Nông sản Việt trước làn sóng lấn át của nông sản Mỹ và EU
Nhiều loại nông sản Mỹ đang nhập mạnh về Việt Nam, đáng chú ý là giá rẻ hơn nhiều so với các năm trước. Sau khi ký hiệp định thương mại tự do với châu Âu, có thể đầu năm tới, Việt Nam sẽ còn nhập nhiều nông sản giá rẻ từ châu Âu. Hai tác động này có là mối lo với thị trường nông sản trong nước?
Sau hàng Mỹ, sẽ đến hàng EU...
Nông sản Mỹ nhập vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 tăng đột biến. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2019, hàng hóa từ Mỹ nhập vào Việt Nam trị giá 8,15 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức nhập khẩu hàng hóa cao nhất kể từ năm 2015 đến nay.
Theo các cơ quan quản lý, hàng Mỹ nhập vào Việt Nam tăng bất thường do Trung Quốc ngưng mua hàng Mỹ, lượng hàng này chuyển hướng đổ về Việt Nam. Do có giá khá thấp, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đã tăng mua hàng này.
Tính riêng mặt hàng tôm hùm, 6 tháng đầu năm, cả nước nhập hơn 100 tấn tôm hùm từ Mỹ, trị giá hơn 1,7 triệu USD. Tôm này đang được rao bán trên mạng với giá 500.000-1 triệu đồng/kg tùy loại, rẻ hơn nhiều so với tôm hùm trong nước.
Giai đoạn này, Việt Nam cũng nhập 62.400 tấn thịt gà các loại từ Mỹ với giá trị nhập khẩu đạt 48,6 triệu USD. Như vậy, tính bình quân, mỗi kg thịt gà nhập từ Mỹ về Việt Nam có giá chỉ khoảng 18.000 đồng/kg. Ngoài ra, mặt hàng thịt heo cũng được nhập hơn 8.000 tấn, giá nhập chỉ khoảng 23.000 đồng/kg, rẻ hơn vài lần thịt heo trong nước.
Các loại trái cây từ Mỹ hiện tại cũng có giá thấp hơn mọi năm, chẳng hạn như cherry hay táo Mỹ. Tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM), giá cherry loại nhỏ chỉ hơn 200.000 đồng/kg, loại lớn khoảng 350.000-400.000 đồng. Mức giá này chỉ bằng khoảng một nửa so với các năm trước.
Các loại nông sản trên đang phần nào tạo áp lực lên thị trường nông sản trong nước. Không chỉ vậy, nếu hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu được thông qua vào đầu năm sau, áp lực này sẽ tăng gấp đôi. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá nông sản ở nhiều nước châu Âu khá thấp, đó sẽ là nguy cơ nếu Việt Nam không củng cố thị trường tốt.
Nông sản Việt có bị lấn át?
Hiện tại, nông sản Mỹ giá rẻ đã ảnh hưởng phần nào đến thị trường nông sản trong nước của Việt Nam. Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, gà đông lạnh Mỹ nhập vào khiến giá gà trong nước giảm nhẹ. Đầu tháng 9/2019, giá gà lông trắng chỉ còn 22.000-23.000 đồng/kg, giảm nhẹ so với mức 27.000 đồng/kg của tháng trước đó. Người chăn nuôi nhỏ lẻ chắc chắn bị ảnh hưởng nhiều.
Đánh giá về vấn đề này, theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hãy còn quá sớm để nói gia súc gia cầm Mỹ nhập vào ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ của Việt Nam. Bởi vì mặt hàng này trong nước sản xuất tương đối nhiều, lượng nhập khẩu còn rất ít.
Ngoài ra, theo ông Dương, thịt gà và thịt heo nhập sang Việt Nam chỉ là loại thứ phẩm nên giá rẻ (thịt gà Mỹ bán sang Việt Nam cũng là chân đầu cánh, thịt heo thì bán chân giò, đầu...). Những phần ngon thật ra giá cũng cao chứ không rẻ. “Phần thịt ba chỉ, thịt thăn heo tại Mỹ có giá khoảng 7-8USD/kg (150.000-200.000 đồng/kg), chứ cũng không rẻ đâu” - ông nhận xét.
Về lâu dài, khi lượng nhập tăng lên, ông Dương cho rằng sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng trước mắt, đối với gà, ông khẳng định gà trong nước có chất lượng cao hơn gà Mỹ nên không sợ cạnh tranh. “Gà Việt nuôi thả vườn 3-4 tháng/lứa, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng. Do đó chất lượng hẳn phải cao hơn gà Mỹ chỉ nuôi 42 ngày” - ông Dương tự tin nói.
Ngoài ra, chất lượng thịt heo nhập khẩu cũng là vấn đề khó khiến hàng Việt thất thế. Thịt nhập chủ yếu là thịt đông, chất lượng không bằng thịt nóng (thịt tươi) trong nước. Ông Dương khuyến cáo, về thịt nhập, người tiêu dùng cần tỉnh táo để nhận biết đúng thịt chất lượng. Nếu không thì người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng cận đát (date) hoặc hết hạn sử dụng.
Đối với mặt hàng trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group cho biết, trái cây trong nước đang bị ảnh hưởng từ trái cây Mỹ giá rẻ, nhưng không nhiều. Giá cả trái cây Việt xưa nay đã ở mức thấp, khi hàng nhập tăng lên, giá trái cây Việt khó giảm thêm. Chủ yếu là do ảnh hưởng từ thị trường xuất khẩu. Hằng năm Việt Nam xuất trái cây sang Trung Quốc khoảng 70-80%.
Mấy tháng qua, do Trung Quốc siết điều kiện nhập khẩu và ưu tiên dùng hàng trong nước nên trái cây Việt xuất khẩu qua nước này bị tắc nghẽn một phần. Giá sầu riêng tại vườn đầu tháng 9/2019 có giá khoảng 45.000-50.000 đồng/kg, trong khi thời điểm này năm rồi có giá khoảng 80.000 đồng/kg, giảm gần 50%.
Từ nay đến cuối năm, dưới hai tác động trên, giá trái cây Việt không giảm quá đột biến. Ông Tùng cho rằng, người tiêu dùng trái cây nội địa đã quen với các phân khúc giá, trái cây Mỹ có vào cũng không thay đổi nhiều. Biến động giá chủ yếu phụ thuộc vào các chính sách nhập khẩu của Trung Quốc. Tình hình trước mắt cho thấy, trái cây Việt xuất khẩu đang gặp khó.
DƯƠNG NGUYỄN
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng