Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương: Tính thu phí trở lại
Đường xuống cấp cùng cảnh lộn xộn đủ loại xe chạy bát nháo khiến ùn tắc, tai nạn luôn chực chờ trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương
Ngày 15-8, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV - Bộ Giao thông Vận tải (đơn vị quản lý đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), cho biết sau 8 tháng dừng thu phí, ngoài lượng ôtô trên tuyến cao tốc này tăng đột biến thì tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông cũng gia tăng.
Bát nháo và nguy hiểm
Để xác tín thông tin của Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, trưa cùng ngày, chúng tôi chạy ôtô vào đường cao tốc theo hướng từ Tiền Giang đi TP HCM. Vừa vào đường cao tốc, chúng tôi bắt gặp ngay một xe máy đang "vô tư" lưu thông. Người đàn ông chạy xe máy khi gặp bảo vệ chạy ra chặn xe thì lập tức quay đầu, khiến nhiều ôtô phải thắng gấp để tránh.
Gây bức xúc hơn là khi càng tiến sâu vào đường cao tốc, chúng tôi chứng kiến càng nhiều cảnh lộn xộn với đủ loại xe lưu thông bát nháo. Trên cả chục km, chúng tôi chỉ có thể di chuyển với tốc độ chưa đến 50 km/giờ bởi liên tục bị các xe tải "so kè", chạy "là đà" phía trước, không cho xe sau vượt lên. Thậm chí, có trường hợp xe cứu thương dù hú còi ưu tiên xin đường vẫn không được nên phải bất chấp chạy vào làn dừng khẩn cấp mới có thể vượt lên...
Anh Trần Minh Tuấn, một tài xế chuyên lái xe đông lạnh hằng đêm từ Tiền Giang về Đồng Nai, ngao ngán nói hiện nay mỗi khi chạy lên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, anh phải mở camera điện thoại quay cảnh lưu thông để có bằng chứng khi bị CSGT thổi phạt do chạy chậm. "Muốn chạy nhanh hoặc ít nhất bằng tốc độ tối thiểu trên đường cao tốc này cũng khó bởi liên tục bị xe container, xe tải lớn phía trước không nhường đường. Vì vậy, trường hợp bị CSGT thổi phạt do chạy chậm mà không có bằng chứng nêu nguyên nhân khách quan như trên là lãnh đủ" - tài xế Tuấn nói.
Theo một CSGT làm nhiệm vụ trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, tuyến đường này hiện CSGT đang được tăng cường tuần tra, kiểm soát bởi liên tục xảy ra cảnh lộn xộn, ùn ứ. Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp xe chạy chậm, không bảo đảm tốc độ tối thiểu lại không dễ và hầu như chỉ phạt được vài xe đi đầu, còn xe phía sau nại lý do là bị xe trước "cản đường" nên không thể chạy nhanh. "Việc này dẫn đến tình trạng khi qua được các xe "cản đường" thì họ tăng tốc độ cao hơn; trong khi các xe nối đuôi nhau, không giữ khoảng cách an toàn nên rất nguy hiểm" - viên CSGT này vừa nói vừa dẫn chứng gần đây, có nhiều trường hợp tai nạn xe tông nhau liên hoàn.
Ủng hộ nhưng vẫn băn khoăn
Theo Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, hiện đường cao tốc TP HCM - Trung Lương mỗi ngày đêm có khoảng 50.000 xe lưu thông, tăng khoảng 30% so với thời gian còn thu phí. Ngoài tình trạng ùn ứ thường xảy ra, các vụ va chạm giao thông cũng nhiều hơn, đặc biệt do nhiều xe chạy chậm và dàn hàng ngang khiến những xe phía sau khi muốn vượt phải chuyển qua làn dừng khẩn cấp, càng đẩy nguy cơ gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng tăng cao. Chưa kể, hiện phần đường dẫn ở 2 đầu đường cao tốc phía Chợ Đệm (TP HCM) và Thân Cửu Nghĩa (tỉnh Tiền Giang) đã xuống cấp nghiêm trọng từ lúc ngưng thu phí. Từ thực trạng nêu trên, trong đề xuất thu phí trở lại, ông Nguyễn Văn Thành cho biết hiện đơn vị có báo cáo lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam và cơ quan này đang xây dựng phương án triển khai trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Là người thường xuyên chạy xe du lịch qua đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, tài xế Nguyễn Văn Lâm phản ánh trên tuyến đường này, từ lúc ngưng thu phí đã trở nên bát nháo với đủ loại xe tải, container..., lưu thông lộn xộn, mặt đường xuống cấp. "Tôi ủng hộ việc thu phí lại và có thể dùng khoản đó để đầu tư, cải tạo các công trình khác. Tuy nhiên, nếu thực hiện thì phải minh bạch các khoản thu chi" - tài xế Lâm bày tỏ.
Trong khi đó, trước đề xuất thu phí trở lại trên tuyến cao tốc này, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, vẫn băn khoăn vì cho rằng thời gian thu phí hoàn vốn đã hết, đồng nghĩa tuyến đường bàn giao cho nhà nước quản lý. Vì vậy, với tình trạng ùn ứ hoặc tai nạn tăng cao, trách nhiệm giải quyết là của cơ quan chức năng.
Tương tự, ông Thanh - chủ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở quận Bình Tân, TP HCM cũng cho rằng sau khi đường cao tốc này ngưng thu phí, lưu lượng xe, nhất là các loại xe container, tải nặng..., tăng cao. Tuy nhiên, do quy định tốc độ lớn nên với trường hợp xe chạy không bảo đảm đúng tốc độ tối thiểu, gây lộn xộn thì cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý. "Việc xử lý những trường hợp vi phạm tốc độ có thể thực hiện được bởi trên đường cao tốc ngoài hệ thống giám sát còn các lực lượng CSGT của TP HCM, Tiền Giang... Qua đó, cơ quan chức năng hoàn toàn chủ động phát hiện và có thể phạt nguội, tránh tình trạng đổ lỗi vì xe đầu chạy chậm khiến những xe phía sau không thể chạy nhanh" - ông Thanh phân tích.
Trục trặc hệ thống điều hành thông minh
Theo ông Nguyễn Văn Thành, hệ thống điều hành giao thông thông minh (ITS) trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương đang trục trặc và đơn vị đã có báo cáo lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam để gấp rút khôi phục, hoàn thiện.
"Ngoài ra, hệ thống ITS trên tuyến cao tốc này nếu có định hướng kết nối với đầu mối chung về công nghệ tại TP HCM thì rất phù hợp và hiệu quả trong việc quản lý giao thông" - ông Thành nói.
MINH SƠN - XUÂN GIANG
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội