Đồng Tháp: Hiệu quả từ mô hình tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thứ tư, 10/04/2019, 14:48 PM

Sau một thời gian triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp không chỉ quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì… mà còn chú trọng thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.

Nông dân Đồng Tháp đã chuyển biến từ nền nông nghiệp lấy sản lượng làm lợi nhuận sang hướng phát triển nông nghiệp chất lượng, hiện đại; Từng bước xây dựng được niềm tin với khách hàng từ các nông sản có chất lượng, minh bạch trong sản xuất thông qua các mô hình “vườn tôi, nhà mình”.

Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện, địa phương có hơn 9.600 ha diện tích trồng mặt hàng nông sản. Trong quý I/2019, mặt hàng xoài mang về cho tỉnh 575 tỷ đồng. Với khoảng 3.600 ha trồng xoài, huyện Cao Lãnh là địa phương sản xuất xoài lớn nhất tỉnh Đồng Tháp. 

Sau xoài, sản phẩm cam xoàn của nhà vườn ở vùng cù lao Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh cũng được giới thiệu ra thị trường với mô hình “Cây cam vườn tôi”. Với giá 4 triệu đồng/năm/cây, mỗi vụ 1 cây cam có thể cho sản lượng từ 80kg đến 100kg trái sạch giao cho khách hàng. 

Ông Phan Văn Thương- Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh cho biết: với sự hỗ trợ của công nghệ, nông dân không còn phó mặc cho thị trường, người sản xuất đã nghiên cứu, theo dõi thị trường nhiều hơn. Không chỉ ứng dụng công nghệ, người nông dân đã từng bước tạo lập kênh mua bán ngoài hình thức trao đổi truyền thống. Với cách làm này, chỉ cần một lần nhấp chuột, người tiêu dùng dù ở bất kỳ đâu cũng có thể sở hữu sản phẩm cam xoàn tận vườn, được giám sát quá trình chăm sóc, thu hoạch cam trên trang web.    

Chương Đài

Theo daidoanket.vn

largeer