Đừng để sự lấp lánh của vàng non đánh lừa
Nắm bắt được nhu cầu làm đẹp của không ít người, nhiều trang mạng xã hội hoặc các trang thương mại điện tử đã xuất hiện các loại sản phẩm được cho là làm từ vàng non với mức giá vô cùng hợp lý.
Ngay lập tức các sản phẩm này đã thu hút được sự chú ý của nhiều người. Nhưng thực tế những sản phẩm như vậy có thực sự chất lượng hay không thì khó ai có thể khẳng định được…
Dễ như mua “vàng non”
Chỉ cần lên website gõ cụm từ “vàng non”, “vàng non 18K” sẽ có hàng ngàn shop online kinh doanh xuất hiện. Kèm theo đó là những lời mời chào mua nhẫn, dây chuyền, lắc tay… làm từ vàng non nhìn rất bắt mắt. Vậy là, khách hàng chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng là có thể mua một bộ dây chuyền hoặc vòng ximen rất bắt mắt mà người bán quảng cáo là trang sức vàng non.
Một trang bán sản phẩm nữ trang từ vàng non quảng cáo giá bán một bộ vòng ximen là 450.000 đồng, bộ dây chuyền cũng chỉ có giá 499.000 đồng, dây chuyền mặt hoa giá 499.000 đồng... Dù bán với giá khá rẻ nhưng chủ shop khẳng định sản phẩm được làm bằng vàng non nguyên chất, được bảo hành trọn đời. Thậm chí, nếu dùng một thời gian không thích nữa, có thể bán lại với giá bằng 60-80% giá mua ban đầu.
Với chủng loại phong phú, mẫu mã bắt mắt, những loại đá, ngọc có trên mỗi sản phẩm trang sức đều được quảng cáo là hàng cao cấp, giá lại tương đối rẻ nên hoạt động mua bán vàng trang sức trên chợ mạng luôn tấp nập. Đặc biệt, giao dịch mua bán tương đối đơn giản, khách đặt mua online có thể nhận hàng luôn trong ngày, hoặc nhận vàng sau vài ngày. Khi mua hàng, khách có thể thanh toán qua chuyển khoản hoặc trả tiền trực tiếp khi nhận hàng.
Thậm chí, như để khẳng định chất lượng sản phẩm mình bán ra, có những chủ shop trang sức còn livestream (quay clip trực tiếp) giới thiệu các mẫu sản phẩm vàng tây thấp tuổi 10K. Rồi quảng cáo nhân dịp khai trương thêm chi nhánh mới, cửa hàng sale mạnh tay giảm giá đối với những khách hàng mua từ 2 sản phẩm trở lên.
Không rõ thực hư việc buôn bán thế nào, nhưng ở những comment (bình luận) trên livestream đã có không ít người đặt mua trực tiếp các sản phẩm. Thậm chí, có người còn đặt mua tới 5 sản phẩm để tặng cho người thân sử dụng. Có thể thấy rõ ràng nhu cầu mua vàng non của nhiều người là có thật, nhưng vấn đề đặt ra là chất lượng các sản phẩm này đúng như những lời quảng cáo của các cửa hàng online hay không thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Khi tiền mất, tật mang…
Chị Tuyết ở quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Tôi thấy trên mạng bán nhiều loại trang sức vàng non rất đẹp. 1 chỉ vàng non có giá 600.000 đồng, rất rẻ so với giá vàng 4 số 9 đang được niêm yết trên thị trường. Người bán quảng cáo là vàng thật nhưng non tuổi nên rẻ. Thấy rẻ và đẹp nên tôi đã mua một bộ trang sức nhưng đeo một thời gian thì thấy vàng phai màu”.
Cũng rơi vào tình cảnh như chị Tuyết, chị Quỳnh Anh, nhân viên văn phòng tại quận Hai Bà Trưng than thở, chị đặt mua bộ sản phẩm qua mạng xã hội gồm nhẫn, dây chuyền, lắc tay với giá rẻ 450.000 đồng. Người bán hàng khẳng định, những sản phẩm này được làm bằng vàng non 10K. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, trang sức xỉn màu nên chị mang đến cửa hàng kinh doanh vàng hỏi thì được biết bộ sản phẩm trên là vàng giả, được làm bằng kim loại rẻ tiền, mạ crom. Chị Quỳnh Anh đành chấp nhận bị mất tiền. “Giá rẻ thật, chỉ vài ba trăm ngàn đồng một bộ nhưng chỉ là kim loại mạ vàng nên sau thời gian ngắn bị phai màu. Thậm chí loại trang sức này còn làm da mẩn đỏ, phồng rộp giống như bị dị ứng”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Theo chuyên gia uy tín trong ngành vàng bạc đá quý, trang sức vàng được nhiều người mua bởi nó không chỉ có giá trị trong việc làm đẹp, thể hiện đẳng cấp,... mà còn có giá trị tích lũy. Tuy nhiên, khi mua vàng trang sức trôi nổi hoặc ở những cửa hàng thiếu uy tín, khách hàng rất dễ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” vì mua phải hàng kém chất lượng, thiếu cân, thiếu tuổi, chế độ bảo hành không tốt, việc mua bán không minh bạch.
Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, theo luật sư Nguyễn Trọng Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Kinh doanh vàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, được sự quản lý của ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, để tránh rủi ro, người dân nên mua bán vàng tại các cửa hàng, đơn vị uy tín được cấp giấy phép kinh doanh. Bởi họ có chính sách thu mua, thu đổi, hậu mãi… rõ ràng, từ đó sẽ giúp người dân tránh được những rủi ro không đáng có.
Để tránh mắc bẫy các đối tượng lừa đảo, người dân không nên ham rẻ mà mua trang sức cũng như các mặt hàng đắt tiền qua mạng xã hội. Để mua sản phẩm bảo đảm chất lượng, mọi người nên mua tại các cơ sở uy tín, có địa chỉ rõ ràng, kinh doanh lâu năm. Nếu mua qua mạng nên lựa chọn những trang thương mại điện tử uy tín, có chủ sở hữu rõ ràng để có cơ sở giải quyết những vấn đề phát sinh.
Nguyễn Đăng
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm