Xuất khẩu sang châu Phi còn nhiều dư địa phát triển

Thứ hai, 24/06/2019, 10:28 AM

Thị trường châu Phi với 1,3 tỷ dân cùng nhu cầu sử dụng nông sản liên tục gia tăng là tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp Việt.

Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á-Châu Phi công bố thông tin về thị trường châu Phi cho các doanh nghiệp nắm. Ảnh: Kim Ngọc

Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á-Châu Phi công bố thông tin về thị trường châu Phi cho các doanh nghiệp nắm. Ảnh: Kim Ngọc

Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-châu Phi năm 2018 đạt 6,6 tỷ USD. Hiện nay Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu là các mặt hàng nông sản như: gạo, thủy sản, cà phê, tiêu và còn nhiều mặt hàng như sắt, thép, linh phụ kiện điện tử.

Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ khu vực châu Phi các mặt hàng như: dầu thô, dầu Diesel, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, phân bón, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày; hàng nguyên liệu thô như điều thô, bông, gỗ, đồng, quặng, thức ăn gia súc... phục vụ các ngành công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu.

Năm 2018, hàng hóa Việt Nam đã xuất sang 53/55 nước tại khu vực châu Phi (trừ Nam Sudan và Eriteria). Trong đó các thị trường có kim ngạch trên 100 triệu USD bao gồm: Nam Phi, Ai Cập, Ghana, Algeria, Bờ Biển Ngà, Togo, Nigeria.

Theo số liệu Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), 5 thị trường châu Phi nhập hàng Việt Nam lớn nhất năm 2018 là Nam Phi, Ai Cập, Ghana, Algeria, Bờ Biển Ngà.

Nhiều năm qua, Nam Phi luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Phi. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi 724,3 triệu USD, giảm nhẹ 3,6% so với năm 2017. Ai Cập tiếp tục giữ vị trí là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực châu Phi với kim ngạch xuất khẩu khoảng 439 triệu USD, tăng 36,6% so với năm 2017. Ghana là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sang châu Phi trong năm 2018, đạt kim ngạch 278,3 triệu USD, tăng 3,7% so với năm 2017.

Hiện nay có 45/55 nước châu Phi đã tham gia WTO, vì vậy, các nước này đã dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào thị trường. Đặc biệt, các nước châu Phi đa phần là các quốc gia đang phát triển nên không có quá nhiều yêu cầu gắt gao về chất lượng, hình thức hàng hóa.

Tuy nhiên, không vì thế mà các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta không gặp khó khăn. Vì đa phần người dân châu Phi theo đạo Hồi, cụ thể phải đạt các tiêu chuẩn Halal với các yêu cầu về chất lượng, giấy chứng nhận, bộ chứng từ… Bên cạnh đó, các vấn đề bất ổn về an ninh, chính trị, văn hóa, các rủi ro về thanh toán, thiếu thông tin thị trường đang là những rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt khi đưa hàng hóa sang thị trường này.

Kim Ngọc

Theo PLN

largeer