Doanh nghiệp du lịch TP.HCM hiến kế mở cửa đón khách quốc tế

Thứ ba, 08/03/2022, 16:54 PM

Liên kết hãng hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn; đẩy mạnh xúc tiến du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch là những giải pháp được ngành du lịch TPHCM đưa ra nhằm thu hút khách quốc tế.

h1

Đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2027. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương chuẩn bị công tác mở cửa đón khách quốc tế.

Tuy vậy, trước những thách thức sau hai năm thị trường bị "đóng băng," ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang kêu gọi sự đồng hành và hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp phục vụ mục tiêu đón khách quốc tế đến Thành phố thời gian tới.

Giải bài toán mở cửa an toàn

Liên quan đến hoạt động mở cửa đón khách quốc tế, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết vấn đề hiện nay là cần thúc đẩy cơ chế, chính sách tạo ra tiền đề triển khai đa dạng giải pháp thu hút khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngành du lịch thành phố cần có tham vấn ý kiến của Bộ Y tế, trên cơ sở đó đáp ứng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu nhưng không tạo rào cản trong mở cửa thị trường du lịch quốc tế. Cụ thể là những vấn đề thị thực, kiểm soát, cách ly, test SARS-CoV-2... như thế nào? Chỉ khi thống nhất quy định giữa các bộ, ngành và nhất quán thực hiện ở các địa phương mới có thể mở được cánh cửa du lịch đón khách quốc tế.

Theo ông Võ Anh Tài, ngay từ đầu năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú... đã nỗ lực không ngừng để phục hồi, phát triển ngành du lịch cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Tuy nhiên, trong điều kiện chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế cần có những kiến nghị với Chính phủ và Bộ Y tế kèm theo những quy định thống nhất về cơ chế, chính sách đặc thù dành cho khách quốc tế hoặc khi khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh này cần có những kiến nghị kịp thời với bộ, ngành liên quan trước khi ban hành kế hoạch triển khai mở cửa đón khách quốc tế trên địa bàn. Đồng thời, ngành du lịch đẩy mạnh liên kết du lịch với các tỉnh, thành để giới thiệu sản phẩm liên vùng, nhất là tour, tuyến nghỉ dưỡng liên tỉnh.

Qua đó, ngành du lịch thành phố có thể hạn chế được tình trạng khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh nhưng bước ra khỏi địa bàn lại bị yêu cầu đáp ứng quy định phòng, chống dịch COVID-19 khác của từng địa phương, vô hình tạo ra rào cản thu hút khách quốc tế, bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho họ.

Cùng quan điểm, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel cho rằng, sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh đã nắm bắt những khó khăn trong hai năm qua của ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra giải pháp đi vào trọng tâm, trọng điểm.

Tuy vậy, để gia tăng giá trị cộng thêm và thu hút khách quốc tế phải xây dựng, mở thêm sản phẩm, dịch vụ sau 22 giờ hàng ngày. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú quan tâm hàng đầu là việc du khách nhập cảnh và trở về nước đều phải test PCR sẽ phát sinh chi phí, cần được ngành y tế hỗ trợ.

Do đó, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cần kiến nghị Chính phủ có chính sách miễn thị thực với các nước hợp tác song phương với Việt Nam.

Hơn thế nữa, ngành Du lịch Thành phố cần nhanh chóng giải quyết những vấn đền về di chuyển, phục vụ khách quốc tế như khách nội địa, bổ sung thêm danh sách cơ sở lưu trú, điểm vui chơi, nguồn nhân lực...

"Cởi mở" chính sách đón khách

Ông Trương Phương Thành, Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Bamboo Airway cho hay không chủ quan với dịch bệnh nhưng vấn đề ban hành một số chính sách "cởi mở" phù hợp với diễn biến thực tế là vô cùng quan trọng.

Trong tháng 3/2022, Bamboo Airway đã và đang mở chuyến bay đi một số địa phương thuộc Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... và tất cả những chuyến bay này là cầu nối đưa khách quốc tế vào Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Hãng hàng không luôn mong muốn mở nhiều chuyến để phục vụ thị trường nhưng trong cơ chế quản lý có những hạn chế nhất định, dẫn đến ảnh hưởng tới hiệu quả khai thác cả ở lĩnh vực hàng không và du lịch.

Điển hình, nếu cứ đặt nặng vấn đề "giảm giá" để kích cầu du lịch, các hãng hàng không sẽ không trụ nổi. Khi hãng hàng không bán vé cho khách hàng đều bị kèm theo thuế phí như chi phí xăng, dầu, lệ phí quản lý mặt đất... nên trong những thời điểm đặc biệt cần có sự điều chỉnh phù hợp để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và bớt áp lực đi lại cho người dân, du khách.

h2

Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trong năm 2022. (Ảnh: TTXVN)

Hãng hàng không có thể liên kết với ngành du lịch để chào bán combo từ vận chuyển, ăn ở, du lịch, mua sắm... xuyên suốt hành trình tour của du khách.

Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, ngành du lịch thành phố cần liên kết hãng hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn... trong hoạt động xúc tiến du lịch trên cả thị trường nội địa và quốc tế.

Bên cạnh đó, muốn phát triển kênh truyền thông quảng bá du lịch quốc tế cần xây dựng cơ sở dữ liệu và kho lưu trữ cơ sở dữ liệu để đăng tải trên mạng xã hội, kênh truyền thông...

Mặt khác, để thu hút khách quốc tế, những điểm đến trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cần đầu tư điểm nhấn hay nét độc đáo, nổi bật. Hay ở lĩnh vực ẩm thực có thể công nghệ hóa đa dạng đặc sản, món ngon Việt, nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ sở lưu trú...

Hướng đến mục tiêu tăng cường quảng bá du lịch thành phố thông qua điểm đến, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, sản phẩm, ẩm thực và đặc biệt đẩy mạnh truyền thông thương hiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh- Vibrant Ho Chi Minh City, Sở Du lịch thành phố đang xây dựng kế hoạch thu hút khách quốc tế.

Cụ thể, trong năm 2022, ngành du lịch thành phố sẽ triển khai đa kênh xúc tiến du lịch ra thị trường quốc tế: Thực hiện các chất liệu và công cụ truyền thông như sản xuất TVC (phim quảng bá) du lịch thành phố, phim ngắn (dưới 60 giây) về điểm đến, sản phẩm du lịch, đại sứ du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, quảng bá thương hiệu du lịch thành phố trên các kênh truyền thông quốc tế.

Theo thống kê, địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 34 khách sạn với hơn 6.800 phòng đã đáp ứng yêu cầu về thí điểm đón khách quốc tế năm 2022.

Bên cạnh đó, Thành phố có 6 điểm đang hoàn tất thủ tục để được duyệt đón khách quốc tế; 5 doanh nghiệp được thí điểm đón khách quốc tế theo mô hình tour trọn gói là Saigontourist, Vinasun travel, Hải Vân Cát Travel, TS Tourist và Blue Sky travel./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Theo vietnamplus.vn