Ngành da giày khó tận dụng “cao tốc” EVFTA
Theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), từ năm 2020 thuế xuất nhập khẩu các sản phẩm da giày vào châu Âu sẽ giảm ngay về mức 0%. Tuy nhiên, với tính chất gia công giống ngành dệt may, ngành da giày khó tận dụng cơ hội lớn này để bứt phá.
Xuất khẩu da giày đứng thứ 2 thế giới
Da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bên cạnh các ngành khác như dệt may, nông sản (cà phê, rau củ quả). Hiện Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về giá trị xuất khẩu da giày hằng năm, chỉ sau Trung Quốc, với sản lượng khoảng hơn 1 tỷ đôi các loại mỗi năm.
Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ. Lefaso dự báo, giá trị xuất khẩu gia giày trong năm 2019 sẽ tăng 10%, đạt khoảng 21,5 tỷ USD.
Trong năm 2019, ngành da giày tiếp tục hưởng được nhiều lợi thế về thị trường. Theo Lefaso, các tháng cuối năm 2019, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm da giày tại các thị trường xuất khẩu chủ lực (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) của Việt Nam vẫn tăng cao. Ngoài ra, Trung Quốc chủ trương giảm đầu tư trong lĩnh vực da giày nên các đơn hàng này sẽ tiếp tục chuyển sang Việt Nam, nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Kể từ đầu năm 2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực cũng giúp ngành da giày Việt mở rộng thị trường đáng kể.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận đầy đủ rằng, khá giống ngành dệt may, cơ cấu sản xuất trong ngành da giày lâu nay vẫn là gia công. Giá trị xuất khẩu ngành da giày hàng năm hiện do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đến gần 79%, doanh nghiệp Việt còn 21%. Giá trị này trừ đi chi phí nguyên phụ liệu nhập khẩu, chi phí sản xuất, thuế thu nhập doanh nghiệp và nhân công thì phần thặng dư còn lại không được bao nhiêu.
Thử nhìn vào đôi giày Nike xuất khẩu sang Mỹ được sản xuất tại Việt Nam để thấy rõ hơn. Trong mỗi đôi giày trị giá lên tới 100 USD của Nike, chỉ có khoảng 10 USD “ở lại” Việt Nam. Điều này phản ánh hai mặt của bức tranh xuất khẩu tại Việt Nam, với những sản phẩm trọng yếu như hàng dệt may và giày dép hướng tới thị trường Mỹ, nhưng ít mang lại giá trị gia tăng.
Kể từ đầu năm 2020, thuế xuất khẩu da giày vào thị trường châu Âu sẽ về ngay mức 0% nhờ EVFTA. Liệu điều này có giúp ngành da giày Việt bứt phá ngoạn mục?
Khó bứt phá từ EVFTA
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM (SLA) nhận xét, trước mắt, các doanh nghiệp da giày Việt Nam chưa thể tận dụng nhiều cơ hội từ EVFTA.
Theo ông Khánh, ký được EVFTA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ đã làm một con đường cao tốc cho các ngành. Nhưng e là ngành da giày sẽ yếu thế, không lên được đường cao tốc này để chạy đến khắp nơi trên thế giới. Lý do là mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp da giày hiện còn nhỏ quá. Kế đến là thiếu vốn và nguyên phụ liệu. Cái yếu cuối cùng và quan trọng nhất là công nghệ. Vì vậy, rất mong Thủ tướng sẽ hỗ trợ thêm cho ngành da giày để ngành có thể bứt phá.
“Chính tôi đang có nhiều đơn hàng lớn, đưa đối tác đến các doanh nghiệp tại TP.HCM tham quan và trao đổi. Tuy nhiên, các đối tác này đều chê các doanh nghiệp Việt mình nhỏ quá, không đáp ứng được nhu cầu đơn hàng của họ” - ông Khánh kể. Đối tác họ muốn lao động ít nhất phải có 250-300 người, mỗi đơn hàng phải đạt 1-2 triệu đôi. Các đối tác Đài Loan, Hồng Kông còn chê thì doanh nghiệp Việt khi gặp đối tác châu Âu còn khó hơn muôn phần.
Do chủ yếu gia công nên các doanh nghiệp da giày lộ điểm yếu chí tử là thương hiệu. Giày da Việt Nam hiện không có thương hiệu trên thế giới, mặc dù kim ngạch xuất khẩu đang đứng thứ 2 trên thế giới. Tại Việt Nam, có nhiều thương hiệu giày dép có tiếng như Vina Giày, Thượng Đình, Vũ Chầm, Biti’s… Tuy nhiên cũng chưa có đơn vị nào được thế giới biết đến thương hiệu, ngoài Vina Giày được biết chút ít nhờ xuất khẩu tại chỗ. Nhưng đơn vị này cũng chưa đủ năng lực xuất khẩu các đơn hàng lớn.
Theo ông Khánh, các doanh nghiệp sản xuất da giày nội địa tuy có hệ thống cửa hàng dày đặc trong nước, nhưng muốn nhảy sang khâu xuất khẩu lại rất khó bởi lẽ quy trình công nghệ để sản xuất hàng nội địa và xuất khẩu hoàn toàn khác nhau. Đó là chưa kể đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng nghiêm ngặt hơn nội địa rất nhiều. Do đó, chưa có doanh nghiệp da giày nào thành công ở nội địa chuyển hướng sang xuất khẩu cả.
Hiện nay, để các doanh nghiệp da giày trong nước bứt phá ngay thì rất khó. Về dài hạn, rất cần sự hỗ trợ của Thủ tướng và Chính phủ để các doanh nghiệp trong ngành nâng cao năng lực, nhất là vốn và công nghệ. Châu Âu vẫn là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt, thuế xuất khẩu hiện đang ở mức 8-9%. Theo ông Khánh, từ năm 2020, mức thuế này về 0% cũng đủ giúp doanh nghiệp có thêm một khoản lợi nhuận đáng kể. “Nhưng để sản xuất được các đơn hàng lớn hay có thương hiệu made in Vietnam thì còn một quãng đường khá xa” - ông nhấn mạnh.
Dương Nguyễn
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường