Facebook bế tắc trước 'quyền được nói' của lãnh đạo thế giới
Facebook thất bại trong việc cân bằng quyền tự do ngôn luận của các nhà lãnh đạo và trách nhiệm đảm bảo lời lẽ thù hận không kích động bạo lực của nền tảng này .
Trong phán quyết được Ban Giám sát của Facebook đưa ra 5/5, cựu Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục bị cấm sử dụng nền tảng này.
Theo phán quyết, Facebook sẽ rà soát lệnh cấm đối với cựu Tổng thống Mỹ theo thời hạn 6 tháng/lần để đưa ra hình thức xử lý phù hợp. Cơ quan này nói thêm rằng Facebook cần làm nhiều hơn để chuẩn bị cho các tình huống chính trị đầy biến động.
Các chính sách của Facebook về vấn đề này có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nước khác.
Theo các đánh giá của Liên Hợp Quốc và nhiều cơ quan khác, lãnh đạo ở một số quốc gia đang sử dụng mạng xã hội để kích động thù địch hoặc lan truyền thông tin sai lệch.
"Facebook đã trở thành một phương tiện gần như không thể thiếu cho các cuộc thảo luận chính trị. Nó có trách nhiệm cho phép các cá nhân thể hiện quan điểm chính trị nhưng cũng tránh những rủi ro nghiêm trọng về quyền con người khác", phán quyết của Ban Giám sát nêu rõ.
Trong trường hợp của cựu Tổng thống Trump, ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị Facebook chặn tài khoản. Hồi tháng 3, Facebook khóa tài khoản cá nhân của Tổng thống Venezuela trong một tháng với lý do ông Nicolas Maduro phát tán thông tin sai lệch về COVID-19.
Chính quyền của ông Maduro gọi hình phạt này là "chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số".
Vì sự phổ biến của mình, Facebook tạo điều kiện thuận lợi để lãnh đạo các nước truyền tải thông điệp tới người dân của mình. Điều này hết sức quan trọng đối với hoạt động của các chính phủ. Tuy nhiên, chính sách kiểm soát các chính trị gia vi phạm quy tắc cũng như các phát biểu chính trị đã gây ra phản ứng dữ dội từ các chính phủ.
Nhiều người chỉ trích Facebook sẵn sàng bịt miệng những bất đồng chính kiến và không có bộ công cụ để đối phó với tình trạng nhiều chính phủ thao túng các ứng dụng của mạng xã hội này, bao gồm cả Instagram và WhatsApp.
Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Ấn Độ. Năm ngoái, không ít người dùng ở quốc gia Nam Á chỉ trích Facebook phản ứng chậm chạp trước những lời thù ghét nhắm vào cảnh sát và hành động khác của các chính trị gia đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền.
Chính phủ Ấn Độ cũng yêu cầu Facebook xóa các bài đăng chỉ trích cách xử lý đại dịch, bao gồm các tuyên bố của các nhà lập pháp địa phương.
Với trường hợp của Trump, trọng tâm trong phán quyết của ban giám sát Facebook là lời nhắn nhủ mọi người dùng, bao gồm cả ông Trump hiểu rõ về các hành động sẽ khiến họ bị cấm vĩnh viễn và các bước họ có thể thực hiện để đảm bảo việc khóa tài khoản tạm thời được dỡ bỏ.
Các công ước của Liên Hợp Quốc cho rằng tự do ngôn luận là quyền cơ bản. Facebook cam kết duy trì điều này trong một chính sách công ty được công bố vào tháng 3.
Nate Persily, giáo sư luật của Đại học Stanford cho rằng nếu các quyết định của Facebook tuân thủ nguyên tắc luật nhân quyền quốc tế, sẽ chẳng bao giờ có tài khoản nào bị cấm suốt đời.
Ban giám sát của Facebook từ chối khuyến nghị của một số ít thành viên cho rằng tài khoản của ông Trump không nên được khôi phục cho tới khi công ty xác nhận ông ngừng đưa ra các tuyên bố sai lệch về gian lận bầu cử.
Trong trường hợp khuyến nghị này được thông qua, ngày ông Trump trở lại Facebook có lẽ sẽ còn rất dài. Hồi đầu tuần, ông tiếp tục khẳng định mình chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 và gọi ông Biden là kẻ dối trá.
SONG HY
-
Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu
-
Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh
-
Chiếc ô tô huyền thoại của Toyota chỉ có giá hơn 700 triệu đồng, người Việt thèm muốn
-
Những mẫu xe mạnh nhất phân khúc SUV hạng C: Góp mặt toàn tên tuổi gạo cội, xe 'made in Việt Nam' vượt trội
-
ADB nhận định: Ngành công nghiệp sáng tạo số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương
-
Nhà mạng có tốc độ internet di động nhanh nhất Việt Nam