Doanh nghiệp “sợ” không hối lộ sẽ khó tồn tại
Trong cộng đồng DN, “sự thờ ơ và hoài nghi về chống tham nhũng vẫn còn phổ biến và làm suy yếu những nỗ lực đang được thực hiện”. Nhiều DN, nhất là các DNNVV, không tin chống tham nhũng sẽ tốt hơn cho việc kinh doanh. Họ vẫn tin “không hối lộ sẽ gây nhiều khó khăn, khó có thể tồn tại và đảm bảo hoạt động kinh doanh”.
Sáng nay (21/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn về “Thúc đẩy sáng kiến liêm chính doanh nghiệp tại Việt Nam: từ nhận thức đến hành động”.
Không tin “chống tham nhũng sẽ tốt hơn cho việc kinh doanh”
Mặc dù Chính phủ có nhiều nỗ lực và công cuộc phòng chống tham nhũng (PCTN) đã “đạt được nhiều kết quả hơn những gì đã nói” như nhận xét của ông Giles Lever - Đại sứ Vương quốc Anh tại VN nhưng qua khảo sát, tham nhũng vẫn đang là nguyên nhân kìm nén sự phát triển kinh tế của VN so với các nước trong khu vực.
Báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên cho thấy, VN đứng thứ 81 về đạo đức và tham nhũng; xếp thứ 109 về các khoản chi không chính thức và hối lộ trong tổng số 137 nước; và tham nhũng được coi là vấn đề gây khó khăn thứ ba trong kinh doanh ở VN.
Trong chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2017 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, VN đứng thứ 107/180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khảo sát xây dựng Báo cáo đánh giá “Thúc đẩy hành động liêm chính giữa DN và Chính phủ tại VN” nhận thấy, trong cộng đồng DN, “sự thờ ơ và hoài nghi về chống tham nhũng (CTN) vẫn còn phổ biến và làm suy yếu những nỗ lực đang được thực hiện”.
Nhiều DN, nhất là các DNVVN, không tin CTN sẽ tốt hơn cho việc kinh doanh. Họ vẫn tin “không hối lộ sẽ gây nhiều khó khăn, khó có thể tồn tại và đảm bảo hoạt động kinh doanh”.
Thực tế, các DNVVN phải đối mặt với mâu thuẫn giữa đảm bảo đạo đức kinh doanh và tạo ra lợi nhuận. Họ lo ngại về rủi ro khi tố cáo tham nhũng và thiếu nguồn lực để giải quyết các yêu cầu hối lộ.
Qua phỏng vấn một số DN đa quốc gia, không nhiều DN ký hợp đồng trực tiếp với DN VN mà thường thông qua các DN trung gian từ các quốc gia khác có hoạt động tại VN cho thấy sự lo ngại của các DN đa quốc gia đối với các rủi ro hối lộ cao ở VN.
“Nhìn chung môi trường chung tại VN chưa tạo điều kiện cho văn hóa liêm chính trong kinh doanh” – báo cáo đánh giá “Thúc đẩy hành động liêm chính giữa DN và Chính phủ tại VN” nhận định.
Xử phạt phải đi cùng khuyến khích
Kinh nghiệm quốc tế về các chiến lược CTN thành công cho thấy, các chế tài phải được thực hiện đồng thời biện pháp khuyến khích để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi.
Song, qua Báo cáo, các biện pháp mà Chính phủ đang thực hiện tập trung nhiều vào cưỡng chế và trừng phạt, chứ không phải là những biện pháp khuyến khích.
Việc thực thi pháp luật hiệu quả là hình thức tốt nhất giúp hạn chế tham nhũng theo nhận định tại Báo cáo phân tích về Rủi ro tham nhũng đối với cấc nhà đầu tư ở VN của Diễn đàn DN VN (VBF).
Một số ý kiến cho rằng, các vụ xét xử tham nhũng nghiêm trọng gần đây như Ngân hàng Đại dương hay PVN làm cho DN thận trọng hơn rất nhiều khi thực hiện các giao dịch kinh doanh có liên quan đến hối lộ.
Các nỗ lực thực thi pháp luật với các DN nhỏ hơn cũng không kém phần quan trọng nhằm tạo tâm lý “không muốn” và “không dám” đưa hối lộ của các DN.
Do đó, muốn xây dựng liêm chính trong DN cần chứng tỏ được lợi ích dài hạn của các DN khi thực hiện đạo đức và sự tuân thủ trong kinh doanh. Đồng thời hỗ trợ xây dựng hệ thống tuân thủ và văn hóa liêm chính trong các DN thông qua các chương trình phổ biến và đào tạo.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI: “DN không thể chờ bộ máy tốt hơn mà cần chủ động xây dựng chính sách, khuyến nghị giải pháp để giảm gánh nặng cho DN trong quá trình hoạt động; giám sát, đánh giá quá trình thực hiện các quy định pháp luật, các giải pháp đảm bảo liêm chính, đối thoại với DN”.
Cùng với đó, “CTN chỉ sửa luật không thì không bao giờ đủ mà cần quan tâm đến vấn đề quản trị DN nên cần đảm bảo cho các DN hoạt động nghiêm túc không bị thiệt thòi, không rơi vào tình trạng “càng minh bạch càng thua thiệt”, xóa bỏ những giao dịch “ăn xổi” - ông Tuấn nhận định.
Dưới góc nhìn của thành viên Hội đồng tư vấn các dự án Luật cho Chính phủ, ông Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TANDTC), DN ngoài NN đang chịu nhiều thiệt thòi nên thiệt hại cả về tài sản hữu hình và vô hình. Do vậy, Nhà nước cần tạo nên cơ chế quản lý đảm bảo tính minh bạch, sự bình đẳng và tạo thuận lợi nhất cho các DN.
Còn đại diện Ngân hàng Nhà nước (WB) góp ý, cần tạo niềm tin của DN đối với Chính phủ rằng “nếu liêm chính sẽ được hưởng những gì”, cần cơ chế độc lập để DN có thể khuyến nghị nếu họ bị buộc phải có hành động liên quan đến tham nhũng.
“Chính phủ phải song hành với DN để DN có thể đưa ra những quy định rõ ràng và cụ thể trong quản trị DN đảm bảo liêm chính và Chính phủ cần xây dựng được hệ thống để việc minh bạch, công bố thông tin của DN dễ dàng hơn” – đại diện WB góp ý.
Khuyến nghị hướng tới sáng kiến liêm chính giữa DN và Chính phủ tại VN, báo cáo đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và DN; hoàn thiện các quy định pháp luật để cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tăng cường liêm chính; hỗ trợ DN xây dựng và hoàn thiện hệ thống tuân thủ, kiểm soát rủi ro/chống hối hộ.
Đặc biệt, đại diện các DN và chuyên gia rất chú trọng đến giải pháp “giáo dục tính liêm chính cho thế hệ trẻ để xây dựng giá trị liêm chính cho thế hệ các nhà kinh doanh tương lai”. Đồng thời, xây dưng năng lực cho cán bộ trong khu vực công để loại bỏ những hành vi lạm dụng quyền hạn “hành” hay gây nhũng nhiễu cho DN…
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI khẳng định, “liêm chính là một trong những chuẩn mực để DN VN hội nhập trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế cho thấy, tham nhũng làm giảm hiệu quả hoạt động của DN. Trong đó, DN vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân. Do đó, thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh để DN phát triển, tương tác với nhau trên “đường ray” liêm chính và sáng tạo”.
Ông Giles Lever - Đại sứ Anh tại VN: “Kết quả PCTN thời gian qua cho thấy, VN đã làm được nhiều hơn những gì đã nói, nhất là trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doannh, hạn chế những hành vi “bôi trơn”, hối lộ để DN đóng vai trò tích cực trông CTN; xây dựng liêm chính để DN không còn là nạn nhân của tham nhũng mà thực sự là tác nhân trong CTN. Từ đó hỗ trợ cho DN hoạt động”.
Ông Trần Văn Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp):“sáng kiến này sẽ góp phần đưa nhiều quy định trong dự thảo Luật PCTN vào thực tế như tăng cường giáo dục liêm chính cho các giám đốc DN, nhất là các DNVVN, thế hệ trẻ (sinh viên trong các trường liên quan đến các hoạt động tài chính, kinh doanh)”.
Ông Brook Horowitz – Tổng giám đốc điều hành IBLF toàn cầu: "Chỉ số niềm tin của DN với Chính phủ là quan trọng nhất đảm bảo các sáng kiến liêm chính đạt hiệu quả. DN không muốn phải chi trả những khoản bất chính vì ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nên Chính phủ cần những quy định xử phạt nghiêm minh, tăng cường hành pháp".
Huy Anh
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường