Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 7 - 8% từ 1/7/2022
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức từ trên 7% đến trên 8% từ ngày 1/7/2022…
Ảnh minh họa.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thông tin này trước thềm phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia sáng 12/4.
Trao đổi với báo chí trước thềm phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đại diện cho người lao động đặt ra mục tiêu thương lượng và kỳ vọng lương tối thiểu vùng sẽ được tăng ở mức từ trên 7% đến trên 8% từ ngày 1/7/2022.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lý giải, có nhiều căn cứ để tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022. Theo điều Điều 91 Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp cũng xác định, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp,...).
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội: GDP tăng khoảng 6 – 6,5% theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Quốc hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%.
Một số căn cứ khác đó là tỷ lệ chi phí lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm của một số nước trên thế giới tương đồng với Việt Nam. Do đó, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động là cần thiết trong bối cảnh thời gian qua chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
“Việc tăng lương tối thiểu vùng mang lại quyền lợi cho cả chủ sử dụng lao động và người lao động. Càng lúc khó khăn càng phải an dân, tạo niềm tin cho người lao động”, ông Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm.
Trước đó, trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sau gần hai năm chưa điều chỉnh, việc tăng lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết để đảm bảo đời sống cho người lao động, song mức tăng cần tính toán cân nhắc kỹ để hài hòa quyền lợi của các bên ở mức chấp nhận được, đặc biệt là khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Nhật Dương
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội