Doanh nghiệp và người dân đều khổ vì giá điện tăng!

Thứ hai, 01/04/2019, 09:59 AM

Điện chiếm một phần không nhỏ trong chi phí sản xuất, nên giá điện tăng thì giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng. Đáng nói, cả năm 2018 không tăng, bất ngờ đầu tháng 3/2019 điện tăng giá tới 8,36% mà không có lộ trình, khiến nhiều doanh nghiệp “trở tay không kịp”, người dân thì kêu trời.

Việc tăng giá điện dù có lộ trình nhưng vẫn chưa uyển chuyển.

Việc tăng giá điện dù có lộ trình nhưng vẫn chưa uyển chuyển.

Doanh nghiệp kêu khó

Chia sẻ với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng về thông tin giá điện tăng từ ngày 20/3 vừa qua, ông Ưng Thế Lãm - Chủ tịch HĐQT HTX Nông Minh Bạch cho biết, giá điện tăng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Giá điện tăng cao sẽ khiến chi phí sản xuất, chi phí quản lý... tăng, buộc chủ doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm khi đưa ra thị trường để bảo đảm lợi nhuận và người chịu thiệt sau cùng vẫn là người tiêu dùng” - ông Lãm nhấn mạnh.

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất da giày tại TP.HCM (xin giấu tên) bức xúc, việc tăng giá điện đột ngột khiến các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp không lường trước khoản chi phí tăng lên do điện tăng. Là doanh nghiệp sản xuất chủ yếu dùng máy móc, thiết bị... với các hợp đồng, đơn hàng đã ký từ cuối năm 2018 đầu 2019 - lúc chưa có quyết định tăng giá điện, khiến doanh nghiệp này chịu lỗ hàng chục tỷ đồng.

Cũng gặp không ít khó khăn, ông Lê Quang Doãn, Giám đốc Công ty Minh Diệu đã cho sắp xếp lại lịch làm việc của lao động, hạn chế làm vào giờ cao điểm và tăng ca. Ông cho biết, điều này ảnh hưởng đến tiến trình hoàn tất đơn hàng nhưng vẫn phải điều tiết như thế để bảo đảm doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đó không chỉ là cách ứng phó tạm thời của riêng ông Doãn mà hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng áp dụng các biện pháp tương tự.

Empty
Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống.

Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống.

Người thu nhập thấp kêu trời!

Rất nhiều sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng... khi được hỏi về việc giá điện tăng đều tỏ ra bất bình, ngán ngẩm. Theo họ, bình thường giá điện đã “bị” chủ nhà trọ đẩy lên cao gấp 2, 3 lần giá điện Nhà nước, giờ đây còn có nguy cơ tăng cao, trước áp lực tăng giá điện tiêu dùng.

Anh Vũ Phi Hùng (nhân viên văn phòng, ngụ quận 9, TP.HCM) than: “Thu nhập trung bình một tháng của tôi tầm 8 triệu đồng. Tôi thuê một căn phòng trọ 20m2 với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền nhà, cộng tiền điện nước các thứ, mỗi tháng tôi phải đóng gần 2 triệu đồng cho chủ nhà. Trong đó, tiền điện thuộc dạng cao nhất, chủ nhà tính 3.000 đồng/kWh, trung bình mỗi tháng tôi phải đóng 200 ngàn đồng tiền điện dù không dùng gì nhiều”.

Anh Hùng, anh Lê Quốc Tuấn (sinh viên đại học, quận 7, TP.HCM) cho biết: “Tiền nhà vốn đã quá tầm với sinh viên, lại còn tiền điện mỗi tháng gần 200 ngàn đồng. Chủ nhà tính giá điện cho phòng em là 3.500 đồng/kWh. Thực sự tiền bố mẹ cho hay tụi em làm thêm bù vào tiền nhà, tiền điện mỗi tháng thì tụi em phải co kéo lắm mới đủ trang trải”.

Trong khi đó, khi được hỏi về vấn đề tăng giá điện, ông Thái Bá Phong (quản lý nhà trọ khu vực quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Mỗi phòng tôi tính tiền điện 3.000 đồng/kWh. Nay Nhà nước tăng giá, nhưng tôi vẫn giữ nguyên giá chứ chưa tăng để xem động thái tiếp theo như thế nào, vì cũng nghe mấy bạn thuê trọ than quá”.

Các doanh nghiệp cần tiến hành cải tiến máy móc và công nghệ vận hành.

Các doanh nghiệp cần tiến hành cải tiến máy móc và công nghệ vận hành.

Doanh nghiệp và công nhân “kêu khó” vì giá điện tăng.

Doanh nghiệp và công nhân “kêu khó” vì giá điện tăng.

Có lộ trình nhưng chưa thực sự uyển chuyển

Thực tế việc tăng giá điện không phải “muốn tăng là tăng”. Bởi, dù EVN độc quyền điện tại Việt Nam nhưng chu kỳ tăng giá điện luôn được kiểm soát, giám sát và có lộ trình rõ ràng.

Lần tăng giá điện gần nhất là cuối năm 2017, sau một năm 2018 “yên ắng” thì ngày 20/3, giá điện tăng 8,36% (năm 2017 tăng 6,08%).

Có những kinh nghiệm mà ngành điện cần nhìn nhận, cụ thể trước đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục bị kêu việc điều hành tỷ giá tăng sốc, tăng bất thình lình. Nhưng sau khi chuyển sang cơ chế tỷ giá trung tâm, Ngân hàng Nhà nước đã công bố mức biến động điều hành tỷ giá trong năm nên đã xóa đi nỗi lo rủi ro chính sách, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Hay nhìn sang việc giá xăng từ ngày Bộ Công thương chuyển sang cơ chế điều hành giá xăng theo chu kỳ 15 ngày, giá xăng trong nước đã tăng - giảm uyển chuyển hơn, sát với thị trường hơn.

Vậy, đến khi nào ngành điện có thể công bố được tỷ lệ % điều chỉnh và các đợt điều chỉnh trong một năm và dự kiến trong trung, ngắn hạn? Đến khi nào thì ngành điện cũng buộc phải tính toán cẩn trọng, khoa học cả về thời điểm tăng lẫn mức tăng một cách công bằng, sòng phẳng như các ngành khác?

Theo Quyết định 28/2014 của Thủ tướng, biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang. Mức thấp nhất 92% giá bán lẻ bình quân và cao nhất tới 159%. Giá bán lẻ điện cho kinh doanh được áp ở mức khá cao, giờ cao điểm tối đa 248% và thấp điểm 75% giá bình quân, tùy theo cấp điện áp. Khách hàng sản xuất giờ thấp điểm được tính 52% và cao nhất 167% so với giá điện bình quân vào thời gian giờ cao điểm.

KIM NGỌC - ĐĂNG KIỆT

Theo NTD