Giá gà rớt thảm, có đáng lo?

Thứ hai, 30/09/2019, 16:30 PM

Giá gà công nghiệp ở nhiều tỉnh miền Nam đang rớt xuống dưới mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Người nuôi đứng trước áp lực đóng chuồng vì thua lỗ.

Giá gà công nghiệp gà lông trắng ở nhiều tỉnh vùng Đông Nam bộ vào đầu tháng 9/2019 chỉ còn 11.000-13.000 đồng/kg, rẻ hơn rau.

Giá gà công nghiệp gà lông trắng ở nhiều tỉnh vùng Đông Nam bộ vào đầu tháng 9/2019 chỉ còn 11.000-13.000 đồng/kg, rẻ hơn rau.

Mỗi ký gà lỗ 10.000 đồng!

Giá gà công nghiệp ở nhiều tỉnh vùng Đông Nam bộ vào đầu tháng 9/2019 chỉ còn 11.000-13.000 đồng/kg đối với gà lông trắng. Trong khi, giá gà lương phượng dịp này giá cũng chỉ còn 30.000 đồng/kg. Tính ra, giá gà lông trắng ở thời điểm này rẻ hơn một số loại rau củ như dưa leo, bầu bí.

Theo một số doanh nghiệp chế biến và kinh doanh gia súc gia cầm, khoảng 1-2 tháng trước giá gà lông trắng còn ở mức 26.000-27.000 đồng/kg, gà lương phượng 35.000-40.000 đồng/kg. Nhưng từ đó đến nay, giá gà cứ rớt dần. Đáng nói là gà có trọng lượng trung bình 1-2kg/con thì khó bán, những con có trọng lượng lớn 3-4kg/con lại bán với giá rẻ hơn, buộc lỗ nhiều hơn.

Với mức giá trên, người nuôi gà lương phượng chưa lỗ, nhưng người nuôi gà lông trắng lỗ nặng. Chi phí nuôi cho mỗi kg gà đến xuất chuồng khoảng 23.000-25.000 đồng. Như vậy, mỗi con gà cỡ 2kg khiến người nuôi lỗ khoảng 20.000 đồng. Mỗi lứa xuất chuồng 10.000 con thì lỗ tròm trèm 200 triệu đồng.

Cung tăng + gà nhập rẻ = khủng hoảng!

Gà công nghiệp rớt giá có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, vào tháng 4/2019, khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã định hướng gia tăng thị phần thịt gà từ 20-21% khi ấy lên trên mức 25% và giảm thị phần thịt heo xuống. Đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm và gia súc ăn cỏ, nhưng không phát triển ồ ạt, tăng đàn tự phát, thiếu định hướng như thời gian qua.

Tuy nhiên, nguồn cung tăng ồ ạt khiến giá gà rớt thảm. Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, tổng đàn gia cầm của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Ở những vùng chăn nuôi lớn, số lượng đàn gà tăng đột biến. Tại Đồng Nai, tính đến giữa tháng 9/2019, tổng đàn gia cầm đạt gần 27 triệu con, trong đó gà gần 25 triệu con, tăng 17% so với tháng 4/2019 (lúc bùng phát dịch tả heo châu Phi).

Thứ hai, là do thịt gia cầm giá rẻ nhập về Việt Nam tăng đột biến. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu tới hơn 142.000 tấn thịt gà với giá trị 120 triệu USD, chủ yếu từ các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Brazil và Nga. Trong đó, Mỹ là nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất vào Việt Nam, với hơn 62.400 tấn, trị giá 48,6 triệu USD. Giá gà nhập (cánh, đùi, chân và gà xay) chỉ khoảng 17.000-22.000 đồng/kg. Giá này thấp hơn nhiều các sản phẩm cùng loại được bán trong các siêu thị trong nước, khoảng 35.000-70.000 đồng/kg.

Ngành chăn nuôi ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực lớn từ thị trường trong và ngoài nước.

Ngành chăn nuôi ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực lớn từ thị trường trong và ngoài nước.

Có đáng lo?

Gà giá rẻ nhập khẩu thật sự ảnh hưởng không nhỏ tới lượng tiêu thụ của gà công nghiệp trong nước. Đại diện Công ty Ba Huân cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh heo nên người tiêu dùng đang chuyển hướng sang dùng các loại thịt gia cầm, mức tiêu thụ của thịt gia cầm vừa qua tăng 20-30%. Thịt nhập giá rẻ có thể thu hút người tiêu dùng, khiến sức tiêu thụ của thịt gia cầm trong nước giảm.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, tổng đàn gà được chăn nuôi theo chuỗi hiện có khoảng 5 triệu con. Liên kết bền vững khiến các hộ nuôi ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng gà rớt giá, ảnh hưởng thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn lo ngại, các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể - đối tượng tiêu thụ thịt gà với số lượng lớn, vẫn ưu tiên chọn sản phẩm giá rẻ chứ chưa đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Điều này có thể ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ của gà trong nước.

Bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, giá gà nuôi trong chuỗi liên kết vẫn không giảm nhiều. Giá gà lông trắng do Ba Huân mua vẫn đang ở mức 23.000-25.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, thịt gà nhập hiện không theo quota, doanh nghiệp có đủ điều kiện thì nhập thôi. Chỉ có vấn đề là các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm soát chất lượng.

Theo ông Dương, ngành chăn nuôi ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực lớn từ thị trường. Do đó, doanh nghiệp chăn nuôi phải tăng cường tham gia vào chuỗi liên kết, đứng đầu phải là các doanh nghiệp và hợp tác xã. Cơ quan chức năng cũng không hỗ trợ bằng các hiệp hội được.

Các hộ chăn nuôi hiện nay phải chủ động liên kết cùng nhau, trước hết là tổ hợp tác (5-7 người cùng liên kết với nhau). Xa hơn phải tham gia hợp tác xã, vì doanh nghiệp chế biến quy mô lớn sẽ không đến từng hộ chăn nuôi thu mua. “Tham gia cuộc chơi chung giúp các hộ chăn nuôi phòng tránh dịch bệnh, kiểm soát nhu cầu thị trường cũng như có thể tăng giá bán” - ông Dương khuyến cáo và khẳng định không còn con đường nào khác.

Hoàng Yến

Theo NTD

largeer