Điều gì đang xảy ra với Nhà máy ô tô thương mại SCV của SAMCO?

Thứ ba, 25/09/2018, 10:37 AM

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng với rất nhiều kỳ vọng nhưng Nhà máy ô tô thương mại của SAMCO (SCV) lại liên tục thua lỗ. Từ đầu năm 2018, dòng xe Fuso Rosa chủ lực của nhà máy này cũng không còn mà đã chuyển sang cho Thaco, một cái tên đình đám khác của thị trường ô tô Việt Nam. Điều gì đang xảy ra với SCV?

Đầu tư trăm tỷ nhưng thua lỗ liên tục…

Năm 2014, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) đã đầu tư xây dựng Nhà máy ô tô thương mại SAMCO (SCV) tại địa chỉ lô E3, E4, KCN Cơ khí ô tô TP.HCM (huyện Củ Chi), có diện tích 40.000 m2. Theo giới thiệu, SCV có vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng do SAMCO hợp tác cùng Công ty TNHH Mercedes Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ Fuso (Nhật Bản) để sản xuất dòng xe thương mại 29 chỗ, mang thương hiệu Fuso Rosa. Công suất thiết kế dự kiến khoảng 1000 xe/ năm.

Sau 11 tháng triển khai, tháng 9/2015, SCV đã chính thức đi vào hoạt động với rất nhiều kỳ vọng. Song, thực tế hoạt động trong 2 năm liên tiếp (2016 - 2017) lại hoàn toàn đi ngược kỳ vọng ban đầu. Cụ thể, báo kết quả kinh doanh của SAMCO cho thấy, năm 2016, SCV lỗ hơn 37 tỷ đồng, còn năm 2017 lỗ hơn 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ đầu năm 2018 đến nay, tuy vẫn tồn tại trên thị trường, song dòng xe Fuso Rosa không còn được gắn với cái tên SAMCO mà thuộc hệ thống của Thaco, một cái tên đình đám khác của thị trường ô tô Việt Nam.

… và “mất tích”

Trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, đại diện Thaco cho biết, từ đầu 2018, đơn vị này đã hợp tác trực tiếp với Tập đoàn Daimler (đơn vị sở hữu Mercedes và Mitsubishi Fuso) chuyển giao công nghệ và phân phối xe khách, xe tải mang thương hiệu Fuso tại Việt Nam, trong đó đã bao gồm cả Fuso Rosa. Đại diện Thaco cũng nhấn mạnh, đơn vị này hợp tác trực tiếp với chủ sở hữu thương hiệu Daimler chứ không thông qua ai, kể cả SAMCO. Điều này đồng nghĩa, từ năm 2018, Fuso Rosa đã không còn được sản xuất tại SCV. Tìm kiếm thông tin SCV trên Google cũng cho thấy, nhà máy này đã đóng cửa vĩnh viễn. Ngoài ra, một nguồn tin khác cho hay, SCV hiện tại không còn sản xuất xe khách Fuso Rosa như trước đây mà chỉ còn hoạt động sản xuất xe chuyên dùng.

Sự biến mất  của SCV sau thua lỗ và sự ra đời của SP.SAMCO tại cùng một địa chỉ đang đặt ra nhiều nghi vấn (Ảnh minh họa)

Sự biến mất của SCV sau thua lỗ và sự ra đời của SP.SAMCO tại cùng một địa chỉ đang đặt ra nhiều nghi vấn (Ảnh minh họa)

Trước hiệu quả kinh doanh kém cỏi của SCV, SAMCO lý giải: Trong năm 2017, hoạt động sản xuất kinh doanh tại SCV đã có khoảng thời gian tạm ngừng do tình hình thị trường tiêu thụ và sự thay đổi chính sách của Mercedes Benz Việt Nam, điều này gây ra sự sụt giảm sản lượng sản xuất của nhà máy. Đồng thời, do yêu cầu đặc thù của của vật tư tiêu hao đối với dòng xe Fuso Rosa, yêu cầu về lượng đặt hàng tối thiểu của nhà cung cấp và kế hoạch sản xuất không ổn định đã tạo ra một số vật tư tiêu hao tồn kho sau sản xuất.

Diễn biến là vậy, thế nhưng, đến nay SAMCO vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào về việc đóng cửa hoặc hoạt động khác liên quan đến SCV. Các báo cáo công khai gần nhất của SAMCO trình UBND TP.HCM cũng không thấy thể hiện thông tin về SCV mà chỉ có hoạt động của Nhà máy ô tô chuyên dùng SAMCO (SP.SAMCO) trong khi dư luận lại đang rất quan tâm về nguyên nhân dẫn đến kinh doanh thua lỗ, sự “biến mất” của SCV và cả trách nhiệm của người đứng đầu SAMCO - Chủ tịch HĐTV Nguyễn Hồng Anh.

Trách nhiệm của người đứng đầu?

Khi mà thắc mắc của dư luận còn chưa được làm sáng tỏ thì mới đây (ngày 21/9), SAMCO đã khánh thành Nhà máy ô tô chuyên dùng - SP.SAMCO, cùng địa chỉ lô E3, E4, KCN Cơ khí ô tô TP.HCM (địa chỉ SCV trước đây).

SP.SAMCO được Hội đồng thành viên SAMCO phê duyệt vào năm 2014 và mở rộng thêm vào năm 2015 với tổng vốn đầu tư hơn 137 tỷ đồng. Theo giới thiệu, nhà máy có diện tích 40.000 m2, chuyên sản xuất xe và các thiết bị chuyên dùng thuộc các lĩnh vực môi trường và phòng cháy chữa cháy. Công suất dự kiến là 500 xe, thiết bị/ năm.

Khánh thành nhà máy ô tô chuyên dùng với địa chỉ, diện tích và thời gian xây dựng, vận hành… hoàn toàn trùng lấp với nhà máy ô tô thương mại đang thua lỗ, “biến mất” chưa rõ nguyên nhân - SAMCO đang khiến dư luận vốn nghi vấn càng thêm nghi vấn về sự lẩn tránh trách nhiệm khoản thua lỗ hàng trăm tỷ đồng của SCV?

Có chăng, một SP.SAMCO mới đang được sắp đặt nằm “đè” lên một SCV cũ đã thua lỗ, để che lấp trách nhiệm của những người có liên quan? - Báo Người Tiêu Dùng đang tiếp tục làm việc với UBND TP.HCM và SAMCO để sớm có thông tin chuẩn xác nhất gửi đến quý bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.

Có thể do chưa dự báo được thị trường!

Nói về thực trạng thua lỗ của SCV, ông Q.B, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh ô tô nói: “Có thể, SAMCO đầu tư nhưng chưa dự báo được thị trường. Các dòng xe thương mại không cạnh tranh nổi với các thương hiệu lớn khác trong và ngoài nước, cũng như chính sách quảng bá chất lượng chưa phù hợp thị hiếu thị trường dẫn đến tốn rất nhiều chi phí vận hành nên gây ra thua lỗ”.

Võ Nguyễn - Kim Ngọc

Theo NTD