Đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử

Thứ sáu, 15/03/2019, 09:51 AM

Theo đại diện Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), rất nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới có xu hướng chọn nhập hàng từ Việt Nam thay cho Trung Quốc.

Vì vậy, Alibaba nhanh chóng “bắt tay” với đầu mối tại Việt Nam để khai thác lợi ích từ xu hướng này. 

Công ty Fado Việt Nam được lựa chọn làm đầu mối kết nối các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu của Việt Nam thông qua sàn thương mại điện tử của Alibaba. Các doanh nghiệp được kết nối chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có đủ nhân sự xuất khẩu chuyên nghiệp, chưa có kinh nghiệm, chưa am hiểu thị trường nước ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - cho biết, thương mại điện tử đang trở thành công cụ hữu hiệu giúp các nhà xuất khẩu trong nước chủ động tiếp cận, chào hàng với khách quốc tế khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Đây là xu hướng khá phổ biến trên thế giới hiện nay. Những năm gầy đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục gia tăng khiến các tập đoàn thương mại điện tử thuộc tốp đầu thế giới như Amazon, Alibaba chú ý và thiết lập kênh khai thác tại Việt Nam.

2

Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, đã có 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Việc gia nhập những nền tảng thương mại điện tử B2B - tức business to business, hình thức giao dịch và hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, các giao dịch diễn ra chủ yếu trên các kênh thương mại điện tử hoặc sàn giao dịch điện tử, giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, giảm chi phí xúc tiến thương mại kiểu truyền thống. Alibaba.com là sàn thương mại điện tử hoạt động theo mô hình B2B.

Bà Grace He - Giám đốc quản lý Alibaba tại thị trường Việt Nam - cho hay, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến lượng hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, Canada và một số nước châu Âu giảm nhiều. Việt Nam là một trong những quốc gia đóng vai trò là nhà cung ứng nguồn hàng xuất khẩu thay thế, đặc biệt những nhóm hàng mà trước đây Trung Quốc có thế mạnh như dệt may, da giày, máy móc. Giá nhân công rẻ, có nhiều hiệp định tự do thương mại là những lợi thế của Việt Nam. 

Theo bà Grace He, từ năm 2014-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất nhanh khiến lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, châu Âu tăng mạnh. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam lại chưa tận dụng những lợi thế này để gia tăng doanh số bán hàng.

Đăng Thư

Theo phunuonline.com.vn