Giải ngân đầu tư công để huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp

Thứ ba, 25/08/2020, 16:44 PM

Trong năm 2020, Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và đạt được nhiều kết quả, đã giải ngân được 51.965 tỷ đồng vốn trung hạn, đạt trên 74%. Riêng 7 tháng năm nay giải ngân được 39%, còn gần 8.000 tỷ đồng sẽ chuyển sang năm 2021.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 19/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các dự án đầu tư.

Nông nghiệp giúp ổn định đời sống người dân

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, những năm qua, đặc biệt là năm 2020 có nhiều có khăn. Tình hình khô hạn, nhiễm mặn xảy ra ở ĐBSCL, cùng với đó hạn hán kéo dài ở nhiều địa phương, đặc biệt là duyên hải miền Trung và cả Tây Nguyên trong khi mưa lũ gần đây gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương ở vùng núi và trung du phía bắc, ảnh hưởng cả về người và tài sản.

Đặc biệt, cả thế giới phải đối phó với đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đại dịch này ảnh hưởng lớn tới kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu, trực tiếp làm giảm cầu của thế giới.

Trong khi đó Việt Nam có một nền kinh tế mở, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta một năm khoảng trên 400 tỷ USD, nên tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khu vực xuất khẩu. Ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu rất lớn, trong thủy sản, lâm nghiệp, lúa gạo, rau quả… xuất khẩu trên dưới 40 tỷ USD trong những năm gần đây.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT, cùng với sự phối hợp tích cực của các bộ ngành, địa phương, nên toàn ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả rất tốt. Trong điều kiện các ngành đa số đang suy giảm thì ngành nông nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng nhất định và chúng ta có cảm giác ít bị ảnh hưởng hơn các ngành khác.

“Do đó ngành nông nghiệp không những đảm bảo tăng trưởng ngành mà đã góp phần quan trọng vào an ninh lượng thực quốc gia và khối lượng xuất khẩu lớn. Riêng ngành sản xuất lúa gạo năm nay được mùa, được giá đã giúp  nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nói chung và người dân tham gia sản xuất nông nghiệp nói riêng”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Cùng với đó, các sản phẩm khác cũng vẫn giữ được thị trường xuất khẩu, nên góp phần khá tốt phát triển kinh tế-xã hội. Đây là yếu tố để bảo đảm đời sống của người dân trong đại dịch COVID-19, nhiều người dân mất việc làm nhưng không bị đói, vẫn đảm bảo sức khỏe vì có ngành nông nghiệp là một bệ đỡ vững vàng trong lúc này. 

Với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, kế hoạch đầu tư trung hạn của Bộ được phân bổ xấp xỉ 70.000 tỷ đồng, cho 288 dự án, đã được giao 62.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2020 yêu cầu phải giải ngân được 17.324 tỷ đồng, gồm cả 1.538 tỷ đồng từ năm 2019 kéo dài sang.

Trong những năm qua Bộ đã tập trung chỉ đạo việc đầu tư xây dựng và đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể là đã giải ngân được 51.965 tỷ đồng vốn trung hạn, đạt khoảng 74% (đến tháng 7/2020). Riêng 7 tháng năm nay đã giải ngân được 39% với khoảng 10.000 tỷ đồng, còn khoảng 8.000 tỷ đồng sẽ chuyển sang giai đoạn 2021.

Việc giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng, trước hết tạo ra sự tăng trưởng trực tiếp của ngành xây dựng, tham gia vào tăng trưởng của cả ngành kinh tế dù ở mức độ khiêm tốn. Điều quan trọng nhất khi giải ngân vốn đầu tư công là vốn này đầu tư chủ yếu cho những công trình không thu hồi vốn, đó là kết cấu hạ tầng - trong nông nghiệp vô cùng quan trọng; đó là những công trình thủy lợi như hồ, đập, dự trữ đảm bảo an ninh nguồn nước, những công trình ngăn mặn, điều tiết nước, những công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển, các công trình neo đậu, tránh trú bão… Đây là nhân tố để tạo môi trường cho huy động đầu tư phát triển ngành nông nghiệp, những công trình này không có thì trồng trọt, thủy sản… không thể phát triển được.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đầu tư công tạo ra sức cạnh tranh

Nói về đầu tư công, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra môi trường đầu tư để huy động các nguồn lực phát triển. Môi trường ở đây thứ nhất là thể chế, thứ hai là hạ tầng và thứ ba là nhân lực. Đầu tư công là đầu tư cho hạ tầng, chưa nói việc chúng ta đang đầu tư tạo giống mới cho chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp… từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp. Hạ tầng tốt tạo ra các sản phẩm tốt, an ninh nguồn nước, lương thực cho xã hội góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Đây mới là điều quan trọng, chứ không phải đầu tư công để tạo ra tăng trưởng ngay”.

Phó Thủ tướng đánh giá, trong điều kiện vô cùng khó khăn hiện nay, ngành nông nghiệp đang làm rất tốt và trách nhiệm cả việc sản xuất, đầu tư và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, ngành cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Mọi năm chúng ta tăng trưởng khoảng 7%, nhưng năm nay rất khó khăn do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu và Việt Nam, trực tiếp là xuất khẩu - nhân tố trực tiếp tạo tăng trưởng. Ngành nông nghiệp đang có vị trí rất lớn trong xuất khẩu, nhưng do dịch, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… đều bị giảm; tiêu dùng trong nước cũng giảm. Đầu tư toàn cầu giảm nên đầu tư chung vào Việt Nam cũng giảm, đầu tư của người dân cũng giảm.

Ngay trong ngành nông nghiệp cũng phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp như dịch tả lợn châu Phi. Chúng ta mới có kiểm soát kiềm chế chứ chưa có vaccine, nếu bùng phát trở lại rất khó phát triển ngành chăn nuôi trong khi giá thịt lợn vẫn đang rất cao. Tình hình thiên tai diễn biến phức tạp khó lường, hiện đã bắt đầu vào mùa mưa bão. Tình hình cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới cũng ngày càng gay gắt…

“Tôi đề nghị tập trung tái cấu trúc ngành nông nghiệp, sản phẩm phụ thuộc vào thị trường nên tiếp tục rà soát để cập nhật hình hình và liên tục tái cấu trúc ngành và các sản phẩm, gắn với các thị trường trong nước và thế giới. Từ tái cấu trúc đó phải rà soát, bổ sung và lập mới các quy hoạch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường cho sản phẩm đi đôi với phát triển sản xuất gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và ứng phó với thiên tai. “Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ nút thắt để phát triển ngành, đặc biệt phải gỡ được thẻ vàng với thủy sản Việt Nam. Đề nghị Bộ tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ và thiết lập cơ chế, chính sách để phát triển ngành nông nghiệp. Về tình hình thiên tai diễn biến phức tạp nên tiếp tục quan tâm”.

Riêng với giải ngân đầu tư công, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ các nút thắt trong đầu tư công và đạt được mục tiêu đề ra, mục tiêu như Bộ báo cáo là giải ngân năm 2020 cố gắng đạt 94,7%.

Yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ: KH&ĐT, TN&MT, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp… để tháo gỡ các khó khăn về các thủ tục về đầu tư xây dựng. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc giải ngân đầu tư công trong nông nghiệp không chỉ Bộ NN&PTNT có trách nhiệm, mà tất cả các bộ có liên quan đều phải chịu trách nhiệm.

Kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2021-2026 là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đầu tư công cũng phải đạt 1,3-1,5 lần giai đoạn trước. Các địa phương tăng trưởng mạnh đều là đầu tư đi trước, nên trước tiên cần rà soát bổ sung các quy hoạch. Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các bộ liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn theo các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Đỗ Hương

Theo baochinhphu.vn