Đến lượt bầu Thắng “cứu” Gỗ Trường Thành
Sau khi được đại gia Mai Hữu Tín “giải cứu”, Gỗ Trường Thành vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu lại bộ máy, mới đây đã phải giải thể 2 công ty con. Và bây giờ đến lượt bầu Thắng ra tay hỗ trợ…
Ẩn số Sứ Thiên Thanh
Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã CK: TTF) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2018 diễn ra cuối chiều qua (25/10).
Phiên họp được triệu tập để thông qua chủ trương sáp nhập nhằm “bơm” thêm vốn điều lệ cho Gỗ Trường Thành.
Cụ thể, Gỗ Trường Thành và công ty Cổ phần Sứ Thiên Thanh (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) sẽ ký kết hợp đồng sáp nhập để sáp nhập Sứ Thiên Thanh vào Gỗ Trường Thành. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm gốm sứ, do công ty cổ phần Đồng Tâm của ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) và người có liên quan nắm tỷ lệ chi phối.
Hình thức sáp nhập là hoán đổi cổ phiếu. Gỗ Trường Thành phát hành thêm 96,59 triệu cổ phiếu TTF để hoán đổi lấy cổ phiếu Sứ Thiên Thanh trên cơ sở tỷ lệ hoán đổi là 8,21:1, nghĩa là 8,21 cổ phiếu TTF đổi lấy 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh.
Số cổ phần phát hành thêm chiếm đến 45,01% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Gỗ Trường Thành nên sau khi hoán đổi, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) dự kiến giảm 0,5% và giá trị sổ sách của một cổ phiếu giảm khoảng 2,4%.
Dự kiến sau sáp nhập, Sứ Thiên Thanh có pháp nhân mới là công ty TNHH một thành viên, là công ty con của Gỗ Trường Thành.
Công ty sau sáp nhập sẽ đổi tên thành công ty Cổ phần Total Furniture (Total Furniture Corporation), mã chứng khoán: TTF, có vốn điều lệ sau phát hành là 3.112 tỷ đồng.
Cũng theo phương án này, kể từ ngày hợp đồng sáp nhập có giá trị pháp lý, Gỗ Trường Thành được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của Sứ Thiên Thanh một cách toàn bộ và nguyên trạng.
Năm 2019, công ty Cổ phần Total Furniture dự kiến sẽ đạt doanh thu 252,8 tỷ đồng và lãi sau thuế 12,8 tỷ đồng.
Cũng tại phiên họp ĐHĐCĐ diễn ra chiều 25/10, một nội dung quan trọng đã được trình lên HĐQT là bổ sung thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Trọng Hiếu sau khi ông Hà Hoàng Thế Quang thôi nhiệm theo nguyện vọng cá nhân từ 6/9.
Trước đó, hồi đầu tháng 10/2018, khi Gỗ Trường Thành vừa công bố thông tin về việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để xin ý kiến về việc tăng vốn điều lệ bằng phương án sáp nhập công ty khác, thị trường đã rộ lên đồn đoán về việc doanh nghiệp chuẩn bị… bán mình. Đến giờ, thông tin này đã được xác thực.
Hiện tại vì Gỗ Trường Thành đã được niêm yết tại sàn giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh còn Sứ Thiên Thanh chưa phải công ty đại chúng nên xét về hình thức, Sứ Thiên Thanh vẫn phải sáp nhập vào Gỗ Trường Thành và hoạt động như một công ty con của Gỗ Trường Thành.
Từ đại gia Mai Hữu Tín đến bầu Thắng ra tay "giải cứu"
Trước khi chấp nhận sáp nhập với Sứ Thiên Thanh, Gỗ Trường Thành đã trải qua một thời kỳ dài làm ăn bết bát do kinh doanh dưới giá vốn, hàng tồn kho số lượng lớn hàng chục năm, khách hàng nợ đọng kéo dài… và sau hàng loạt quyết định thoái vốn, thanh lý các khoản đầu tư, chuyển nhượng vốn cổ phần tại các doanh nghiệp khác.
Hiện TFF chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2018. Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên (đã soát xét) 2018, doanh nghiệp có doanh thu nửa đầu năm 2018 là 313 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán vọt lên 509 tỷ đồng và lỗ sau thuế lên đến 731 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 30/06/2018 là 2.092 tỷ đồng.
Không chỉ thanh lý, chuyển nhượng vốn đầu tư, tập đoàn này vừa phải giải thể hai công ty con là công ty CP Lâm nghiệp Trường Thành Đắk Nông và công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Trường Thành – Đắk Nông do không tìm kiếm được đối tác và khách hàng.
Tổng Giám đốc TTF – ông Mai Hữu Tín từng phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 của doanh nghiệp rằng, cho dù cổ đông có sốt ruột nhưng TTF cần phải trải qua những “đau đớn” nhất định để giải quyết những tồn tại của giai đoạn cũ. Cho đến nay, ông Mai Hữu Tín đã tiếp quản và điều hành TTF được gần 1,5 năm.
Còn nhớ hồi tháng 4/2017, thị trường chứng khoán bất ngờ với thương vụ thoái vốn của công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Liên Phát khỏi Gỗ Trường Thành và một cái tên mới xuất hiện là CTCP Xây dựng U&I (U&I Construction) – công ty công ty thành viên của công ty CP Đầu tư U&I do ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Công ty này đã mua hơn 20% vốn cổ phần của Gỗ Trường Thành và trở thành cổ đông lớn nhất.
Ông Mai Hữu Tín là một cái tên khá quen thuộc trong giới doanh nhân, tài chính. Ông là Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khoá IV (nhiệm kỳ 2011-2014), 2 lần được bầu là Đại biểu Quốc hội và còn là thành viên HĐQT độc lập của ngân hàng Kiên Long.
Trước khi bắt tay vào “giải cứu” Gỗ Trường Thành, ông Tín từng giải cứu thành công công ty Giấy Sài Gòn, đồng thời mua lại công ty Toàn Mỹ rồi kết hợp với giám đốc Toàn Mỹ để làm công ty truyền thông Trí Việt.
Đến giờ, ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch công ty CP Đồng Tâm là người tiếp theo bắt tay vào “giải cứu” Gỗ Trường Thành.
Công ty CP Đồng Tâm của bầu Thắng đang là cổ đông lớn của công ty cổ phần Sứ Thiên Thanh với tỷ lệ sở hữu 47,27%.
Trong một diễn biến liên quan, trước khi sáp nhập với công ty của bầu Thắng, hoạt động của TTF phụ thuộc khá lớn vào tập đoàn Vingroup với tỷ lệ 70% doanh thu năm 2017 đến từ các đơn hàng của Vingroup. Sang năm 2018, tình hình bết bát chủ yếu do các đơn hàng này đã đi vào giai đoạn hoàn thiện nên không phát sinh thêm doanh thu – theo giải trình của lãnh đạo TTF với sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Minh Minh
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở