FDI - “đầu tàu” kéo xuất khẩu Việt Nam

Thứ hai, 01/10/2018, 15:13 PM

30 năm qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ tác động đến cơ cấu kinh tế, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, mà còn góp phần lớn vào các thành tích xuất khẩu, dẫn dắt hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Samsung mang lại kim ngạch xuất khẩu 53,3 tỷ USD năm 2017, chiếm gần 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ảnh: Trần Việt Hưng

Samsung mang lại kim ngạch xuất khẩu 53,3 tỷ USD năm 2017, chiếm gần 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ảnh: Trần Việt Hưng

Đóng góp đáng ghi nhận

Trao đổi với báo giới gần đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, cho biết đến nay, tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng 320 tỷ USD, giải ngân thực tế 180 tỷ USD. Số vốn này đến từ gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là con số đóng góp đáng kể, thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam qua các thời kỳ, từ những giai đoạn đầu khi Việt Nam bắt đầu mở cửa cho đến những năm gần đây khi chúng ta tham gia sâu rộng vào thị trường khu vực, thế giới và chuỗi giá trị toàn cầu. Ở lĩnh vực xuất khẩu (XK), năm 2017, khu vực DN FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Chỉ riêng Samsung (Hàn Quốc) đã mang lại kim ngạch XK 53,3 tỷ USD, chiếm gần 24,9% tổng kim ngạch XK của Việt Nam năm 2017. Các số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm 2018, XK từ khối DN FDI tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam.

Về đóng góp của FDI với XK, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, nhận xét: “Dòng vốn này đã có những đóng góp quan trọng vào thúc đẩy XK của Việt Nam. Đây có thể coi là hiệu quả tích cực của FDI, thể hiện qua nhiều khía cạnh như: tăng trưởng XK cao; đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa thị trường XK”.

Ông Thắng phân tích, trước năm 2001, khu vực DN trong nước chiếm tới 79% kim ngạch XK cả nước, khu vực FDI chỉ chiếm 21%. Tuy nhiên, sau Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), XK của khu vực FDI đã tăng trưởng nhanh chóng và vượt các DN trong nước. Đến trước thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, XK của DN trong nước chỉ còn chiếm 63% tổng kim ngạch XK. Đến những năm gần đây thì kim ngạch XK hàng hóa của khu vực FDI đã dẫn dắt XK Việt Nam. “Điều này cho thấy cơ cấu sản xuất và XK đã chuyển dịch nghiêng hẳn về khu vực FDI”, ông Thắng nói.

Đồng tình với đánh giá này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cũng khẳng định: “Xét riêng góc độ XK, đóng góp của khối DN FDI là đáng ghi nhận”. 

Lợi ích kép từ thu hút FDI

Ông Trần Toàn Thắng cho biết, thực tế đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, có rất nhiều lợi ích từ việc thúc đẩy XK của các DN FDI. Trước tiên, các DN FDI tăng XK sẽ kéo được DN trong nước XK. Do DN FDI là người đứng ra khai phá thị trường mới, từ đó, thông tin về thị trường mới cũng nhiều hơn, góp phần kích thích DN trong nước phát triển sản xuất theo hướng XK hàng hóa. Thứ hai, các DN FDI tăng XK sẽ góp phần vào việc tạo dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam ở các thị trường mới. “Điều này làm cho hình ảnh của công nghiệp Việt Nam khác đi trong con mắt các nhà đầu tư, góp phần thu hút nhà đầu tư mới đổ vốn vào Việt Nam nhiều hơn, nhất là trong giai đoạn gần đây”, ông Thắng bình luận. Ba là, sự xuất hiện của các DN FDI tại Việt Nam đã tạo sức ép thúc đẩy cải cách về thể chế liên quan đến mở cửa thị trường, tạo thuận lợi thương mại. Những cải cách này không chỉ các DN FDI tại Việt Nam được hưởng lợi mà lan tỏa sang các DN trong nước.

Bên cạnh đó, việc DN FDI XK mạnh đã góp phần cân bằng cán cân thương mại và kiểm soát tỷ giá tốt hơn, góp phần ổn định sản xuất.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, sự đổ bộ của các hãng điện tử lớn trên thế giới như Sony, JVC, Toshiba, Panasonics… vào Việt Nam đã thúc đẩy các DN trong nước mạnh dạn đầu tư. Đặc biệt, mở cửa thu hút FDI đã mở ra cơ hội cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận để trở thành nhà cung cấp cho các hãng công nghệ cao này.

Báo cáo về ảnh hưởng của FDI tới nền kinh tế Việt Nam của Bộ KH&ĐT cũng chỉ rõ, khu vực FDI có tác động đáng kể đến chuyển dịch cơ cấu hàng XK.

XK của Việt Nam đã chuyển dần từ nặng về tài nguyên và nông sản thô sang tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo. Tỷ trọng hàng công nghiệp nhẹ đã tăng từ 33,9% năm 2000 lên mức 41,2% năm 2006 và duy trì ở mức gần 40% giai đoạn 2007 - 2015. Đồng thời, tỷ trọng hàng công nghiệp nặng (trừ khoáng sản) tăng từ 37,2% năm 2000 lên 42% năm 2015. Các mặt hàng XK với giá trị gia tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu XK của Việt Nam đều có sự đóng góp rất lớn của các DN FDI.

Việt Anh

Theo Baodauthau