Doanh nghiệp Việt có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang châu Phi

Thứ tư, 13/04/2022, 15:18 PM

Châu Phi là thị trường có nhu cầu lớn với nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; nguồn lao động và tài nguyên dồi dào nên thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực thương mại.

Tại buổi tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nigeria do Bộ Công thương và Thương vụ Việt Nam tại Nigeria tổ chức vừa qua, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria cho biết, đây hiện là thị trường có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như gạo, dệt may...

Đặc biệt, Nigeria là thị trường có khả năng tiêu thụ thủy sản rất lớn, đặc biệt là cá thu. Trung bình, nhu cầu của thị trường này là 1,9 triệu tấn/năm, trị giá nhập khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2019 – 2021, Việt Nam xuất khẩu hàng thủy sản sang Nigeria trung bình ước đạt 900.000 USD/năm. Trong khi đó, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 200.000 USD/năm.

3558_chauphi

Thị trường châu Phi rất giàu tiềm năng cho hàng Việt Nam. Ảnh minh họa: Atalayar.com

Không chỉ Nigeria, các quốc gia châu Phi nói chung là thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng cho hàng Việt Nam.

Trong cuộc hội thảo trực tuyến xúc tiến thương mại sang thị trường châu Phi do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức hồi tháng 7 năm ngoái, bà Đỗ Phương Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi cho hay, từ năm 2017 đến hết năm 2021 Việt Nam gần như xuất siêu tuyệt đối sang thị trường châu Phi. Trong đó, Nam Phi là thị trường xuất khẩu chính với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 835 triệu USD, tiếp đến là Ai Cập, Gana, Bờ Biển Ngà…

Theo bà Nguyễn Minh Phương, nhiều yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư sản xuất và xuất khẩu sang thị trường khối châu Phi. Hơn nữa, Việt Nam và các nước trong khối đã có quan hệ hợp tác kinh tế. Hiện đã có chuyên gia Việt Nam sang các nước châu Phi hỗ trợ phát triển trong một số lĩnh vực.

Châu Phi cũng là thị trường có nhu cầu lớn với nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; nguồn lao động và tài nguyên dồi dào nên thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực thương mại.

Mặt hàng gạo chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 54 nước châu Phi với dân số 1,3 tỷ người. Không chỉ mặt hàng gạo, châu Phi cũng có nhu cầu lớn về mặt hàng cà phê và hạt tiêu. Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận, hiện Việt Nam là 1 trong 5 nước cung ứng cà phê chủ lực cho châu Phi, riêng thị trường Algeria cà phê Việt Nam luôn chiếm 50% thị phần.

Ngoài xuất khẩu thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam như Trung Nguyên, King Coffee cũng được quan tâm nhiều nước châu Phi. Ngoài cà phê, hạt tiêu, những mặt hàng vật liệu xây dựng, vải, sợi, giày dép chất lượng cao, giá rẻ cũng đã được người tiêu dùng địa phương tiêu thụ.

Đặc biệt, các nước châu Phi không quá khắt khe về chất lượng đối với mặt hàng nhập khẩu. Vì lẽ đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi ngày càng đa dạng.

Dù vậy, các chuyên gia cũng như đại diện thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia châu Phi đã nhiều lần khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong giao thương với đối tác châu Phi bởi tình trạng lừa đảo trong giao dịch đã xảy ra.

Theo đó, đối tượng chấp nhận bất cứ giá chào hàng nhập khẩu nào từ doanh nghiệp Việt Nam, hoặc đối tượng chào hàng xuất khẩu sang Việt Nam với giá thấp sau đó yêu cầu trả 1 khoản phí, đặt cọc rồi chiếm dụng…

Một thủ đoạn khác, đối tượng lừa đảo thường ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam; thực hiện giao dịch từ 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm tốt nhằm tạo ra sự tin tưởng.

Thế nhưng, từ hợp đồng thứ ba, đối tượng yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này và không giao hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán khi hầu hết các nước khu vực Tây Phi sử dụng hình thức thanh toán có độ rủi ro nhất định như T/T, D/A, D/P.

Bởi vậy, việc thẩm tra, xác minh kỹ đối tác là cần thiết để tránh rủi ro khi ký hợp đồng xuất khẩu - nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng nên áp dụng hình thức thanh toán thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (L/C).

Trước thực tế trên, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria khuyến cáo các trường hợp thanh toán theo hình thức đặt cọc, doanh nghiệp nên yêu cầu đối tác đặt cọc từ 30-50% giá trị đối với các đơn hàng mới và lần đầu. Đặc biệt, doanh nghiệp không nên chuyển tiền với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị như phí môi giới, phí luật sư...

Minh Thái

Theo thoidai.com.vn

largeer