Doanh nghiệp ngoại "kêu trời" vì nghị định 116 về nhập khẩu ô tô

Thứ hai, 26/02/2018, 18:32 PM

Tranh cãi về việc có hay không Nghị định 116 “làm khó” ô tô nhập nhẩu, trong khi doanh nghiệp ngoại than khổ thì doanh nghiệp nội lại “bênh” Nghị định 116.

Sáng 26/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc đối thoại về phản ánh của doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư 03/2018 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng Nghị định 116.

Tranh cãi về việc có hay không Nghị định 116 “làm khó” ô tô nhập nhẩu, trong khi doanh nghiệp ngoại than khổ thì doanh nghiệp nội lại “bênh” Nghị định 116.

Doanh nghiệp ngoại kể khổ

Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" của VAMA về một số quy định hành chính trong Nghị định 116.

Ông Toru Kinoshita khẳng định nghị định này không tuân thủ thông lệ quốc tế, các cam kết quốc tế và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA. Kết quả là kể từ đầu năm 2018 tới nay, hầu như không có chiếc ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đối thoại với doanh nghiệp - Ảnh: NLĐ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đối thoại với doanh nghiệp - Ảnh: NLĐ

Vị Chủ tịch VAMA phân tích Nghị định 116 làm tăng thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập khẩu ô tô dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng.

“Nghị định cũng tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô"- ông Toru Kinoshita bình luận.

Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam nhận xét quy định chứng nhận tiểu loại không phù hợp thông lệ quốc tế vì thông thường cái này được thực hiện tại nước sở tại, theo yêu cầu của nước đó nên nước đó phải đứng ra đánh giá, chứng nhận theo tiêu chuẩn của mình.

Ông Dũng kiến nghị Chính phủ có sự cân nhắc, xem xét thông lệ quốc tế để không có quá nhiều khác biệt. Theo ông Dũng, việc chứng nhận này cũng không có nghiều ý nghĩa với việc đảm bảo chất lượng xe vì sau đó đăng kiểm vẫn sẽ kiểm nghiệm và cấp chứng nhận tiểu loại cho từng loại và như vậy là bị trùng.

Ông Lâm Chí Quang, đại diện thương hiệu xe Toyota và Lexus thì cho rằng phía Nhật Bản không cấp giấy này vì thế giới họ không làm thế.

Doanh nghiệp trong nước đồng tình

Trong khi doanh nghiệp ngoại – những đơn vị bị ảnh hưởng bởi Nghị định 116 kể khổ thì doanh nghiệp nội – đơn vị được hưởng lợi từ Nghị định 116 lại đồng tình với Nghị định 116.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Thaco  phát biểu Nghị định 116 ra đời là để đưa ngành sản xuất, lắp ráp, bảo hành và bảo dưỡng ô tô vào 1 ngành kinh doanh có điều kiện nhằm bảo đảm được 4 mục tiêu chính là: Đảm bảo điều kiện về môi trường; Đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng; An toàn giao thông và Đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu với nhau, giữa các doanh nghiệp nhập khẩu với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước, và giữa các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước với nhau.

“Tôi cũng xin nói rằng, với sự tự trọng của tôi, tôi không xin sự ưu đãi, Nghị định 116 này không ưu đãi cái gì cho doanh nghiệp trong nước. Đây gần như là giống nhau”, ông Trần Bá Dương phân trần trước những ý kiến cho rằng Nghị định 116 ưu đãi doanh nghiệp trong nước.

Ông Dương cho biết công ty: “Đã bị thử nghiệm, hiện nay các phụ tùng chúng tôi đang làm liên quan đến chất lượng, chúng tôi phải có giấy chứng nhận từ nhà sản xuất nước ngoài, thậm chí đăng kiểm đi cùng chúng tôi qua Nhật, qua các nhà máy để kiểm tra. Chúng tôi bị kiểm tra từng chiếc xe, mà từng lô xe của chúng tôi là hàng ngàn xe. Tránh ngộ nhận việc này là ủng hộ sản xuất trong nước, điều này là không có. Chúng ta cũng mong muốn, cũng nhìn nhận, nhưng tại thời điểm này tôi chưa thấy có một việc gì là ủng hộ sản xuất lắp ráp trong nước. Tôi cũng rất trân trọng và cảm ơn đề nghị của Chủ tịch VAMA cần có thêm một chính sách thuế để trong thời gian tới bù đắp được chi phí sản xuất của chúng ta tại đây, đối với một nền công nghiệp ô tô còn non trẻ so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, đặc biệt thị trường họ rất lớn”.

Phát biểu trong cuôc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định ban hành Nghị định 116 là một tiến bộ lớn của Chính phủ Việt Nam. Ông Dũng chia sẻ Nghị định được ban hành một cách công phu, đã được lắng nghe ý kiến của các Hiệp hội, ngành hàng, lắng nghe ý kiến của các đối tượng.

Ông Dũng đề nghị Bộ Công thương, Bộ GTVT và các cơ quan của Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, đưa ra những lý giải hết sức thỏa đáng với các nhà sản xuất trong nước, với các nhà liên doanh hay nhập khẩu.

“Tránh việc người ta hiểu nhầm chúng ta tạo ra những rào cản để co kéo lợi ích. Nếu chúng ta làm không rõ Nghị định 116 thì sẽ làm cho các nhà đầu tư hiểu nhầm”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu: “Một số ý kiến cho rằng liệu có phải có một số vi phạm pháp luật Châu Âu hay không, hiện nay theo cá nhân tôi được biết, những việc hiện nay, ví dụ như Nghị định 116 quy định, có nhiều quốc gia đang ngồi tại đây, thậm chí đã đang phát biểu thì cũng làm như vậy, thế thì chúng ta cũng phải xem liệu là có vi phạm không và vi phạm nó như thế nào, hay là một vấn đề nào đó”.

Vy Vy

Theo NTD

largeer