Giá tiêu hôm nay 13/5: Áp lực hàng tồn lớn, giá tiêu sẽ còn lao dốc

Chủ nhật, 13/05/2018, 07:59 AM

Dù giá hồ tiêu hiện đang ở mức thấp kỷ lục, nhưng theo nhận định của các cơ quan chức năng và nhà tiêu thụ, giá hiện nay vẫn chưa chạm đáy.

Theo ông William – Giám đốc Công ty Nedspice Việt Nam (một trong những nhà tiêu thụ hồ tiêu hàng đầu ở VN), nếu lượng hồ tiêu tồn đọng những năm qua chưa thể giải quyết, thì đừng mong giá quay đầu. Thậm chí, mức giá đang thấp kỷ lục hiện nay chưa phải là đáy, và sẽ còn thấp hơn.

Thu hoạch hồ tiêu tại Xuân Lộc, Đồng Nai

Thu hoạch hồ tiêu tại Xuân Lộc, Đồng Nai

Khi nào giá quay đầu?

“Nhiều người hỏi tôi khi nào gía tiêu quay đầu? Thật sự tôi không biết. Nhưng tôi có thể nói, khi nào lượng hồ tiêu còn tồn đọng thì sẽ còn tạo ra áp lực kéo giá xuống thấp nữa”, ông William chia sẻ.

Ông William cho biết thêm, nếu khủng hoảng giá tiêu giai đoạn 1990-1994 phải mất 4 năm để phục hồi giá, thì giai đoạn 2002-2007 phải mất 5 năm.

Theo ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), lượng tiêu tồn kho toàn thế giới từ năm 2016 chuyển sang 2017 đạt 86.000 tấn, từ 2017 chuyển sang 2018 lên tới 103.746 tấn. Lượng hàng tồn kho của VN hiện nay khoảng 160.000 tấn, đủ cung cấp 20% nhu cầu sử dụng của thế giới trong vòng 1 năm.

“Cộng thêm nguồn cung từ các nước sản xuất tiêu vẫn duy trì ổn định, như vậy cho dù VN có mất mùa thì nguồn cung toàn cầu năm 2018 vẫn sẽ cao hơn năm 2017 khoảng trên 30.000 tấn. Trong khi đó, lượng tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu chỉ tăng khoảng 2,6% mỗi năm, tương đương 10.000 - 12.000 tấn. Điều này sẽ tạo áp lực trực tiếp, khiến giá hồ tiêu khó có thể đi lên trong năm nay”, ông Hải đánh giá.

VPA cần nhanh chóng có những định hướng tích cực để củng cố hồ tiêu Việt Nam trên trường quốc tế.

VPA cần nhanh chóng có những định hướng tích cực để củng cố hồ tiêu Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo VPA, trong năm 2017, VN xuất khẩu được 215.081 tấn tiêu, tăng 20% so năm 2016 nhưng kim ngạch giảm đến 22,2%, chỉ đạt chưa tới 1,2 tỉ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, VN xuất khẩu 86.849 tấn, đạt 307 triệu USD, giảm 34%.

Chồng chất khó khăn…

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, việc giá tiêu rớt kỷ lục trong thời gian qua đã khiến tâm lý nhiều nông dân rơi vào bất ổn.

“Nông dân trồng tiêu đang rất lơ là với vườn tiêu khiến năng suất tiêu chỉ còn 1,6 tấn/ha”, bà Tuyết thông tin.

Đại diện Hiệp hội hồ tiêu Chưsê, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng chia sẻ cùng nỗi lo này. Các tỉnh này cho biết, đang xây dựng chuỗi gái trị sản xuất bền vững để nâng giá trị hồ tiêu, nhằm đẩy nhanh, đẩy mạnh tiêu thụ.

Theo ông William, đây là nỗi lo trước mắt. Về lâu dài hồ tiêu Việt Nam sẽ đối diện nỗi lo khác, đó là một số quốc gia nổi lên trong việc sản xuất hồ tiêu, như: Braxin, Campuchia. Các nước này sẽ là đối thủ tiềm tàng cạnh tranh mạnh với hồ tiêu Việt Nam.

Nông dân Đồng Nai chặt tiêu trồng chuối trước tình hình giá tiêu lao dốc

Nông dân Đồng Nai chặt tiêu trồng chuối trước tình hình giá tiêu lao dốc

“Diện tích hồ tiêu Braxin đang tăng nhanh, sản lượng lớn, chất lượng cao, chào giá thấp. Một số vùng của Braxin trồng tiêu theo chuẩn organic. Trong khi đó, những năm qua hồ tiêu Campuchia gây ấn tượng mạnh. Theo tôi, chỉ 4 hay 5 năm nữa nước này sẽ là nhà xuất khẩu hồ tiêu ở tốp đầu thế giới”, ông William đánh giá.

Trước những khó khăn này, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT quan ngại, hồ tiêu Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức, như: cung đang vượtc cầu, một số nước đang thực hiện chính sách bảo hộ, rào cản kỹ thuật khi nhập khẩu, các nước trồng tiêu nổi lên như những đối thủ đáng gờm…

“VPA cần nhanh chóng có những định hướng tích cực để củng cố hồ tiêu Việt Nam trên trường quốc tế, như: không mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, rà soát củng cố chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao năng lực chế biến hồ tiêu, xây dựng thương hiệu hồ tiêu quốc gia…”, ông Nam cho biết.

Trần Đáng

Theo Dân Việt

largeer