Giá gạo, cà phê lao dốc

Thứ sáu, 04/10/2024, 09:37 AM

Hai mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá tăng nóng các tháng qua là gạo và cà phê đang giảm giá mạnh do tác động thị trường thế giới

Rạng sáng 4-10 (giờ Việt Nam), chốt phiên giao dịch cà phê Robusta trên sàn London (Anh), giá cà phê giao đồng loạt mất mốc 5.000 USD/tấn khi kỳ hạn giao tháng 11 chỉ còn 4.921 USD/tấn, giảm đến 190 USD/tấn. Như vậy, chỉ sau 2 phiên giao dịch, ở kỳ hạn này, cà phê đã giảm đến 524 USD/tấn. 

Ở kỳ hạn giao tháng 1-2025, cà phê Robusta cũng giảm 142 USD/tấn, còn 4.720 USD/tấn.

Ở thị trường trong nước, tính đến cuối ngày còn 116.600 đồng/kg (khoảng 4.778 USD/tấn), giảm 4.500 đồng so với ngày hôm trước.

Nguyên nhân khiến giá cà phê sụt giảm nhanh được cho là do Ủy ban châu Âu (EC) hoãn thực thi luật chống phá rừng (EUDR) khiến lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung cà phê đáp ứng tiêu chuẩn mới không còn, khiến giá cà phê hạ nhiệt.

Ngoài ra, Việt Nam đang bắt đầu thu hoạch cà phê với vụ mùa được dự báo là không mất sản lượng quá nhiều khiến cơn sốt giá cà phê giảm.

Năm qua, cà phê Việt Nam thiếu hàng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh phải "nghỉ" sớm. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi vẫn phải chi trả các chi phí cố định để vận hành.

Theo thống kê, cà phê là mặt hàng có mức tăng giá rất cao trong năm qua khi giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng năm 2024 ước đạt 3.897 USD/tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá gạo và cà phê đang lao dốc

Giá gạo và cà phê đang lao dốc

Với gạo, sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới quay trở lại thị trường gạo trắng thông dụng cùng giá sàn 490 USD/tấn ngày 28-9, giá gạo thế giới ở phân khúc này đã giảm mạnh.

Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu ngày 3-10 của Việt Nam là 539 USD/tấn, giảm 13 USD/tấn so với vài ngày trước; gạo Thái Lan 517 USD/tấn, giảm 11 USD/tấn; gạo Ấn Độ 492 USD/tấn. Như vậy, ở phân khúc này, giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới, giảm khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, phân khúc này Việt Nam không có nhiều hàng, ít áp lực bán ra.

Trên đây là mức giá tính tại cảng xuất khẩu (FOB). Do đó, nếu tính theo giá tại cảng nhập khẩu (CIF) như Indonesia thì giá gạo 5% tấm của các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới không chênh lệch nhau nhiều.

Theo Ngọc Ánh

largeer