Gia nhập CPTPP: Nông nghiệp ĐBSCL cần tận dụng lợi thế

Chủ nhật, 24/03/2019, 12:33 PM

Trước những thuận lợi từ Hiệp định CPTPP, nền nông nghiệp ĐBSCL cần làm gì để nắm bắt cơ hội mới?...

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: P.V

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: P.V

Tại hội nghị liên ngành triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, diễn ra ngày 21.3.2019 tại TP.Cần Thơ), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khẳng định: Các mặt hàng, sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, công nghiệp chế biến đều có cơ hội rất lớn thông qua việc cắt giảm thuế quan, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho việc thâm nhập thị trường. Các doanh nghiệp vùng ĐBSCL đang rất lợi thế tiếp cận thị trường CPTPP vì thị trường này nhắm đến các sản phẩm đặc biệt của nông nghiệp gồm chăn nuôi, trồng trọt và các mặt hàng chế biến nông sản, thủy sản…

Tuy nhiên, bên cạnh việc “hạ hàng rào thuế quan”, thì nông sản ĐBSCL sẽ phải đứng trước thử thách “hàng rào kỹ thuật”; bởi các quốc gia thành viên trong CPTPP đều là những quốc gia phát triển, với những yêu cầu khắt khe về nhập khẩu.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) - nêu thực trạng về việc các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở ĐBSCL gặp lúng túng vì không biết chứng minh xuất xứ hàng hóa như thế nào. Khi chứng minh xuất xứ, họ thường đưa hóa đơn VAT, nhưng thực chất hóa đơn đó chỉ thể hiện về tài chính trong giao dịch chứ chưa thể chứng minh xuất xứ cho sản phẩm, trong khi quy tắc xuất xứ là cơ sở để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Bà Lê Ngọc Diễn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thủy sản TP.Cần Thơ cho biết, Việt Nam đang đứng đầu về xuất khẩu tôm và một số mặt hàng thủy sản khác trong nhóm 11 quốc gia CPTPP. Khi vào nhóm, chúng ta được các nước trong khối hỗ trợ phát triển, để xuất khẩu tốt hơn. Vấn đề là các sản phẩm sản xuất phải đảm bảo không gây hại môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Còn theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Văn Công, CPTPP sẽ là tiền đề để Việt Nam mở rộng thị trường lúa gạo, gia tăng xuất khẩu. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nói riêng và ngành lúa gạo nói chung tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến rào cản kỹ thuật. Để tận dụng tốt cơ hội, trước mắt, các doanh nghiệp và ngành lúa gạo cần xây dựng chiến lược sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm bởi các nước thành viên của CPTPP là những nước phát triển, có những đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng.

Theo các chuyên gia, nền nông nghiệp ĐBSCL những năm qua đã có những bước tiến vượt bậc. Nhưng với đó, cũng còn không ít hạn chế, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải tái cơ cấu từng ngành hàng nâng cao năng lực cạnh tranh, để khai thác tốt thị trường CPTPP.

Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam thường có chi phí sản xuất cao hơn so với các nước phát triển. Các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức quản lý để hội nhập. “Chúng ta cũng còn phải đối mặt rất nhiều với những cạnh tranh gay gắt trong việc thực thi hiệp định. Phải đảm bảo có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trần Lưu

Theo laodong.vn