HLV Tuchel đập tan những tranh cãi ở đội tuyển Anh
Thuyền trưởng đội tuyển Anh Thomas Tuchel đã công bố đội hình cho vòng loại FIFA World Cup 2026 vào tháng 3 gặp Albania và Latvia với những tranh cãi về người mới, người cũ.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Đội tuyển Anh vừa thêm lớp sơn hào nhoáng cho trận đấu nhạt nhòa với một vài khoảnh khắc bùng nổ trong hiệp hai trước Latvia vào sáng 25-3, nhưng đừng ảo tưởng rằng đây là khởi đầu của một cuộc cách mạng.
HLV Thomas Tuchel được kỳ vọng phải mang đến cho đội tuyển Anh một cơn lốc, nhưng cho đến giờ, ông mới chỉ như làn gió nhẹ. Đây vẫn là những ngày đầu trong nhiệm kỳ của ông thầy người Đức, và nhìn chung, rất ít thay đổi so với giai đoạn cuối đầy trì trệ dưới thời tiền nhiệm Gareth Southgate.
Tuchel đi vào dấu xe đổ của Southgate
Đội tuyển Anh đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng FIFA thi đấu nhạt nhòa, rề rà và chật vật để vượt qua một đối thủ Latvia có vị trí 140 thế giới, thua cả tuyển Việt Nam. Thậm chí, Latvia còn có cơ hội mở tỷ số trong hiệp một nếu không vì khả năng dứt điểm kém cỏi.
Chiến thắng 3-0 không phải là không xứng đáng với sự kiểm soát cuộc chơi mà người Anh thể hiện, nhưng nếu nói rằng họ thi đấu thuyết phục thì là một sự cường điệu. Tuần trước, khi được hỏi điều gì đã thiếu dưới thời HLV Southgate, người kế nhiệm Tuchel không ngần ngại chỉ ra: bản sắc, sự rõ ràng, nhịp điệu, tự do và tính biểu đạt.
Có lẽ giờ đây Tuchel đang bắt đầu hối hận với những lời chỉ trích đó, bởi chính đội bóng của ông cũng mắc phải y nguyên những vấn đề như vậy trong trận gặp Latvia. Dĩ nhiên, cũng có vài dấu hiệu tích cực. Marcus Rashford đã tiếp thu chỉ trích từ Tuchel sau trận đấu với Albania và biến nó thành động lực, liên tục khuấy đảo bên cánh trái và tạo ra hàng loạt cơ hội. Myles Lewis-Skelly tiếp tục gây ấn tượng, còn Eberechi Eze để lại dấu ấn rõ nét khi vào sân từ ghế dự bị trong hiệp hai.
Tuy nhiên, màn trình diễn của đội tuyển Anh cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Jude Bellingham chơi dưới sức và suýt bị truất quyền thi đấu. Marc Guehi tỏ ra chông chênh ở trung tâm hàng thủ, trong khi Jarrod Bowen mờ nhạt bên hành lang phải. Bầu không khí sôi sục đầu trận nhanh chóng tan biến trong sự tẻ nhạt.
Ấn tượng duy nhất trong hiệp một là siêu phẩm đá phạt của Reece James. Còn lại, khán giả chỉ còn biết tung máy bay giấy, làm sóng người và chờ đợi điều gì đó bớt tẻ nhạt hơn.
HLV Tuchel đã sử dụng xong một trong sáu đợt tập trung trước thềm World Cup tại Mexico, Mỹ, Canada vào năm sau. Chỉ còn năm đợt nữa để ông tạo dấu ấn. Và điều đó, rốt cuộc, chính là lý do ông quyết định không nhận việc cho đến tháng 1, để tạo hiệu ứng ngay lập tức. Nhưng rõ ràng nó chưa xảy ra.
Chiến thắng nhạt nhòa
Đội tuyển Anh toàn thắng hai trận, và nên nhớ, chiến thắng chưa bao giờ là vấn đề dưới thời Southgate. Với Tuchel, người Anh phải thắng một cách thuyết phục. Cho đến nay, người ta chưa thấy dấu hiệu nào của điều đó. Và có thể, giới hâm mộ sẽ sớm quay lại câu hỏi: liệu vấn đề nằm ở HLV hay thực sự là ở thế hệ vàng hiện tại của tuyển Anh?
HLV Tuchel đã trao cơ hội đá chính đầu tiên kể từ năm 2022 cho Reece James – cầu thủ mà ông luôn đánh giá cao từ thời dẫn dắt Chelsea – nhưng một trong những pha bóng đầu tiên của James khiến Tuchel phải ôm đầu thất vọng. James va chạm mạnh với Andrejs Ciganiks khi tranh chấp bóng bổng, khiến hậu vệ Latvia nằm sân. Rất may, Ciganiks nhanh chóng đứng dậy, và James thoát thẻ đỏ trong gang tấc.
Sau 20 phút thi đấu nhạt nhòa, Latvia suýt nữa đã mở tỷ số. Một pha bóng tưởng như vô hại khi Roberts Savalnieks chuyền dài lên phía trước, nhưng sự thiếu ăn ý giữa Guehi và Pickford khiến bóng rơi đúng vào chân Vladislavs Gutkovskis trước khung thành trống. Tuy nhiên, cú sút của anh chỉ tìm đến mép lưới. Cú sốc đó như một hồi chuông cảnh tỉnh với tuyển Anh.
Rashford ngã trong vòng cấm nhưng trọng tài xác định anh đã chủ động đổ người trước khi bị tác động. Sau đó, một pha đánh đầu của Bellingham vô tình dội trúng Rashford, trước khi Ezri Konsa tung cú sút cực mạnh buộc thủ môn Krisjanis Zviedris phải trổ tài cản phá ở cự ly gần, một trong những pha cứu thua xuất sắc nhất sân vận động Wembley này trong nhiều năm.
Latvia tiếp tục thoát hiểm sau một tình huống gây tranh cãi khác, khi Zviedris bắt hụt bóng từ pha phạt góc và dường như phạm lỗi với Bowen. VAR xem xét khá lâu nhưng từ chối cho Anh hưởng phạt đền. Dù vậy, đội tuyển Anh tỏ ra nguy hiểm ở các tình huống cố định, và họ có khá nhiều cơ hội từ đó. Phút 37, cuối cùng bàn thắng cũng đến – và đó là một tuyệt phẩm. Được hưởng quả đá phạt sát vòng cấm, James nhẹ nhàng đưa bóng vượt hàng rào, xoáy thẳng vào góc cao khung thành. Một bàn thắng đẳng cấp khiến khán đài nổ tung.
Nhưng sau đó, tuyển Anh lại rơi vào trạng thái ngủ quên. Guehi trượt chân khi cố chặn đường chuyền, tạo điều kiện để Alvis Jaunzems tung cú sút khiến Pickford phải vất vả cản phá. Ngay đầu hiệp hai, Bellingham – người đã nhận thẻ vàng trước đó – suýt nữa phải nhận thẻ thứ hai sau pha vào bóng nguy hiểm với Raivis Jurkovskis. Trọng tài tha thứ, nhưng đó là khoảnh khắc khiến nhiều người thót tim.
Đến phút 60, Bellingham đỡ bóng khéo léo từ đường chuyền căng của Lewis-Skelly rồi chuyền cho Kane, nhưng cú cứa lòng bằng chân trái của đội trưởng tuyển Anh lại đi chệch cột dọc trong gang tấc. Chỉ một phút sau khi Bellingham bị rút ra nghỉ, và khi khán giả bắt đầu tỏ ra chán nản, đội tuyển Anh mới bất ngờ tăng tốc và có bàn nhân đôi cách biệt.
Morgan Rogers chuyền khe tinh tế cho Declan Rice băng lên bên cánh phải, và Rice căng ngang cho Kane dứt điểm cận thành, nâng số bàn thắng của anh cho đội tuyển Anh lên con số 71. Bàn thứ ba đến ở phút 75 – một khoảnh khắc xuất thần của Eze. Anh bứt tốc bên cánh trái, cắt vào trong rồi dứt điểm, bóng đập chân Antonijs Cernomordijs đổi hướng khiến thủ môn Zviedris hoàn toàn bị đánh lừa.
Một chiến thắng. Nhưng không có sự phấn khích. Và càng chưa có tín hiệu của một cuộc lột xác.