Giá cà phê tăng cao, các công ty kinh doanh cà phê ra sao?

Thứ ba, 15/10/2024, 10:02 AM

Dù giá cà phê tăng kỷ lục, tình hình kinh doanh cà phê của các doanh nghiệp lại khác nhau đáng kể

Niên vụ cà phê 2024-2025 đã khởi động từ đầu tháng 10, với mức giá đầu vụ dao động từ 110.000 – 115.000 đồng/kg, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. 

Trước đó, niên vụ 2023-2024, nông dân đã có một mùa thu hoạch cà phê được giá nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lại không đồng đều.

Niên vụ cà phê 2024-2025 đã khởi động từ đầu tháng 10

Niên vụ cà phê 2024-2025 đã khởi động từ đầu tháng 10

Cà phê Thắng Lợi: Lãi gấp 7 lần kế hoạch cả năm

Công ty CP Cà phê Thắng Lợi (mã cổ phiếu CFV), một trong những doanh nghiệp cà phê lớn tại Đắk Lắk, đã có nửa đầu năm 2024 ghi nhận doanh thu thuần 265 tỉ đồng, giảm 32 tỉ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt đến 29 tỉ đồng, tăng gần 26 tỉ so với năm ngoái.

Riêng quý II/2024, Thắng Lợi chỉ đạt doanh thu 99 tỉ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỉ đồng, tăng vọt 1.571%. 

Theo ông Đỗ Hoàng Phúc, Chủ tịch HĐQT công ty, việc lợi nhuận tăng mạnh xuất phát từ giá cà phê trong nước tăng đột biến. Công ty đã tập trung thu mua cà phê trước khi bán ra, đồng thời tiết giảm chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Nhờ kết quả kinh doanh vượt trội, cổ phiếu CFV có hai phiên tăng trần liên tiếp và đạt mức 27.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 11-10.

Vinacafé Biên Hòa: Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm

Ngược lại, Công ty CP Vinacafé Biên Hòa (mã cổ phiếu VCF), nổi tiếng với các sản phẩm cà phê chế biến, lại ghi nhận tình trạng doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Vinacafé đạt 1.072 tỉ đồng, tăng 63 tỉ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ đạt 167 tỉ đồng, giảm 8 tỉ so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính được giải thích là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, không bù đắp được mức tăng của doanh số. Mặc dù vậy, cổ phiếu VCF vẫn giữ mức rất cao, đạt 213.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 11-10. Công ty cũng đã chi trả cổ tức 2023 với tỉ lệ 250% bằng tiền, tương đương 25.000 đồng/cổ phiếu.

Cà phê Phước An: Tăng doanh thu nhưng vẫn lỗ

 Công ty CP Cà phê Phước An (mã cổ phiếu CPA), một doanh nghiệp khác ở Đắk Lắk, đã ghi nhận tổng doanh thu gần 13 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng 66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ gần 2 tỉ đồng, dù chi phí lãi vay và quản lý đã giảm đáng kể.

Trong suốt năm qua, cổ phiếu CPA đều nằm dưới mệnh giá, có thời điểm giảm xuống còn 4.100 đồng/cổ phiếu vào tháng 10-2023, và hiện tại đã tăng lên 6.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 11-10.

Cà phê Gia Lai: Chưa có doanh thu chính, lỗ nặng

Công ty CP Cà phê Gia Lai (mã cổ phiếu FGL) báo lỗ gần 14,3 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024 sau soát xét. Nguyên nhân chủ yếu là do công ty chưa thu được doanh thu từ cà phê nhân xô, mặt hàng chính mang lại lợi nhuận. Thời gian thu hoạch cà phê của công ty chỉ bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12-2024, nghĩa là toàn bộ cà phê vụ trước đã được bán hết trong năm 2023.

Bên cạnh đó, chi phí quản lý và tài chính tăng cao, cộng thêm các chi phí khác liên quan đến việc phá bỏ các vườn cây kém hiệu quả, đã khiến tình hình kinh doanh của công ty thêm phần khó khăn.

Cà phê Pectec: Doanh thu lao dốc, lãi thấp

Công ty CP Cà phê Pectec (mã cổ phiếu PCF) cũng ghi nhận tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Trong quý I/2024, doanh thu của công ty chỉ đạt 10 tỉ đồng, so với 105 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 37 triệu đồng, giảm mạnh so với 202 triệu đồng cùng kỳ. 

Công ty đang gặp khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền lên đến hơn 6 tỉ đồng, dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.

Theo Ngọc Ánh (Người lao động)

largeer