưng với một người trong cuộc như Vinh thì tất nhiên (ai cũng vậy) nghĩ rằng mình chẳng thua người kia. Và Vinh đã nghĩ như thế nên nói rằng Thanh Bình được HLV Riedl ưu ái. Ở đây là cái tôi của mỗi con người.
Những năm cuối đời cầu thủ Totti đâu dễ chấp nhận bị “nhốt” trên băng ghế dự bị nhưng anh cứ tưởng phong độ của mình còn như những năm tuổi 20 vậy. Những cầu thủ ngôi sao thì “cái tôi” càng lớn hơn.
Tại SEA Games 2005 thì cuối cùng Công Vinh cũng chiếm được suất đá chính khi mà Thanh Bình lúc đó chịu áp lực cực lớn từ dư luận và trông mong của người hâm mộ. Thanh Bình chịu áp lực lớn và thể hiện kém thế là trong trận cuối vòng bảng gặp Lào, Vinh được HLV Riedl trao cơ hội và tỏa sáng ghi ba bàn thắng. Từ đó, Vinh lấy suất đá chính cùng Văn Quyến cho đến trận chung kết và thua U-23 Thái Lan.
Đó là chuyện hết sức bình thường nơi một đội tuyển và sự sắp xếp của HLV. Thanh Bình cũng chẳng có ưu ái đâu, phong độ đang cao thì tất nhiên HLV phải dùng. Nhưng “tắt” một trận thì không có nghĩa cho ngồi băng ghế dự bị. Thanh Bình phản ứng với “Phút 89” cũng chẳng sai.
Tự truyện “Phút 89” Công Vinh thể hiện “cái tôi” nhiều, giải thích nhiều để đưa mình lên.
Sau này Vinh có thể cư xử đẹp với đàn em như Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải, Xuân Trường, không như Huỳnh Đức ngày xưa cư xử với mình, nhưng Vinh cũng phải biết chấp nhận. Bóng đá vốn là một thế giới rất phức tạp từ chính các cầu thủ mà thôi, nó có những góc khuất đằng sau một tập thể đầy kỷ cương.
Nếu cuốn “Phút 89” của Công Vinh bóc mẻ những bướng bỉnh, cái “ngu ngơ” hay sự gàn dở của một “thằng cầu thủ” trong mình, hay nói khác đi là những “góc khuất” của chính mình thì có vẻ nó thật hơn và đáng đọc hơn.
Bài; DUY ÂN; Ảnh: PHẠM HUY
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch