Đồng Tháp tích cực đổi mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thứ tư, 04/09/2019, 09:53 AM

Là địa phương có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nông nghiệp như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản... Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn về định hướng phát triển, nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa. Hiện nay dưới sự lãnh đạo, định hướng của chính quyền địa phương, Đồng Tháp đã dần đổi mới và đi đầu trong đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp.

Mô hình cánh đồng lớn mang lại nhiều hiệu quả cho bà con nông dân địa phương. (Ảnh: Internet).

Mô hình cánh đồng lớn mang lại nhiều hiệu quả cho bà con nông dân địa phương. (Ảnh: Internet).

Nhiều mô hình hay

Việc tổ chức lại sản xuất, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống với quá nhiều hạn chế, rủi ro... sang phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một định hướng quan trọng ở Đồng Tháp. Thành công điển hình là huyện Tam Nông, huyện này đã định hướng sản xuất nông nghiệp từng bước phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng yêu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết quả là đã hình thành một số mô hình sản xuất khá nổi bật.

Một trong những mô hình nổi bật về nông nghiệp tại địa phương là mô hình “cánh đồng lớn” áp dụng từ năm 2017. Theo đó, Tam Nông mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo mô hình mẫu lớn đạt hơn 44.000ha với phương thức áp dụng cánh đồng một giống, xuống giống đồng loạt, trừ dịch hại và sâu bệnh một cách khoa học. Kết quả là giá thành sản xuất lúa gạo bình quân giảm 200 đồng/kg so với sản xuất nhỏ lẻ, lợi nhuận bình quân 21 triệu đồng/ha/vụ (tăng 2,8 triệu đồng so với sản xuất truyền thống); tổng lợi nhuận cho người nông dân tăng trên 50 tỷ đồng so với trước đây.

Tiếp nối thành công này, Đồng Tháp xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất cũng tại huyện Tam Nông. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 700ha được sản xuất tập trung với hình thức cho thuê dài hạn, trong đó có hộ dân sản xuất trên diện tích 120ha và 2 công ty thuê tổng diện tích 290ha. Các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp thuê đất sản xuất tập trung, cơ giới hóa các khâu canh tác, liên kết chặt chẽ trong việc tiêu thụ. Lợi nhuận thu được từ mô hình này là 35 triệu đồng/ha/vụ. Đây được xem là mô hình có triển vọng để người nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật định hướng sản xuất sản phẩm sạch, hữu cơ, phù hợp với thị trường.

Mô hình hội quán đánh dấu sự chủ động có tính sáng tạo của bà con nông dân. Đây là một không gian cộng đồng, là nơi hội tụ, trao đổi tâm tư, của bà con thôn xóm về công ăn việc làm, cùng chung trách nhiệm, bàn chuyện sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, thông tin về hàng hóa nông sản, trao đổi kinh nghiệm và hiến kế để vượt khó. Từ phạm vi một xã đã lan tỏa trên toàn huyện, rồi sang huyện bạn và toàn tỉnh. Từ một tổ chức tự nguyện, tự phát của những người nông dân, sau đó mô hình đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể quan tâm, có sự hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất, hướng dẫn, đổi mới từng bước về nội dung cũng như phương thức hoạt động.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, hiện nay tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng mô hình hội quán liên kết chia sẻ về kỹ thuật trồng trọt bảo đảm kích cỡ, màu sắc, hoa văn họa tiết nhằm hướng đến các sản phẩm vừa chất lượng ăn ngon và bắt mắt người tiêu dùng và định hướng xuất khẩu.

Sau 2 năm hình thành và phát triển, “hội quán” đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nông dân, là trung tâm kết nối cộng đồng, thể hiện tính chủ động, sáng tạo của người dân trong hoạt động sản xuất và đời sống, liên kết cùng phát triển, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống của người dân. Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có tới 58 “hội quán” với khoảng 3.000 hội viên.

Mô hình hội quán tại Đồng Tháp là trung tâm kết nối người dân trong việc trao đổi kinh nghiệm làm ăn và kết nối với lãnh đạo địa phương. (Ảnh: Internet).

Mô hình hội quán tại Đồng Tháp là trung tâm kết nối người dân trong việc trao đổi kinh nghiệm làm ăn và kết nối với lãnh đạo địa phương. (Ảnh: Internet).

Lãnh đạo sâu sát, định hướng phát triển đúng

Tỉnh ủy và HĐND, UBND tỉnh Đồng Tháp tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đột phá, trong đó có chủ trương hết sức cụ thể về việc phát triển công nghiệp, thương mại để hỗ trợ cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo đó, lĩnh vực chế biến thủy sản đã có 20 doanh nghiệp hoạt động tốt, công suất lên đến hàng triệu tấn/năm, thu hút 21.000 lao động, xuất khẩu thủy sản sang hơn 100 nước. Có 26 doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất hơn 3 triệu tấn/năm; 644 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lương thực để xuất khẩu gạo sang hơn 20 nước. Nhiều sản phẩm mới được chế tác từ phụ phẩm nông nghiệp được thị trường ưa chuộng và có giá trị cao như: Chả cá, dầu tinh luyện, collagen, dầu cám, thực phẩm chức năng, trái cây sấy, các loại trà và các sản phẩm từ thịt. Như vậy, có thể nói định hướng phát triển công nghiệp, thương mại để hỗ trợ nông nghiệp đã có kết quả rất tốt, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp xưa nay chủ yếu dựa vào thương lái dẫn đến tình trạng người dân làm nhưng chỉ dựa vào may rủi mùa vụ, còn thương lái dựa vào may rủi thị trường và không ít trường hợp thương lái ép giá nông dân. Vậy nên việc xây dựng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là chủ trương lớn và nhiệm vụ quan trọng mà Đồng Tháp đã đặt ra.

Đối với lúa gạo, từ năm 2015 đến nay, nhiều hợp tác xã trong huyện đã liên kết bao tiêu với nhiều doanh nghiệp, đem lại lợi nhuận cho nông dân từ 300-700 đồng/kg. Các doanh nghiệp đưa ra quy trình sản xuất, tạm ứng một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cam kết mua toàn bộ sản lượng nông sản đạt tiêu chuẩn. Đối với cá tra, phần lớn diện tích nuôi cá có sự liên kết giữa hộ nuôi với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng với các hình thức thiết thực nuôi gia công và nuôi có ký hợp đồng bao tiêu. Đối với cây ăn trái, tập trung là nhãn, chanh và thanh long..., nông dân liên kết tiêu thụ với Công ty VINA T&T xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ và đạt mức giá bán của nông dân từ 30.000-40.000 đồng/kg. Công ty VINECO và Công ty Viet Dela tiêu thụ chanh cho nông dân với giá bán ổn định. Công ty Thành Vũ và Công ty Vạn Phát liên kết tiêu thụ thanh long cho nông dân với giá cả ổn định, hợp lý, tạo đầu ra luôn ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thực tế cho thấy, hiện nay tỉnh Đồng Tháp đã có những chủ trương, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xác đáng và quyết tâm trong việc tổ chức triển khai thực hiện, lại được sự đồng thuận cao của nhân dân nên tạo ra một phong trào rộng khắp toàn tỉnh hướng tới những bước đột phá trong nông nghiệp.

Kim Ngọc

Theo NTD

largeer