Giấc mơ metro ở Đông Nam Á: Bao giờ? Và như thế nào?

Thứ hai, 01/04/2019, 09:48 AM

Indonesia gia nhập vào nhóm có hệ thống giao thông hiện đại và hiệu quả ở Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia và Thái Lan khi khai trương nhánh metro đầu tiên ở Jakarta. Trong khi đó, Philippines đã khởi động cuộc đua hối hả để có được hệ thống metro chính xác và an toàn như của Nhật Bản vào năm 2025. Giấc mơ đó khi nào đến Việt Nam?

Trung tâm tài chính Makati của thủ đô Manila trong giờ cao điểm. Nạn kẹt xe gây thiệt hại 66 triệu USD mỗi ngày cho thành phố 13 triệu dân này. (Ảnh: Reuters).

Trung tâm tài chính Makati của thủ đô Manila trong giờ cao điểm. Nạn kẹt xe gây thiệt hại 66 triệu USD mỗi ngày cho thành phố 13 triệu dân này. (Ảnh: Reuters).

Metro Jakarta: Thành quả của giấc mơ 34 năm

Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên dài 15,6km chạy từ trung tâm thủ đô Jakarta đến phía nam của thành phố khổng lồ với 30 triệu dân. Đây là bước cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải mới nhất của quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới và một trong những nền kinh tế lớn thuộc nhóm G20.

Ý tưởng xây metro bắt đầu từ những năm 1980, nhưng dự án trì hoãn nhiều lần vì khó khăn về nguồn vốn và thu hồi đất. Khi ông Joko Widodo còn là Thống đốc Jakarta, ông đã quan tâm đặc biệt đến dự án. Ông tham vấn các chuyên gia và nhà tư vấn tại sao dự án bị ách tắc trong hơn 20 năm qua.

Ông đưa ra chính sách đặc biệt nhằm thu hồi đất dọc theo tuyến metro đầu tiên. Đây là vấn đề nan giải bởi giá đất cao và tình trạng sở hữu không rõ ràng. Vốn đầu tư cho toàn hệ thống là 2,6 tỷ USD được vay từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Chính quyền Jakarta sẽ trả 51%, chính phủ trung ương chịu phần còn lại.

Những nỗ lực của ông Widodo đã biến giấc mơ metro của Indonesia thành hiện thực. Tháng 10/2013, nhánh metro đầu tiên được khởi công. Sau hơn 5 năm xây dựng, thành phố đông dân nhất ở Đông Nam Á đã có được hệ thống tàu điện ngầm hiện đại. Phát biểu tại lễ khai trương, Tổng thống Widodo nói: “Khi còn là thống đốc Jakarta, tôi được các quan chức giải thích tại sao dự án bị đình hoãn trong 26 năm. Họ chỉ nói về lợi nhuận và tổn thất. Nếu chúng tôi không quyết tâm sẽ không có ngày hôm nay bởi họ chỉ lo cân đong đo đếm thiệt hại. Không có tổn hại nào bằng việc chúng tôi mất 65.000 tỷ rupiah (khoảng 4,6 tỷ USD) mỗi năm do kẹt xe”.

Nhánh đầu tiên của hệ thống metro Jakarta chạy từ 5h sáng đến tận khuya, giờ cao điểm cứ mỗi 5 phút sẽ có một chuyến khởi hành. Công ty điều hành dự báo nhánh đầu tiên sẽ phục vụ khoảng 180.000 lượt khách mỗi ngày, với giá vé tương đương 16.000-23.000 đồng lượt. Cũng trong ngày khai trương nhánh metro đầu tiên, Tổng thống Widodo cũng tuyên bố khởi công nhánh thứ hai chạy về hướng bắc dài 8,1km, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024-2025. Nhánh đông tây của hệ thống metro sẽ khởi công vào cuối năm 2025. Khi đó, toàn hệ thống có thể chuyên chở một triệu lượt khách mỗi ngày.

Thủ đô Jakarta nổi tiếng là một trong những thành phố tình trạng giao thông tệ nhất ở Đông Nam Á. Theo Bộ Giao thông Vận tải Indonesia, tốc độ trung bình trong giờ cao điểm ở Jakarta là 10km/h, một số khu vực phải mất hai tiếng đồng để di chuyển được 5 cây số. Trong khi đó, theo tính toán của Công ty tư vấn Boston Consulting Group và Uber, thời gian đi lại trong giờ cao điểm của Jakarta đã tăng trung bình 79%, cao hơn mức trung bình 67% của châu Á. Một khảo sát của hãng dầu nhớt Castrol, xe hơi ở Jarkata tắt và khởi động 33.240 lần trong một năm, tức 91 lần trong ngày - cao kỷ lục trong khu vực.

Nếu không giải quyết nạn kẹt xe, tổn thất có thể lên đến 6,5 tỷ USD trong năm tới - tăng 40% so với con số 4,6 tỷ!

Trên công trường xây dựng tuyến metro đầu tiên ở TP.HCM. (Ảnh: T.N)

Trên công trường xây dựng tuyến metro đầu tiên ở TP.HCM. (Ảnh: T.N)

Empty

Metro Manila: Đặt mục tiêu “chính xác từng giây, an toàn tuyệt đối”

Sau bốn thập kỷ chờ đợi kể từ lúc chỉ là ý tưởng phác thảo, lễ động thổ tuyến metro đầu tiên của thủ đô Manila diễn ra vào cuối tháng 2/2019. Tuyến metro có chiều dài tổng cộng 36km được xây dựng với tổng đầu tư 6,9 tỷ USD vay từ JICA có 18 trạm và dự định sẽ cắt giảm đáng kể thời gian đi từ phía bắc Manila đến sân bay quốc tế nằm ở phía nam thành phố. Tuyến metro này dự kiến sẽ hoàn thành trong sáu năm.

Cũng trong tháng 2, Philippines cũng khởi công tuyến đường sắt dài 38km nối Manila với vùng ngoại ô phía Bắc. Tuyến đường sắt Tutuban-Malolos có tổng đầu tư 2,6 tỷ USD cũng do JICA cấp vốn, dự kiến sẽ vươn tới khu căn cứ quân sự Clark đang chuyển đổi thành khu dân cư đô thị và đặc khu kinh tế.

Khu vực đô thị Greater Manila gồm 16 tiểu khu có dân số lên đến 13 triệu người. Mạng lưới giao thông công cộng già cỗi, không có nhiều lựa chọn và kém hiệu quả đã gây thiệt hại khoảng 66 triệu USD mỗi ngày đối với thành phố này. Theo khảo sát của JICA, thiệt hại sẽ tăng hơn 50% vào năm 2035 nếu Manila không giải quyết được tình trạng này.

Một hệ thống giao thông hiện đại có tổng vốn lên đến 22,4 tỷ USD sẽ lấy hệ thống metro Manila làm xương sống. Tổng thống Rodrigo Duterte xem đây là “một phần di sản” trong nhiệm kỳ của ông, vì thế, mô hình mẫu của hệ thống metro của thủ đô Tokyo, Nhật Bản sẽ được áp dụng. Công ty điều hành Tokyo Metro sẽ chịu trách nhiệm huấn luyện tài xế tại trung tâm đào tạo được xây dựng ở Manila. Các tài xế tàu điện ngầm có kinh nghiệm của Nhật Bản thậm chí sẽ được tuyển dụng làm việc tại Manila.

“Chính xác đến từng giây, tuyệt đối an toàn như hệ thống của người Nhật. Đó là điều chúng tôi muốn học hỏi” - Bộ trưởng Giao thông Arthur Tugade phát biểu.

Những hành khách đầu tiên của Metro Jakarta (Ảnh: NAR)

Những hành khách đầu tiên của Metro Jakarta (Ảnh: NAR)

Tổng thống Joko Widodo (áo đỏ) trên chuyến tàu đầu tiên của Metro Jakarta. (Ảnh: ABS-CBN)

Tổng thống Joko Widodo (áo đỏ) trên chuyến tàu đầu tiên của Metro Jakarta. (Ảnh: ABS-CBN)

Bao giờ giấc mơ Metro Vietnam?

Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB), nạn kẹt xe gây thiệt hại cho Hà Nội khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm, trong khi đó con số này tại TP.HCM là 1 tỷ USD. Điều này có nghĩa là chỉ cần metro hoạt động trong 1-2 năm, mục tiêu hoàn vốn sẽ chắc chắn đạt được!

Nhánh đầu tiên Cát Linh - Hà Đông thuộc hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội - với vốn vay từ Trung Quốc đưa vào hoạt động trễ hơn 4 năm so với dự định. Nhưng sau một thời gian chạy thử và đến ngày khai trương dự kiến vào tháng 4/2019, nhiều hạng mục vẫn còn chưa hoàn tất.

Trong khi đó, nhánh metro đầu tiên của mạng lưới tàu điện ngầm TP.HCM vay vốn từ JICA được khởi công từ tháng 3/2007. Tuyến này dự kiến sẽ khai trương cuối năm 2018 đã dời lại sang cuối năm 2020 - đầu năm 2021. Các lý do được nhà chức trách TP.HCM đưa ra là giải tỏa mặt bằng, đội vốn do thi công kéo dài, thành phố nợ nhà thầu...

“Chúng ta chưa có được sự quyết tâm của ông Thống đốc Jakarta. Giải quyết tốt yêu cầu của nhà thầu và các vấn đề nội bộ sẽ giúp metro của TP.HCM sớm đi vào hoạt động” - một nhà nghiên cứu thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore trả lời Báo Người Tiêu Dùng.

Nhưng liệu khi đã đi vào hoạt động, các hệ thống metro của Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của người dân bởi cả TP.HCM và Hà Nội dự định sẽ cấm hoàn toàn xe máy trong tương lai?

“Các thành phố Đông Nam Á luôn bị ám ảnh bởi nạn kẹt xe, hệ thống metro sẽ cung cấp trải nghiệm di chuyển tốt đẹp hơn. Nhưng các nhánh metro đầu tiên sẽ chưa hoàn thiện, xe máy và xe hơi vẫn là phương tiện đi lại chính yếu” - chuyên gia kinh tế vận tải Walter Theseira thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS) nói với Nikkei Asian Review.

Tuy nhiên cho dù các thành phố Đông Nam Á phát triển được mạng lưới giao thông công cộng hiện đại và tiện lợi như thủ đô London của Anh, nạn kẹt xe ở trung tâm vẫn là vấn đề nan giải. London đã phải giải quyết vấn nạn này bằng cách áp dụng phí bắt buộc đối với vùng kẹt xe.

“Các chính sách cấm phương tiện cá nhân và ngay cả phí vùng kẹt xe không thể áp dụng được cho đến khi mạng lưới vận tải có chất lượng và đủ năng lực hình thành” - Theseira kết luận.

Ngay cả khi xây xong các tuyến metro hiện đại và tốn kém, các thành phố châu Á vẫn cần thời gian để phát triển mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả, giúp người dân bỏ thói quen hay bớt sử dụng xe máy và xe hơi. (Ảnh: NAR).

Ngay cả khi xây xong các tuyến metro hiện đại và tốn kém, các thành phố châu Á vẫn cần thời gian để phát triển mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả, giúp người dân bỏ thói quen hay bớt sử dụng xe máy và xe hơi. (Ảnh: NAR).

Ricky Hồ

Theo NTD