Giá trị nông sản Việt còn thấp do chỉ xuất thô

Thứ tư, 18/12/2019, 10:35 AM

Chạy theo số lượng, chỉ xuất khẩu thô… là những đặc tính cố hữu khiến nông sản Việt mãi chưa thể gia tăng giá trị thương mại.

Những mặt trái của nông sản trong nước đã được các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra tại hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản, vì một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức tại TP.HCM ngày 17/12.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam - Hàn Quốc tại TP.HCM cho rằng: Nông dân và doanh nghiệp Việt Nam chú trọng số lượng, chỉ làm và xuất khẩu sản phẩm thô nên giá trị thương mại thấp. Ông nêu ví dụ, chỉ với nguyên liệu là củ khoai lang, doanh nghiệp ở Hàn Quốc chế biến được 15 sản phẩm, thậm chí có cả nước ngọt từ khoai lang, còn Việt Nam chỉ biết có luộc, nướng, sấy.

Do xuất khẩu chủ yếu ở dạng nguyên liệu, lại quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên nhiều mặt hàng nông sản luôn đối diện với rủi ro

Do xuất khẩu chủ yếu ở dạng nguyên liệu, lại quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên nhiều mặt hàng nông sản luôn đối diện với rủi ro

Ông Trung cho rằng, nông sản Việt có quá nhiều điểm hạn chế, chẳng hạn còn rất yếu về áp dụng công nghệ sinh học. Công nghiệp chế biến và chế biến sâu chưa được đầu tư khiến sản lượng gia tăng liên tục nhưng giá trị không cao. Nông dân bán thô, doanh nghiệp cũng chỉ sơ chế rồi xuất khẩu. “Cần khuyến khích sáng tạo sản phẩm mới từ những nguồn nguyên liệu đã có, chẳng hạn như tổ chức các cuộc thi” - ông Trung gợi ý.

Đại diện Hợp tác xã Làm nông minh bạch 007 - đơn vị từng đưa trái thanh long đi châu Âu từ 20 năm trước chia sẻ: rào cản lớn nhất với nông dân là vốn. Nông dân biết cách để bán được sản phẩm nhưng lại không có tiền để làm theo chuẩn. Có khá nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn, nhưng nông dân khó được cho vay. Do đó, cần minh bạch về chính sách, thủ tục. Đồng thời, cần thay đổi tư duy sản xuất để thích ứng với nhu cầu của thế giới. Chẳng hạn, thế giới có mô hình “thị trường tương lai”, “thị trường kỳ hạn”, nghĩa là đặt mua trước một năm, trong khi mô hình của chúng ta là sản xuất xong mới đi bán. 

Quốc Thái

Theo phunuonline.com.vn